Sáng 23-3, tại tỉnh Hoà Bình, Bộ TN&MT đã phối hợp với UBND tỉnh Hoà Bình tổ chức lễ phát động quốc gia hưởng ứng Ngày nước thế giới (22-3), Ngày Khí tượng thế giới (23-3) và Chiến dịch giờ trái đất năm 2023.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, biến đổi khí hậu được xem là thách thức nghiêm trọng đối với nhân loại trong thế kỷ XXI với những tác động tiêu cực, đe dọa đến các hoạt động phát triển bền vững. Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia dễ bị tổn thương bởi những những hiện tượng khí hậu cực đoan này nhất…
“Biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều hiện tượng thời tiết và khí hậu khắc nghiệt hơn, các đợt nắng nóng kéo dài với cường độ cao hơn, lượng mưa lớn hơn và hạn hán cũng nghiêm trọng hơn”, ông Nhân nói.
Theo đó, Thứ trưởng Bộ TN&MT nhấn mạnh, lễ phát động nhằm lan toả tới cộng đồng thông điệp mạnh mẽ là cùng chung tay bảo vệ môi trường sống cho hôm nay và mai sau.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân (Ảnh: TP) |
Vì vậy, chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2023 là “Thúc đẩy sự thay đổi”. Ngày Khí tượng thế giới là “Thông tin thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho hôm nay và mai sau”. Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023 có chủ đề “Thời khắc quan trọng cho Trái đất” có sự gắn kết chặt chẽ với nhau trong các khía cạnh về môi trường - tài nguyên - sinh thái.
“Các thông điệp nêu trên nhằm nhấn mạnh đây là thời điểm chúng ta cần thay đổi để đảm bảo các mục tiêu toàn cầu về thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước, biến đổi khí hậu. Kêu gọi toàn thể cộng đồng hợp tác hành động, thể hiện vai trò và trách nhiệm trước sự tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu. Tạo ra sự khác biệt bằng cách thay đổi cách thức sử dụng, khai thác và quản lý nước trong cuộc sống hàng ngày, giảm thiểu tác động suy thoái môi trường”, ông Nhân nói.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TN&MT đề nghị các cấp Bộ, ngành, địa phương thống nhất hành động, triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ môi trường, tài nguyên và hệ sinh thái chung.
Trước hết là rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; luật hóa những nội dung điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Tiếp đến là cần xây dựng kế hoạch cụ thể từ các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để triển khai có hiệu quả cam kết của Chính phủ.
Thứ trưởng cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông phổ biến pháp luật liên quan tới khí tượng thủy văn. Nhất là tại các khu vực dễ bị tổn thương bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan. Cùng đó là đẩy mạnh lối sống xanh và thân thiện môi trường, thiên nhiên, phát triển bền vững.
Ngoài ra, cần nghiên cứu, áp dụng các giải pháp để tăng cường khả năng trữ nước ngọt, giảm dần việc khai thác nước dưới đất. Áp dụng các giải pháp lưu giữ nước mưa ở các khu đô thị, dân cư tập trung nhằm giảm bớt tình trạng ngập úng. Đặc biệt quan tâm giải pháp về quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước gắn với công tác bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu.