Thương vụ mua lại Toshiba được kỳ vọng sẽ cứu tập đoàn này khỏi vũng bùn thua lỗ - Ảnh: NIKKEI ASIA
Liên minh trên gồm khoảng 20 doanh nghiệp thành viên, dẫn đầu bởi công ty đầu tư Đối tác công nghiệp Nhật Bản (JIP), theo Hãng tin Bloomberg.
Mức giá 2.000 tỉ yên trong thỏa thuận thành công nói trên cao hơn 9,6% giá trị vốn hóa thị trường của Toshiba vào thời điểm đạt thỏa thuận.
Động thái trên được kỳ vọng sẽ kết thúc giai đoạn khó khăn kéo dài từ năm 2015 của tập đoàn đa lĩnh vực có tuổi đời 148 năm.
"Việc đạt được kết luận đồng ý với thỏa là diễn biến tích cực. Những thay đổi liên tục trong quá trình định hướng đã dẫn đến tình trạng thiếu chiến lược xuyên suốt của Toshiba trong thời gian qua", ông Mito Kato, phân tích viên tại đơn vị nghiên cứu LightStream chia sẻ với Hãng tin Bloomberg.
Ông nói thêm: "Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều phải làm để tạo động lực phát triển mới cho tập đoàn, cũng như tối ưu hóa tiềm năng của một số mảng kinh doanh mới chớm".
Thương vụ mua bán Toshiba gặp nhiều khó khăn khi ban lãnh đạo tập đoàn, chính phủ Nhật Bản và bộ phận cổ đông nước ngoài mâu thuẫn với nhau về tương lai doanh nghiệp này. Trong khi các nhà đầu tư muốn tối đa hóa lợi nhuận thì chính phủ lại ưu tiên việc bảo vệ các công nghệ và hoạt động kinh doanh nhạy cảm khỏi tay nước ngoài.
Với Toshiba, việc chuyển giao sẽ kết thúc quá trình tái cấu trúc đầy sóng gió bắt đầu từ năm 2021.
Tháng 11-2021, Toshiba công bố kế hoạch tách tập đoàn này thành ba công ty (đến tháng 2-2022, kế hoạch được điều chỉnh thành hai công ty) với mong muốn gia tăng giá trị. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không được đa số cổ đông ủng hộ.
Sự thất bại của kế hoạch trên đã buộc ban lãnh đạo tập đoàn cân nhắc những chiến lược mới, trong đó có việc "bán mình". Đến tháng 10-2022, JIP được chọn làm nhà thầu ưa thích.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đang di chuyển như con thoi trong ba tháng đầu năm 2023, tìm kiếm một mặt trận chung, một tầm nhìn mới cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.