Thực chất việc thu thêm tiền vận chuyển rác bên cạnh tiền thu gom không phải là mới, kể cả việc thu thêm tiền xử lý rác cũng đã có lộ trình xây dựng quy định từ trước, đáp ứng nguyên tắc người xả rác phải trả chi phí. Nhiều người cho biết nếu phải đóng thêm tiền vận chuyển thì mong quy trình rác từ nhà dân đến nơi xử lý phải tốt hơn.
Vì sao phải đóng thêm?
Thời gian gần đây, bên cạnh tiền thu gom rác được đóng hằng tháng, nhiều quận huyện bắt đầu thu thêm tiền vận chuyển rác. Nhiều người dân không khỏi thắc mắc khoản phí này và đặt câu hỏi với nhân viên thu gom rác.
Vừa mới đóng khoản thu hộ tiền vận chuyển rác sinh hoạt từ tháng 9-2022 đến tháng 1-2023 là 61.000 đồng cho nhân viên công ích, ông Trần Văn Vốn (ngụ ấp 1, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè) chia sẻ: "Lẽ ra phải thông báo cho người dân từ những tháng trước để chúng tôi không phải bỡ ngỡ khi nhân viên đến thu tiền. Giả sử một số trường hợp người dân bán nhà đi nơi khác, người mới về ở thì không đồng ý đóng tiền vận chuyển thời gian trước thì rất rắc rối". Ông Vốn còn đề nghị thêm là phải thông báo rộng rãi đến từng nhà, phải có hợp đồng thu gom rác và vận chuyển giữa đơn vị thu gom với người dân để có sự đồng nhất, không gây tranh cãi.
Theo tìm hiểu, khoản tiền mà ông Vốn vừa đóng là tiền truy thu phí vận chuyển rác của năm 2022. Như vậy, sắp tới sẽ phải đóng thường xuyên khoản này cho năm 2023 và về sau. Khi đi truy thu tiền vận chuyển rác từ năm 2022, lý do được nhiều nhân viên cho hay vì việc ban hành văn bản triển khai giá dịch vụ vận chuyển rác chậm dẫn đến tình trạng này, trong đó có nhiều người dân không đồng tình.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Diễm My (ngụ phường Tân Thới Nhất, quận 12) thắc mắc tại sao mỗi quận huyện lại thu tiền vận chuyển khác nhau và cần thêm thông tin tiền vận chuyển rác sẽ dùng cụ thể vào việc gì...
"Loạn" giá tiền vận chuyển rác từ đâu?
Trả lời các câu hỏi trên, Tuổi Trẻ đã có trao đổi với các quận huyện và Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM. Ở góc độ quận huyện, ông Phạm Bảo Toàn - trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Phú Nhuận - cho hay việc thu tiền vận chuyển rác đã được quận triển khai tới các phường.
Tuy nhiên ông Toàn cũng cho biết theo Luật bảo vệ môi trường năm 2020 thì chỉ có UBND cấp tỉnh mới có quyền hạn ban hành mức giá vận chuyển trong khi TP.HCM chưa ban hành giá chung. Từ đó, mỗi quận huyện xây dựng giá của địa phương mình nên xảy ra "loạn" giá. Ngoài mức đóng, mỗi quận huyện còn có thời điểm áp dụng khác nhau khiến người dân cảm thấy không công bằng.
Trong khi đó, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 1 cho biết việc thu tiền vận chuyển đã phải áp dụng từ năm 2018 nhưng do còn vướng một số vấn đề nên kéo dài đến tận bây giờ. Mức giá mà quận này đang thu là mức tạm trong khi chờ TP ban hành giá chung.
Ở địa bàn quận 1, mức giá hiện tại 66.000 đồng/hộ/tháng bao gồm tiền vận chuyển, thu gom và thuế giá trị gia tăng. "Trong quá trình triển khai xây dựng đơn giá, vào giữa tháng 1 vừa rồi, chúng tôi đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các phòng, ban, đơn vị, UBND các phường, các tổ chức chính trị xã hội và người dân trên địa bàn quận năm 2023", vị này cho biết thêm.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, theo quy định trước đây, giá thu gom rác hộ mặt tiền và hẻm chỉ 15.000 - 20.000 đồng/hộ/tháng nhưng trên thực tế nhiều nơi thu cao hơn mức giá này. Mức giá này chỉ là giá thu gom, phần vận chuyển và xử lý rác thì TP sẽ chi cho quận huyện bằng tiền ngân sách.
Đến năm 2018, UBND TP.HCM ban hành quyết định 38 về giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Theo quyết định này, người dân ngoài trả tiền thu gom còn phải trả tiền vận chuyển và xử lý rác. Thời điểm đó, TP.HCM đề ra mức giá sàn là 48.000 đồng/hộ/tháng. Từ giá chung này, TP phân cấp cho các quận huyện lấy làm căn cứ để xây dựng đơn giá cho địa phương nhưng không được vượt quá mức sàn.
