Phân khúc còn nhiều dư địa tăng trưởng
Theo Nhịp Sống Kinh Tế, trong bối cảnh các phân khúc khác đang chịu tác động từ ảnh hưởng trầm lắng chung của toàn thị trường, bất động sản nghỉ dưỡng dưỡng lão được Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) đánh giá là phân khúc có dư địa phát triển rất lớn trong thời gian tới. Đặc biệt trong bối cảnh tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam ngày một tăng cao. Tốc độ già hóa dân số nhanh chóng. Cơ cấu dân số chuyển dịch theo hướng số lượng người già nhiều hơn người trẻ.
VARs dẫn chứng, theo sách chuyên khảo “Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam” của Tổng cục Thống kê, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo nghiên cứu của Savills Việt Nam, Hà Nội có hơn 1 triệu người; Thanh Hóa hơn 514.000 người; Nghệ An trên 408.000 người, Thái Bình là 347.830 người. Các tỉnh phía Nam như TP.HCM và Đồng Nai lần lượt có 841.005 người và 278.159 người trên 60 tuổi.
Trong đánh giá của VARs, người cao tuổi Việt Nam hiện nay sống độc lập hơn với con cái; quy mô gia đình nhỏ hơn và con cái sống độc lập với cha mẹ già. Đáng chú ý, hiện nay, quan điểm của người dân về nhà ở dưỡng lão đã có sự thay đổi. “Việc đưa cha mẹ tới sinh sống tại viện dưỡng lão không đồng nghĩa với việc con cái họ không yêu thương ba mẹ. Và ba mẹ hiện nay cũng rất mong muốn được sống trong cộng đồng có các bạn già để chia sẻ buồn vui, có bác sĩ và y tá để theo dõi sức khỏe hàng ngày”, VARs nêu rõ.
Theo đơn vị nghiên cứu này, việc người cao tuổi dưỡng già trong viện dưỡng lão gần như đã trở thành quy luật tại các quốc gia phát triển. Kể cả Trung Quốc - một nước vốn nặng về quan điểm con cái phải chịu trách nhiệm chăm sóc cha mẹ khi về già cũng đã bùng nổ xu hướng dưỡng lão trong viện. Theo đó, với hơn 264 triệu người dân trên 60 tuổi tính đến năm 2020, Trung Quốc đã có hơn 40.000 viện dưỡng lão được xây dựng trong thập niên gần đây.
Như vậy có thể nói, nhu cầu chăm sóc dài hạn của người cao tuổi ngày càng tăng cao trong những năm tới. Nhưng theo thực tế khảo sát và thống kê của Công ty Bảo hiểm Bảo Việt (BVI), tính đến năm 2021, nước ta có khoảng 80 cơ sở chăm sóc người cao tuổi ngoài công lập. Trong số 63 tỉnh thành của cả nước, chỉ có 32 tỉnh có viện dưỡng lão dành cho việc chăm sóc người cao tuổi và các viện dưỡng lão này phần lớn thuộc khu vực tư nhân. Tức là, không đạt mức bình quân mỗi tỉnh thành một trung tâm.
“Phát triển các bất động sản dưỡng lão vừa là một giải pháp hiệu quả với những thách thức này, vừa mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, xã hội khác”, VARs nêu rõ.
“Bên cạnh các cơ sở chăm sóc sức khỏe của nhà nước. Dịch vụ tư nhân cung cấp không gian, hạ tầng và tiện ích theo xu hướng nghỉ dưỡng dưỡng lão “luxury resort”, đáp ứng nhu toàn diện nhu cầu cho người cao tuổi cũng có tiềm năng rất lớn để phát triển. Đi cùng với tốc độ tăng trưởng hàng năm ngày càng tăng của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tầng lớp trung lưu đang hình thành hiện chiếm 13% dân số và dự kiến sẽ lên đến 26% vào năm 2026. Đây chính là phân khúc tiêu tiền của tầng lớp này, sau quãng thời gian tuổi trẻ cống hiến và lao động”, theo nghiên cứu của VARs.
Trươc nhu cầu nghỉ dưỡng cho người cao tuổi, thời gian gần đây, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn bắt đầu tham gia vào việc phát triển loại hình bất động sản dưỡng lão. Tuy nhiên, theo VARs, phân khúc này vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
VARs cũng đưa ra nhận định rằng, theo điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, càng nhiều tuổi, người cao tuổi càng có xu hướng chuyển đến sống ở nông thôn. Với xu hướng phân bổ dân số này, các nhà phát triển dự án có thể đón đầu cơ hội, phát triển phân khúc bất động sản dưỡng lão ở những khu vực vùng ven các đô thị lớn. Hệ thống hạ tầng đang ngày càng được đầu tư đồng bộ, hoàn thiện, việc di chuyển đến các khu vực vùng ven này sẽ không còn là trở ngại.
“So với các nước khác, Việt Nam có rất nhiều lợi thế cạnh tranh từ cảnh quan thiên nhiên, văn hóa đến chi phí. Phát triển mạnh phân khúc này sẽ thu hút lượng lớn kiều hối từ hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài trở về quê tĩnh dưỡng tuổi già”, theo VARs.
Chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường
Theo Tiền Phong, bà Đinh Thị Ngọc Minh, Chủ tịch Tuấn Minh Group, đơn vị phát triển hệ thống viện dưỡng lão S-Merciful cho biết, theo thống kê, đến năm 2018, nước ta mới chỉ có khoảng 102 cơ sở tổng hợp có phân khu chăm sóc người cao tuổi, trong đó có 32 cơ sở chuyên biệt chăm sóc người già trên cả nước. Nhưng đa số các cơ sở này chỉ đáp ứng tối thiểu dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi, chưa xứng tầm với yêu cầu ngày càng cao của người dân.
Đồng thời, bà Đinh Thị Ngọc Minh cho rằng phân khúc bất động sản nhà ở dưỡng lão tại Việt Nam mới trong tình trạng sơ khai, chưa có nhiều đơn vị đi sâu và phát triển phân khúc này. Nguyên nhân là bởi có rất nhiều khó khăn, thách thức đối với đơn vị phát triển là khách hàng Việt vẫn chưa quen với khái niệm sống ở viện dưỡng lão. Đồng thời, người dân Việt Nam vốn tính cần cù, chịu khó và tiết kiệm nên vẫn chưa có nhiều người sẵn sàng chi trả cho dịch vụ này.
Savills Việt Nam cũng nhận định, thị trường dịch vụ nhà ở và viện dưỡng lão - dịch vụ chăm sóc dành cho người lớn tuổi tại Việt Nam vẫn ở giai đoạn sơ khai. Bởi, khảo sát của Savills cho thấy chỉ có 32/63 tỉnh, thành trong cả nước có viện dưỡng lão dành cho việc chăm sóc người cao tuổi.
Trong khi đó, Chính phủ đặt mục tiêu mỗi tỉnh, thành có ít nhất một viện dưỡng lão vào năm 2025. Các sáng kiến khác do Chính phủ hậu thuẫn bao gồm mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau (ISHC), một dự án tạo điều kiện cho cộng đồng trong việc chăm sóc người cao tuổi.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu, khảo sát đều chỉ ra, nhu cầu vào viện dưỡng lão ở Việt Nam những năm gần đây đang gia tăng mạnh. Nhưng do ảnh hưởng bởi lễ nghi, tôn giáo cùng thói quen và tư duy “tứ đại đồng đường” (nhà 4 thế hệ) nên quan niệm đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão là bất hiếu vẫn đè nặng nhiều gia đình. Ngoài ra, còn không ít với yếu tố khách quan về điều kiện cơ sở vật chất khiến việc phát triển các cơ sở dưỡng lão ở Việt Nam còn chưa được chú trọng và quan tâm đúng mức...
Đào Vũ (T/h)