Theo ông Trần Bình Giang, giám đốc Bệnh viện Việt Đức, từ tạng hiến của người cho chết não, đã có 53 người được ghép tim, hơn 80 người được ghép gan, nhiều người được ghép thận, phổi, giác mạc, gân, mô... Nhiều cuộc đời đã hồi sinh.
Trong đó, người chết não hiến tạng thứ 100 đã cứu sống 4 người, trong đó có 1 người được ghép tim, 2 người được ghép thận và 1 người được ghép gan. Tất cả những người được ghép đều đã mạnh khỏe và đủ tiêu chuẩn xuất viện.
"Xin gửi lời tri ân của các thầy thuốc tham gia ghép mô tạng và những người được ghép tạng tới những người đã hiến tạng vì sự sống và gia đình của họ" - ông Giang nói.
Ngoài 100 người chết não hiến tặng tặng tại Bệnh viện Việt Đức, tại các bệnh viện khác trong cả nước như Chợ Rẫy, Trung ương Huế, Bệnh viện 103... có 50 người chết não hiến tặng mô tạng, đem lại sự sống cho nhiều người.
"Tôi đã nhớ rất nhiều người hiến tặng mô tạng, gần đây có cô gái ở Mê Linh, Hà Nội hiến tạng cứu 3 người, em trai cô ấy đã mất trước đó chưa đầy 1 năm vì chờ tạng ghép điều trị chứng giãn cơ tim nhưng không có người hiến tặng" - ông Giang cho biết thêm.
Việt Nam đã thực hiện ghép tạng thành công từ 1992, đến 2004 ghép gan thành công, sau đó là ghép tim, phổi, chi thể... thành công. Cho đến nay đã có 170.000 người Việt đăng ký hiến tặng mô tạng.
Trong số các kỹ thuật y khoa, hiến - ghép mô tạng từ người hiến chết não là kỹ thuật đặc biệt vừa về trình độ kỹ thuật và ý nghĩa nhân văn, bởi mỗi ca ghép là 1 lần trao gửi cuộc sống của người ra đi, sự sống không mất đi mà nối dài nhờ có người ở lại.
Từ ca hiến tạng thứ 100 của người chết não, cũng là ca hiến được nhiều mô, tạng nhất từ trước đến nay đã đánh dấu một bước tiến mới của Bệnh viện Việt Đức trong ngành ghép tạng toàn quốc.