Sau đó vào năm 2021, TP lại ban hành quyết định 20 sửa đổi quyết định 38, trong đó có quy định "giai đoạn này (2021-2025) chưa thực hiện thu giá dịch vụ xử lý chất thải rắn", do đó người dân ngoài đóng tiền thu gom thì phải đóng thêm tiền phí vận chuyển. Tiền phí vận chuyển sẽ nộp về ngân sách TP.
"TP đã phân cấp cho quận huyện xây dựng đơn giá cho địa phương tùy vào quãng đường vận chuyển từ quận huyện đến các khu xử lý rác của TP. Chỉ quận huyện mới hiểu rõ cự ly, quãng đường phải đi để xây dựng được đơn giá phù hợp", bà Mỹ nói.
Giải thích về việc một số quận huyện đến nay mới thu tiền vận chuyển mới và truy thu tiền vận chuyển của những năm trước, bà Mỹ cho biết có thể do một số quận huyện chậm triển khai, đến khi Sở Tài chính áp dụng biện pháp tài chính là cắt dự toán của năm nên các quận huyện mới thu để bù vào.
Thu thêm tiền thì dịch vụ phải tốt hơn
Chỉ về phía những chiếc xe thu gom rác xếp hàng dài trên đường Phạm Ngũ Lão, chị Phạm Thị Ngọc Quyến (ngụ phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) góp ý nếu đã thu thêm tiền vận chuyển rác thì cần phải nâng cao chất lượng đội hình thu gom rác chuyên nghiệp hơn.
"Khi thu gom rác, nhiều xe chở rác rỉ nước ra khắp các con hẻm để lại mùi hôi khó chịu, người dân phải tự chà rửa dọn dẹp lại. Đôi khi các xe còn chở quá tải rác, không che chắn xe kín nên nhiều bọc rác rơi vãi gây mất vệ sinh", chị Quyến bày tỏ.
Theo ghi nhận, trước bến xe buýt 23-9 là một điểm tập kết rác gây khó chịu cho nhiều người. Tại đây lúc nào cũng có mùi hôi thối của rác bốc lên mặc dù là con đường sầm uất với nhiều dịch vụ ăn uống và du lịch.
Bà Lê Thị Út (53 tuổi, bán hàng trên đường Phạm Ngũ Lão) nói: "Trước đây ngày nào ở đây cũng có hàng chục xe rác tập kết, nước lúc nào cũng rỉ xuống chảy đầy đường. Nếu thu thêm tiền vận chuyển thì phải luôn đảm bảo rằng ở đây không còn mùi hôi, không còn nước từ rác chảy lênh láng nữa. Phải nâng cao chất lượng dịch vụ thu gom và vận chuyển thì người dân mới cảm thấy thỏa đáng khi đóng tiền".
Cùng quan điểm trên, chị Nguyễn Thị Điệp (ngụ phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức) cho rằng để người dân đóng thêm tiền vận chuyển rác thì đơn vị thu gom, vận chuyển cũng phải chuẩn hóa phương tiện.
Chị Điệp cho biết bản thân chị và những người hàng xóm sẵn sàng đóng thêm tiền để sử dụng dịch vụ môi trường sạch sẽ tương xứng. Tuy nhiên, sau mỗi lần thu gom rác, mặt đường lại trở nên nhếch nhác bởi nước thải rỉ ra là khó chấp nhận. Xe thu rác đi đến đâu là mùi hôi bốc theo đến đó. Mọi người không hài lòng với cách thu gom, vận chuyển rác như hiện tại nhưng không còn cách nào khác để giải quyết.
Chị Điệp chưa kịp dứt lời, anh Nguyễn Văn Thắng (chồng chị Điệp) bổ sung: "Tiếng pô xe của những người thu gom rác làm nhiều hộ dân nhiều phen hú vía. Có hôm mới 4h-5h sáng họ chạy qua nẹt pô xe inh ỏi khiến cả xóm thức giấc. Nếu các đơn vị thu gom rác chịu đầu tư, nâng cấp xe để giảm bớt mùi hôi, tiếng ồn do xe gây ra thì người dân sẵn sàng trả thêm phí dịch vụ", anh Thắng khẳng định.
Ông Đặng Quế Hùng, giám đốc Xí nghiệp SP.SAMCO (đơn vị cung cấp nhiều loại xe chuyên dụng thu gom, vận chuyển rác), cũng cho rằng khi người dân đóng thêm tiền vận chuyển rác thì cần đổi lại dịch vụ tương xứng. Phương tiện vận chuyển không đạt chuẩn thì vô tình trở thành đống rác di động. Để đảm bảo văn minh, mỹ quan đô thị thì TP cần phải thực hiện đồng bộ và chuẩn hóa phương tiện là một trong những điều kiện tiên quyết.
Quý 2-2023 sẽ có giá tiền vận chuyển rác chung
Tiến sĩ Phạm Viết Thuận, viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường, cho hay việc phân cấp cho quận huyện tự xây dựng đơn giá thu gom, vận chuyển và xử lý rác là chưa phù hợp.
Theo luật thì phải ở cấp UBND tỉnh, TP mới có thẩm quyền này. Việc phân cấp như vậy xảy ra "loạn" giá rác mỗi nơi thu mỗi kiểu, có quận thu có quận không. Do đó ở góc độ chuyên môn, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM phải sớm tham mưu cho lãnh đạo TP.HCM xây dựng đơn giá chung để áp dụng đồng bộ, hiệu quả.
