vĐồng tin tức tài chính 365

Dùng dằng thanh lý dự án BOT liên quan Út 'trọc'

2023-03-25 07:39

Thực tế, tréo ngoe này đang diễn ra tại dự án tuyến nối đường Võ Văn Kiệt đến đường dẫn vào cao tốc TP.HCM - Trung Lương (nay đổi thành đường Võ Trần Chí) giai đoạn 1.

Dân ngóng chờ từng ngày

Dự án này dài khoảng 2,7 km đi qua xã Tân Kiên (H.Bình Chánh, TP.HCM) với tổng mức đầu tư 1.557 tỉ đồng, thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh (ông Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc") thuê bà Vũ Thị Hoan làm giám đốc công ty này) được chỉ định giao làm nhà đầu tư, Công ty TNHH MTV đầu tư BOT TP.HCM - Trung Lương là doanh nghiệp (DN) dự án. Khởi công từ năm 2015 và dự kiến hoàn thành cuối năm 2018 để giảm áp lực cho QL1, nhưng tiến độ dự án này như "rùa bò" và dừng thi công từ tháng 6.2018.

Dùng dằng thanh lý dự án BOT liên quan Út 'trọc' - Ảnh 1.

Vị trí dự án kết nối với đường Võ Văn Kiệt (xã Tân Kiên, H.Bình Chánh, TP.HCM)

Ghi nhận thực tế mới đây, điểm đầu dự án tại nút giao Võ Văn Kiệt - QL1 không có dấu hiệu của công trường thi công, các mố cầu hoen gỉ. Nhiều nhà xưởng của DN thuộc diện giải tỏa chưa bàn giao mặt bằng. Một hộ dân trên đường Khuất Văn Bức (ấp 2, xã Tân Kiên) nói rằng 5 - 6 năm nay không thấy máy móc, công nhân đến thi công.

Tiếp tục đầu tư theo hình thức BOT

Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho hay UBND TP.HCM đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm việc với nhà đầu tư, DN dự án để thu thập thông tin, tài liệu và xác định phần khối lượng đã thực hiện. Sau khi thanh lý hợp đồng với nhà đầu tư cũ, dự án tiếp tục triển khai theo hình thức BOT. Thay vì chỉ dài 2,7 km như hiện tại, dự án sẽ kết nối với đường Vành đai 3 (dài thêm 4 - 5 km) để tăng hiệu quả khai thác. Hiện Sở QH-KT đang nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch khu vực này để cập nhật vào quy hoạch chung TP.HCM.

Tính đến tháng 6.2019, tổng sản lượng xây lắp toàn dự án chỉ đạt 140/1.143 tỉ đồng, tương đương 12%. Sau đó, Sở GTVT TP.HCM nhắc nhở nhiều lần, yêu cầu khắc phục vi phạm nhưng nhà đầu tư không đáp ứng đầy đủ. Trên cơ sở đề xuất của nhóm công tác liên ngành do Sở GTVT làm tổ trưởng, vào tháng 6.2022, UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương dừng thực hiện dự án. Khi đó, Sở KH-ĐT được giao khẩn trương làm việc, trao đổi nghiệp vụ với Bộ KH-ĐT để được hướng dẫn các thủ tục liên quan về ngừng thực hiện các dự án PPP (đối tác công - tư) trên địa bàn trong tháng 7.2022, đồng thời đề xuất UBND TP.HCM bố trí nguồn vốn chuẩn bị đầu tư.

Giậm chân tại chỗ

Trả lời Thanh Niên về tiến độ chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư, lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết thủ tục này do Sở KH-ĐT (cơ quan chuyên môn tham mưu thực hiện dự án theo hình thức đối tác công - tư) thực hiện và hiện đang tắc ở sở này. Nguyên nhân "tắc" do liên quan đến nguồn vốn thực hiện dự án. Theo đó, Ngân hàng (NH) TMCP Bưu điện Liên Việt (NH tài trợ vốn cho dự án) đã có văn bản thông báo không tiếp tục tài trợ vốn vay cho Công ty TNHH MTV đầu tư BOT TP.HCM - Trung Lương do DN vi phạm hợp đồng, thi công đình trệ, kéo dài làm ảnh hưởng đến phương án tài chính, nguồn thu trả nợ cho NH. NH này cũng không đề xuất chỉ định nhà đầu tư mới tiếp nhận dự án.

Giải phóng mặt bằng hơn 90%

Liên quan đến mặt bằng thi công dự án, ông Nguyễn Văn Tài, Phó chủ tịch UBND H.Bình Chánh, cho hay từ khi TP.HCM chỉ đạo tập trung công tác giải phóng mặt bằng, huyện đã nâng tỷ lệ từ 80% lên hơn 91%. Do hiện nay không có đơn vị thi công nên mặt bằng đang bỏ trống, huyện cắm mốc để giữ ngăn tái chiếm. Đối với các trường hợp chưa bàn giao, H.Bình Chánh sẽ tập trung vận động, nghiên cứu chính sách hỗ trợ phù hợp.

Ông Tài đánh giá tiến độ giải phóng mặt bằng hiện khá tốt. Khi có chủ đầu tư mới, H.Bình Chánh sẽ bàn giao để đẩy nhanh tiến độ. "Dự án hoàn thành sẽ giúp các phương tiện từ nội thành lưu thông qua đường Võ Văn Kiệt đến đường Võ Trần Chí rồi về các tỉnh miền Tây, rất thuận lợi cho việc đi lại, góp phần phát triển kinh tế địa phương", ông Tài nói.

Trong khi đó, hợp đồng BOT đã ký và luật Đầu tư theo phương thức đối tác công -tư không quy định thủ tục chấm dứt hợp đồng trước thời hạn trong trường hợp bên cho vay từ chối phối hợp lựa chọn nhà đầu tư mới và không tiếp tục tài trợ vốn. Để có cơ sở điều chỉnh dự án, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư đàm phán và ký kết hợp đồng BOT điều chỉnh, Sở GTVT cho hay, UBND TP.HCM đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc Sở KH-ĐT chủ động làm việc, trao đổi nghiệp vụ với Bộ KH-ĐT để được hướng dẫn nhưng sở này vẫn còn "đang nghiên cứu, chưa thực hiện".

Về việc này, TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM - đại biểu HĐND TP.HCM, cho rằng chính quyền cần cương quyết xử lý, căn cứ vào các điều khoản ràng buộc trong hợp đồng để chấm dứt ngay hợp đồng với nhà đầu tư do thiếu năng lực quản lý, trình độ chuyên môn và không nhất quán về nguồn vốn. Ông Thắng phân tích nếu DN vi phạm hoặc không tuân thủ thì phạt theo hợp đồng. Còn Sở KH-ĐT thiếu khẩn trương trong việc thi hành, đề xuất giải pháp thì lãnh đạo UBND TP.HCM cần xem xét xử lý kỷ luật.

"Không có chuyện vị nể gì ở đây cả. Nếu cấp dưới ngại va chạm lớn trong giải quyết thủ tục pháp lý vốn chưa được luật hóa rõ ràng thì cấp trên phải dũng cảm đứng ra xử lý", TS Thắng nhấn mạnh.

Xem thêm: mth.801409322423032581-cort-tu-nauq-neil-tob-na-ud-yl-hnaht-gnad-gnud/nv.neinhnaht

Comments:0 | Tags:No Tag

“Dùng dằng thanh lý dự án BOT liên quan Út 'trọc'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools