Thiếu sản phẩm lõi cho lễ hội
Theo đại diện các doanh nghiệp (DN) du lịch, qua nhiều năm tổ chức, Lễ hội Áo dài TPHCM đã dần trở thành một hoạt động văn hóa được nhiều giới quan tâm. Nếu lễ hội được đầu tư tốt hơn, các DN có thể thiết kế tour hoặc những sản phẩm du lịch riêng cho sự kiện độc đáo này.
Tiến sĩ Dương Đức Minh - Phó chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch - cho rằng, Lễ hội Áo dài TPHCM cần có thêm các hoạt động trải nghiệm, gia tăng thêm cảm xúc cho du khách. Các năm qua, lễ hội này thiên về trình diễn, biểu diễn áo dài, tức phần lễ nhiều hơn phần hội, du khách chưa được hòa mình vào sự kiện.
Du khách quốc tế xem đồng diễn áo dài tại Lễ hội Áo dài TPHCM năm 2023 - Ảnh: Tam Nguyên |
Ông dẫn chứng, lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) có các hoạt động triển lãm, giao thương thu hút nhiều khách quốc tế đến tìm kiếm cơ hội làm ăn; các lễ hội ánh sáng, lễ hội đường phố cũng hấp dẫn du khách vì họ được dự phần. Trong lễ hội này, các DN của tỉnh Đắk Lắk có cơ hội xúc tiến kinh doanh, bao gồm giới thiệu và bán sản phẩm, làm dịch vụ phục vụ tour, phục vụ du khách. Lúc diễn ra lễ hội, khách đông đến mức hệ thống khách sạn ở Buôn Ma Thuột “cháy” phòng.
Theo tiến sĩ Dương Đức Minh, TPHCM có lợi thế về dịch vụ lưu trú nên có thể tận dụng Lễ hội Áo dài để gia tăng doanh thu du lịch. Tuy nhiên, để lễ hội này thực sự thu hút được du khách và các DN du lịch, ngành du lịch TPHCM cần xây dựng sản phẩm lõi cho lễ hội.
Lắng nghe để thay đổi
Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch xã hội (Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam) - cho rằng, các lễ hội nổi tiếng trên thế giới thu hút được du khách đều có những yếu tố đặc trưng, tức là yếu tố mà không lễ hội nào khác có được. Chẳng hạn, lễ hội té nước của Thái Lan, lễ hội hoa anh đào của Nhật Bản, lễ hội bia của Đức, tuần lễ thời trang Paris của Pháp… đều có nét riêng độc đáo.
Theo ông Hoàng Phương, Lễ hội Áo dài TPHCM cần 2 yếu tố để thành sản phẩm du lịch, đó là chất lượng và tính đại chúng. Theo đó, khâu tổ chức phải bài bản, sản phẩm áo dài và phụ kiện phải được đầu tư từ khâu thiết kế đến chất lượng vải, đường may, tính đa dạng (truyền thống, cách tân). Lễ hội phải có được sự hưởng ứng và tham gia tích cực của người dân, DN, các sở, ban, ngành. Nếu chưa tạo được sự hào hứng tham gia của đông đảo dân chúng thì chưa thể thành lễ hội đúng nghĩa.
Ông nói thêm: “Hoạt động truyền thông cũng rất cần được đầu tư. Cần có chiến dịch truyền thông lớn bằng nhiều kênh (trực tiếp, trực tuyến) để quốc tế nắm được thông tin về hoạt động, nét đẹp, nét hấp dẫn của lễ hội”.
Trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM - cho hay, sở luôn lắng nghe những đánh giá, góp ý của các nhà chuyên môn, của đại diện DN để Lễ hội Áo dài TPHCM có chất lượng tốt nhất. Nhiều ý kiến góp ý đã được sở tiếp thu và điều chỉnh. Chẳng hạn, lễ hội lần thứ chín (năm 2023) diễn ra vào tháng Ba thì từ cuối năm 2022, sở đã có kế hoạch và công bố để các đơn vị liên quan, các DN nắm, từ đó đồng hành; sở cũng đã khắc phục các hạn chế của lễ hội các năm trước như thiếu tính tương tác dành cho du khách, thiếu sân chơi cho hoạt động thiết kế, thiếu khu vực cho khách nhóm, gia đình.
Trong các buổi tọa đàm gần đây, Sở Du lịch TPHCM đã lắng nghe ý kiến của đại diện các DN về ý tưởng tổ chức Lễ hội Áo dài lần thứ mười (năm 2024) và đang gấp rút hoàn thành và công bố kế hoạch tổ chức đến các đơn vị liên quan. Trong đó, lễ hội sẽ có thêm các hoạt động tăng tính tương tác, như cho du khách trình diễn thời trang áo dài trên sàn diễn (catwalk). Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM |
Quốc Thái
Xem thêm: lmth.2977841a-hcahk-ud-nad-pah-ed-noh-ueihn-ut-uad-nac-mchpt-iad-oa-ioh-el/nv.moc.enilnounuhp.www