Trả lời câu hỏi nếu làm đúng theo Luật bảo vệ môi trường 2020 thì UBND cấp tỉnh mới có quyền hạn ban hành mức giá này nhưng vì sao TP.HCM phân cấp cho quận huyện thì dẫn tới "loạn" giá rác, bà Mỹ cho hay hiện sở đang xây dựng dự thảo để trình TP phê duyệt trong quý 2 năm nay, sau đó sẽ ban hành giá chung cho dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để các quận huyện áp dụng.
Trong thời gian đợi ban hành quyết định mới thì các quận huyện vẫn tiến hành theo sự phân cấp cũ.
Chuẩn hóa hệ thống trạm trung chuyển rác, giảm ô nhiễm
Là đơn vị quản lý hai trạm trung chuyển rác lớn của TP.HCM, ông Cao Văn Tuấn - trưởng phòng công nghệ môi trường và kiểm tra chất lượng Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM - cho biết đơn vị đang nâng cấp, cải tạo hệ thống trạm trung chuyển.
Hiện các trạm này nằm trong nội thành nên việc thiết kế thi công phải đảm bảo yếu tố môi trường như không phát tán mùi hôi ra bên ngoài và đảm bảo về mặt mỹ quan, kiến trúc. Từ năm 2015, TP.HCM đã bỏ dần các bô rác tạm.
"Lâu dài, TP cần các đơn vị đủ năng lực đầu tư, quản lý, vận hành những trạm trung chuyển lớn. Tổng khối lượng rác của TP hiện khoảng 9.000 - 10.000 tấn/ngày. Nếu chúng ta có những trạm lớn, có thể giải quyết được 2.000 - 3.000 tấn/ngày/trạm thì chỉ cần ba hoặc bốn trạm lớn là có thể đảm bảo", ông Tuấn lý giải.
Ngoài ra theo ông Tuấn, phía công ty đang ấp ủ xây dựng trung tâm xử lý và tái chế rác thải tại TP.HCM. Tại trung tâm này, đầu vào là rác thải, đầu ra sẽ trở thành nguồn nguyên liệu cho dây chuyền sản xuất khác, lấp đầy khoảng trống trong các hệ sinh thái công nghiệp và giảm thiểu lượng rác thải.
Về định hướng chuẩn hóa hệ thống trạm trung chuyển rác, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM - cho biết UBND TP đã giao cho sở làm chủ đầu tư xây dựng các trạm trung chuyển rác hiện đại để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hiện sở đang xây dựng các phương án cũng như căn cứ vào nguồn vốn để thực hiện.
Theo tìm hiểu, trong Đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn TP.HCM đến năm 2025, ngầm hóa những trạm trung chuyển rác là điểm nhấn đặc biệt. Song song với đó, TP định hướng quy hoạch trạm trung chuyển chất thải rắn công suất lớn, xóa bỏ các trạm rác nằm trong khu dân cư và trên đường phố. Các trạm chất thải được quy hoạch trên các tuyến đường vành đai của TP, nơi thuận lợi giao thông, xa khu dân cư.
Được biết từ nay đến năm 2025, TP đặt mục tiêu hoàn thành 13 trạm trung chuyển hiện đại. Giai đoạn sau đó TP sẽ đầu tư thêm hai trạm trung chuyển cấp TP tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi) và Khu liên hợp xử lý chất thải và nghĩa trang Đa Phước (huyện Bình Chánh).
Các trạm này sẽ được đầu tư công nghệ ép rác kín, có hệ thống xử lý môi trường, tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt, các chất thải nguy hại và các hệ thống hiện đại khác để quản lý lượng chất thải đưa về.
Trạm trung chuyển tốt, người dân không phàn nàn
Tại trạm trung chuyển rác kín ở phường An Phú Đông (quận 12), ông Đặng Quế Hùng - giám đốc Xí nghiệp SP.SAMCO, đơn vị thi công trạm ép rác kín - cho biết trạm này được trang bị các hệ thống, thiết bị ép rác tiên tiến như hệ thống phun sương khử mùi, hệ thống hút và lọc khí thải, hệ thống xử lý nước thải tại chỗ...
Mỗi ngày trạm ép khoảng 150 tấn rác thải sinh hoạt. Công suất tối đa có thể hơn 200 tấn/ngày. Sau khi ép xong, rác sẽ được đưa về nơi xử lý ở Củ Chi.
Với các thiết bị hiện đại, trạm ép rác này sẽ góp phần xóa bỏ dần các điểm tập kết rác lộ thiên, gây ô nhiễm môi trường. Sau gần một năm đi vào hoạt động, chưa có người dân nào phản ảnh về mùi hôi ở khu vực.
Thời gian gần đây, bên cạnh tiền thu gom rác được đóng hằng tháng, nhiều quận huyện bắt đầu thu thêm tiền vận chuyển rác.
Xem thêm: mth.14301448032303202-cahn-hcehn-teh-mos-gnom-car-neyuhc-nav-neit-meht-uht/nv.ertiout