Ngày 24-3, ông Mai Văn Mười - giám đốc Sở Y tế Quảng Nam - cho biết bệnh nhân thở máy cuối cùng, ông H.V.Đ. (57 tuổi, trú xã Phước Kim, huyện Phước Sơn, Quảng Nam - bệnh nhân ngộ độc botulinum nặng nhất) đã dừng thở máy.
Hiện bệnh nhân đã ổn định, tự thở được.
Sau khi hội chẩn với chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy, ngành y tế Quảng Nam dự kiến sẽ cho bệnh nhân xuất viện trong khoảng 3 tuần tới, phòng biến chứng ngừng tim đột ngột (theo thời gian thải của độc tố botulinum).
Cũng theo ông Mười, trong số 9 bệnh nhân bị ngộ độc botulinum đưa vào Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam điều trị, hiện chưa có bệnh nhân nào được xuất viện.
Tuần sau, đủ thời gian và diễn biến lâm sàng tốt, bệnh viện sẽ cho một số người xuất viện.
Như Tuổi Trẻ Online đưa tin, trước đó bệnh viện này tiếp nhận ba chùm ca bệnh (với 10 người bị ngộ độc botulinum do ăn cá chép muối ủ chua) ở huyện Phước Sơn. Trong đó có 1 người tử vong.
Đội ngũ bác sĩ khoa hồi sức tích cực - chống độc của bệnh viện đã phối hợp các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy hội chẩn, điều trị các bệnh nhân ngộ độc. Bệnh viện Chợ Rẫy phải cử chuyên gia mang 5 lọ thuốc giải độc ra cứu chữa bệnh nhân.
Trong đó có 3 trường hợp nặng phải thở máy, được chỉ định dùng thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) giải độc tố clostridium botulinum.
Cách đây ba ngày, hai bệnh nhân đã dừng thở máy, tự thở được.
Sau vụ ngộ độc khiến 1 người chết, nhiều người nhập viện, ngành y tế Quảng Nam khuyến cáo người dân không ăn các món liên quan cá chép muối ủ chua, tiêu hủy cá ủ chua nếu còn trong nhà.
Xem thêm: mth.40703014142303202-coud-oht-ut-ad-tahn-gnan-munilutob-cod-ogn-nahn-hneb/nv.ertiout