TAND TP.Hà Nội vừa tuyên án 26 bị cáo trong vụ án "siêu lừa" 433 tỉ đồng. Bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành (39 tuổi, trú Hà Nội) bị phạt chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các bị cáo còn lại bị tuyên từ 12 tháng cải tạo không giam giữ đến 18 năm tù giam, về cùng tội danh, hoặc tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, hoặc tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Ngoài trách nhiệm hình sự, một nội dung khác gây tranh luận ngay từ khi vụ án này được khởi tố, truy tố rồi xét xử, đó là số phận hàng trăm tỉ đồng của một số "đại gia" gửi tại 3 ngân hàng VietABank, NCB và PVcomBank.
Có quan hệ vay mượn giữa "đại gia" và "siêu lừa"
Theo cáo buộc, sau khi mất thanh toán các khoản nợ, "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành nhiều lần thực hiện các hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tiền của ngân hàng và các cá nhân.
Thủ đoạn của Thành là nhờ các "đại gia" cho mình vay tiền dưới hình thức mở sổ tiết kiệm cá nhân hoặc đồng sở hữu sổ tiết kiệm tại PVcomBank, NCB và VietABank, sau đó đưa sổ cho Thành giữ. Có sổ, bị cáo làm giả chữ ký, lập khống hồ sơ… nhằm cầm cố để vay tiền từ chính các ngân hàng.
Trong số các "đại gia", ông Đặng Nghĩa Toàn (trú Hà Nội) có tổng cộng 122 tỉ đồng liên quan đến vụ án, được gửi tiết kiệm rải rác ở cả 3 ngân hàng.
Quá trình xét xử, phía ngân hàng đề nghị được xử lý các sổ tiết kiệm của ông Toàn nhằm bảo đảm các khoản vay của bị cáo Thành, Thành sẽ phải trả lại tiền cho ông Toàn. Ngược lại, ông Toàn đề nghị ngân hàng trả lại tiền cho mình, gồm cả gốc và lãi theo đúng quy định.
Đánh giá toàn bộ vụ án, Hội đồng xét xử (HĐXX) phân tích lời khai của bị cáo Thành cho thấy số tiền đứng tên sổ tiết kiệm của ông Toàn và tiền đồng sở hữu với các "đại gia" khác đều là tiền Thành vay của những người này.
Ông Toàn khai chỉ đưa sổ tiết kiệm cho bị cáo Thành vì ham tiền thưởng lãi suất được hứa hẹn, không đồng phạm với việc lừa đảo và cũng không có chuyện cho vay mượn. Ông Toàn bị Thành giả chữ ký để thế chấp các sổ tiết kiệm, vay tiền ngân hàng.
Tuy nhiên, HĐXX nhận định có cơ sở xác định số tiền ông Toàn đứng tên các sổ tiết kiệm tại NCB, PVcomBank và VietABank là tiền của ông Toàn cho bị cáo Thành vay. Tương tự, số tiền mà Thành đứng tên đồng sở hữu với một số "đại gia" khác cũng là vay của những người này.
HĐXX cũng nhận định lời khai của các "đại gia" về việc gửi tiền đồng sở hữu với bị cáo Thành để hưởng lãi cao là không có căn cứ. Mục đích bị cáo Thành dùng các sổ tiết kiệm vay tiền ngân hàng là để rút số tiền đã vay của các "đại gia". Bản chất của việc gửi tiền vào ngân hàng để ngân hàng thực hiện nghĩa vụ thay Thành khi Thành không trả được nợ, đây là hợp đồng giả cách che giấu việc vay nợ giữa Thành và người vay.
Dành quyền khởi kiện ở một vụ án khác
Từ những phân tích đã nêu, HĐXX tuyên "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành phải trả cho ngân hàng NCB 47,5 tỉ đồng, VietABank gần 274 tỉ đồng và PVcomBank 50 tỉ đồng. Thành còn phải trả hàng chục tỉ đồng cho các bị hại khác là cá nhân.
Riêng 122 tỉ đồng của "đại gia" Đặng Nghĩa Toàn gửi tiết kiệm ở 3 ngân hàng, tòa tuyên tạm giao cho các ngân hàng quản lý để đảm bảo thi hành án phần trách nhiệm dân sự của bị cáo Thành với ngân hàng, đến khi Cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) thi hành phần quyết định này.
Tương tự, các sổ tiết kiệm đồng sở hữu giữa bị cáo Thành và một số "đại gia" khác tại VietABank cũng được giao cho ngân hàng tạm giữ với mục đích trên.
Dù không được trả lại tiền gửi tiết kiệm ngay, nhưng HĐXX cũng dành quyền khởi kiện dân sự ở một vụ án khác cho ông Toàn và một số "đại gia" bị ngân hàng tạm giữ tiền trong sổ tiết kiệm.
Đáng chú ý, bên cạnh các "đại gia" chưa thể lấy lại tiền thì cũng có một số "đại gia" được tòa tuyên ngân hàng trả lại tiền, không phong tỏa sổ tiết kiệm, vì số tiền họ đồng sở hữu với Nguyễn Thị Hà Thành không phải quan hệ vay nợ.
Trong số này, một "đại gia" đang bị VietABank phong tỏa tiền tại số tài khoản và 5 sổ tiết kiệm. Tòa án xác định số tiền của ông này không liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo, do đó buộc ngân hàng không được phong tỏa. VietABank còn có nghĩa vụ trả tiền cả gốc và lãi trên khi vị "đại gia" có yêu cầu. Nếu VietAbank không thực hiện, khách hàng có quyền khởi kiện tại vụ án dân sự khác.
Ngoài phần dân sự liên quan hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HĐXX còn tuyên buộc truy thu hơn 41 tỉ đồng để sung công quỹ, được xác định liên quan đến hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.