Chốt phiên giao dịch 22/3, giá vàng thế giới giao ngay tăng 30 USD lên 1.970 USD một ounce. Trong phiên, giá có thời điểm lên sát 1.980 USD.
Thị trường đi lên khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ám chỉ sắp ngừng tăng lãi suất. Hôm qua, cơ quan này vẫn nâng lãi suất tham chiếu thêm 25 điểm cơ bản (0,25%), đúng như dự báo của thị trường. Tuy nhiên, trong buổi họp báo sau đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết: "Chúng tôi không còn nói rằng việc tiếp tục nâng lãi là phù hợp để đối phó lạm phát nữa".
"Fed đang phải cân bằng giữa rủi ro lạm phát và khả năng gây ra bất ổn kinh tế. Cả hai yếu tố này đều có thể kéo nhu cầu mua vàng trú ẩn lên cao", Suki Cooper – nhà phân tích tại Standard Chartered cho biết.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ hôm qua đi xuống. Giá USD cũng xuống thấp nhất 7 tuần so với các tiền tệ lớn, khiến vàng càng hấp dẫn.
Giá vàng đã tăng 7% tháng này, có thời điểm vượt mốc 2.000 USD một ounce, do lo ngại bất ổn với ngành ngân hàng và tài chính. "Dù không đóng cửa ở mức cao nhất phiên, giá vàng vẫn hưởng lợi khi nhà đầu tư đặt cược chu kỳ tăng lãi sắp chấm dứt", Tai Wong – chuyên viên giao dịch kim loại độc lập tại New York nhận định.
Ông cho rằng rào cản với việc nâng lãi lần nữa của Fed đang cao lên đáng kể, do môi trường tài chính gần đây thắt chặt. Thị trường hiện theo dõi liệu vàng có thể bứt lên trên mức đỉnh tuần trước hay không. Quá trình nâng lãi của Fed hơn một năm qua đã gây sức ép lên kim loại quý, do công cụ này không trả lãi cố định.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, các chỉ số chủ chốt hôm qua đều đi xuống. DJIA, S&P 500 và Nasdaq Composite cùng giảm 1,6%.
Toàn bộ 11 nhóm ngành thuộc chỉ số S&P 500 chìm trong sắc đỏ. Trong đó, nhóm bất động sản ghi nhận mức giảm ngày mạnh nhất kể từ tháng 9/2022.
Nhóm ngân hàng cũng quay đầu đi xuống sau 2 phiên tăng. Pacific Western Bank mất 17,1% dù đã huy động được thêm 1,4 tỷ USD vốn. Western Alliance Bancorp giảm 5%. Cổ phiếu First Republic mất thêm 15,5% do nhà đầu tư lo ngại ngân hàng này phải giảm quy mô hoặc tìm sự hỗ trợ của chính phủ.
Thị trường đi xuống sau khi Fed tiếp tục nâng lãi và thừa nhận biến động trên thị trường ngân hàng có thể làm giảm tốc kinh tế Mỹ. Đà bán tháo tăng tốc sau phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trước Thượng viện rằng họ không cân nhắc nâng giới hạn bảo hiểm tiền gửi tại các ngân hàng lên trên mức 250.000 USD hiện tại. Một số nhà đầu tư từng kỳ vọng nâng giới hạn sẽ giúp khủng hoảng ngân hàng không lan rộng.
Hà Thu (theo CNN, Reuters)