Nhóm sinh viên Trường đại học Cần Thơ với giải pháp công nghệ lọc nước trong ao nuôi tôm - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Sáng 24-3, bảy mô hình khoa học công nghệ do sinh viên các trường đại học Việt Nam thiết kế đã được giới thiệu tại vòng chung kết cuộc thi Dự án đổi mới sáng tạo kỹ thuật eProjects, American Center (Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM).
Bạn Ngô Bá Ngọc - sinh viên ngành kỹ thuật cơ điện tử - chia sẻ hiện nay tại các vùng nuôi tôm trên cả nước, việc xử lý nước đầu vào và nước thải nuôi tôm phần lớn đang phải sử dụng một lượng lớn hóa chất như thuốc tím (pemanganat) hoặc clo (chlorine).
Dù vậy, những hóa chất để khử trùng và diệt vi sinh vật gây hại cho tôm nếu được dùng với số lượng lớn và trong thời gian dài sẽ để lại tác động tiêu cực cho sức khỏe và môi trường.
Bên cạnh đó, chi phí để đảm bảo nguồn nước đạt tiêu chuẩn trong trang trại nuôi tôm lên đến hơn 2.000 đồng/m3.
Nhóm sinh viên của Bá Ngọc - gồm 5 sinh viên từ Trường đại học Cần Thơ - đã đề xuất dự án "Hệ thống xử lý nước trong nuôi tôm" nhằm thay thế việc sử dụng pemanganat hoặc clo.
Hệ thống dùng công nghệ điện hóa nước biển để tạo ra dung dịch nước muối điện phân (nước anolyte), sau đó thông qua thiết bị siêu âm có công suất 150W hoạt động ở tần số 26kHz để tạo ra các bọt khí siêu nhỏ (nanobubbles) tiêu diệt hầu hết vi khuẩn và vi sinh vật có hại cho tôm, giúp khử mùi từ thức ăn thừa và hóa chất độc hại tồn đọng trong nước.
Cuối cùng nước sẽ đi qua máy sục khí ozon để tiêu diệt các vi khuẩn còn sót lại trong nước. Máy sục khí ozone cũng sẽ được sử dụng song song trong các bể nuôi tôm với nồng độ xác định.
Mô hình công nghệ lọc nước ao tôm của nhóm sinh viên Trường đại học Cần Thơ - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Bạn Nguyễn Ngọc Thạnh - sinh viên ngành tự động hóa - cho biết để kiểm tra khả năng hoạt động của hệ thống, nhóm đã thử nghiệm tại Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Cần Thơ.
Với mẫu 500ml nước có chứa vi khuẩn vibrio paraheomolitycus, sau khi đi qua hệ thống của nhóm hơn 10 phút kiểm nghiệm lại đã không còn vi khuẩn này.
Một dự án khác cũng tạo được dấu ấn cho ban tổ chức là mô hình máy lọc nước thải công nghiệp của nhóm sinh viên Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Bạn Lê Thúy Hiền - sinh viên khoa cơ khí, thành viên của nhóm - chia sẻ trong quá trình tái chế nước thải công nghiệp hiện nay, một số dây chuyền vẫn còn gặp khó khăn trong việc tách các chất như Cd và Te ra khỏi hỗn hợp bùn thải.
Máy lọc của nhóm sinh viên Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Sau nhiều thử nghiệm với các loại vật liệu, nhóm tìm được hạt nhựa resin có khả năng lọc tốt nhất với cho hai loại Cd và Te. Tiếp tục, nhóm kiểm tra các điều kiện và tìm được nhiệt độ phù hợp nhất cho quá trình lọc là 80 độ C.
"Tuy chỉ là mục tiêu nhỏ là xử lý nước thải quy mô phòng thí nghiệm nhưng dự án này là tiền đề tốt để nhà máy có thể xử lý nguồn nước thải lớn trong tương lai", Thúy Hiền nói.
Cuộc thi eProjects là một phần trong dự án "Thúc đẩy hợp tác đại học và doanh nghiệp thông qua đổi mới và công nghệ" (BUILD-IT) do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ, được thực hiện bởi Đại học bang Arizona (Mỹ) và chương trình STEM của Dow Việt Nam.
Trong chương trình, các sinh viên, giảng viên và cố vấn là các chuyên gia từ các doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, để triển khai nhiều dự án thực tiễn.
TTO - Đây là công trình của nhóm sinh viên Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM vừa giành giải nhất giải thưởng Euréka 2021 lĩnh vực kỹ thuật công nghệ.
Xem thêm: mth.64775923142303202-mot-ioun-oa-ohc-hcas-coun-col-ehgn-gnoc-oat-gnas-neiv-hnis/nv.ertiout