Sáng 24-3, HĐND TP Đà Nẵng tổ chức kỳ họp chuyên đề nhằm xem xét thông qua 12 tờ trình về các chủ trương, chính sách quan trọng của TP. Trong đó có Quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
HĐND TP Đà Nẵng tổ chức kỳ họp chuyên đề sáng 24-3. Ảnh: TẤN VIỆT |
GRDP bình quân đầu người hơn 8.000 USD
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho hay, bản quy hoạch thống nhất quan điểm xây dựng, phát triển TP trở thành cực tăng trưởng của vùng động lực kinh tế miền Trung.
Đà Nẵng tập trung phát triển kinh tế theo ba trụ cột: Du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng, trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế và gắn với yếu tố văn hóa, tạo nên sự độc đáo, khác biệt, tạo thêm giá trị gia tăng cho trụ cột du lịch; Kinh tế tri thức; Trung tâm dịch vụ chất lượng cao.
Đà Nẵng đặt nhiều chỉ tiêu chính đến năm 2030. Cụ thể như tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 9,5-10%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 200-220 triệu đồng/người (tương đương 8.000-8.500 USD).
Về cơ cấu kinh tế Đà Nẵng đến năm 2030, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1-2%, công nghiệp - xây dựng 29-30%, dịch vụ 61-62% và thuế sản phẩm 8-9%.
Đà Nẵng phấn đấu mức thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 9-11%/năm. Tổng vốn đầu tư phát triển xã hội tăng 11-12%/năm. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 800.000 tỉ đồng.
Theo ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng ban Đô thị - HĐND TP Đà Nẵng, đơn vị thống nhất tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP giai đoạn 2021-2030 đạt 9,5-10%/năm.
Tuy nhiên cần bổ sung thêm mục tiêu phấn đấu về tăng trưởng GRDP cho Đà Nẵng ở mức khoảng 12-15%/năm để thể hiện vai trò là cực tăng trưởng của miền Trung và cả nước.
Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: TẤN VIỆT |
Kiến tạo động lực phát triển Đà Nẵng
Cùng với việc thông qua bản quy hoạch, ông Nguyễn Thành Tiến đề nghị UBND TP rà soát, bổ sung nội dung và làm rõ nội hàm, cụ thể hóa trong hồ sơ Quy hoạch TP các mục tiêu, định hướng tại Nghị quyết 26/2022 của Bộ Chính trị. Cùng với đó là Nghị quyết 81/2023 của Quốc hội và Kết luận số 48/2023 của Bộ Chính trị.
Ông Tiến cũng đề nghị HĐND TP giao UBND TP giải trình với Hội đồng thẩm định quốc gia về việc không tiếp thu nội dung: “Không quy hoạch xây dựng bãi rác, nhà máy xử lý rác thải hoặc khu vực thu gom rác thải trong phạm vi 13 km quanh cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng”.
“Vì hiện nay Đà Nẵng có khu vực bãi rác hiện trạng. Nhà máy xử lý rác theo quy hoạch đang nằm tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, cách cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng khoảng 5 km, phía sau dãy núi Phước Tường nên không ảnh hưởng đến an toàn bay”, ông Tiến cho hay.
Ban Đô thị - HĐND TP Đà Nẵng cũng đề nghị TP sử dụng đất tại khu vực Đài phát sóng An Hải theo hướng ưu tiên hình thành một công viên công cộng và sử dụng một phần quỹ đất cho phát triển công trình công cộng, dịch vụ thương mại.
Theo Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết, việc thông qua Quy hoạch TP thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 là một trong những nhiệm vụ cụ thể hóa Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Nhiệm vụ này cũng cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 vừa được Quốc hội thông qua. Đồng thời phù hợp quy hoạch vùng, đảm bảo phát huy được đúng vai trò, vị thế và tiềm năng của Đà Nẵng theo tinh thần Nghị quyết 26/2022 của Bộ Chính trị.
“Quy hoạch này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là công cụ để chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trên địa bàn TP. Đây là căn cứ để hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển, tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội của TP”, ông Triết cho hay.