Vốn là giống dâu quý hiếm, dâu Bạch Tuyết của Nhật Bản thường được các cửa hàng xách tay về Việt Nam bán với giá vài triệu đồng một kg. Năm 2020, chúng được một vài nhà vườn ở Đà Lạt trồng thành công và bán ra với giá 2 triệu đồng. Thế nhưng, một năm trở lại đây, loại này được rao bán rầm rộ trên mạng với giá chỉ bằng một nửa lần đầu ra mắt đó và chỉ bằng một phần ba giá nhập khẩu.
So với dâu Hana của Sơn La, dâu đỏ giống Nhật của Đà Lạt, giá dâu bạch tuyết cao hơn 10-30%.
Khảo sát cho thấy, tại các cửa hàng kinh doanh online, một hộp dâu tây Bạch Tuyết 250 gram loại A (12-15 quả) 190.000-250.000 đồng, tương đương 760.000 đồng đến một triệu đồng một kg. Hàng loại B (20-30 trái hộp 250gram) có giá 170.000 đồng, tức 680.000 đồng một kg.
Chị Thanh, chuyên kinh doanh các mặt hàng dâu tây Đà Lạt ở quận 3 TP HCM, cho biết trước đây để nhập được 10 hộp dâu này phải đặt hàng cả tháng nhưng nay mua dễ vì số lượng nhà vườn trồng nhiều hơn.
Anh Nam, chủ cửa hàng bán trái cây ở Cần Thơ, người đã nhập cả trăm hộp dâu bạch tuyết và bán hết sớm từ đầu tháng 3, nhận xét "chưa năm nào dâu bạch tuyết lại rẻ như vậy".
Anh Hoàng – một nhà vườn tham gia vào đợt trồng thử nghiệm dâu bạch tuyết từ 2020 - cho biết, so với cách đây 2 năm, số hộ dân trồng thử nghiệm dâu bạch tuyết gia tăng nên nguồn cung ra thị trường nhiều hơn.
"Nếu những năm đầu tôi chỉ nhân giống được khoảng 1.000 cây, nay số lượng tăng gấp 5 lần. Tuy nhiên, để trồng được hàng chất lượng đòi hỏi người dân phải có kỹ thuật cao", anh Hoàng nói.
Nhưng anh cũng phân tích thêm, nhiều hộ trồng ở Đà Lạt kỹ thuật chưa cao nên chất lượng dâu bị giảm sút khiến giá bán ra giảm.
"Nếu dâu bạch tuyết nhập từ Nhật Bản có vị ngọt đậm đà thì hàng trồng Đà Lạt không giữ được nguyên bản mà có thêm vị chua" , anh Hoàng nói.
Cùng quan điểm, theo ông Hà Ngọc Chiến - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, dâu bạch tuyết giảm giá so với cách đây 2 năm thực chất không phải do nguồn cung tăng mạnh mà do chất lượng dâu vẫn còn kém hơn so với hàng nhập.
"Tại Đà Lạt, các hộ dân vẫn đang trồng thử nghiệm loại này để đánh giá kết quả chứ chưa trồng đại trà", ông Chiến thông tin.
Một lý do khác khiến giá dâu giảm là thị trường Việt Nam đang rộ vụ dâu với sản lượng cung ứng lớn. Phía Bắc có dâu Sơn La, phía Nam có dâu Đà Lạt. Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản ồ ạt về Việt Nam nên giá cạnh tranh cao đẩy giá dâu bạch tuyết lao dốc dù sản lượng còn hạn chế.
Giá giảm nhưng loại này vẫn đắt hơn so với các giống khác trồng ở Lâm Đồng vì chúng thuộc loại hiếm.
Theo các nhà vườn, chi phí chăm sóc giống dâu này cũng cao hơn 20 lần so với dâu thông thường và gấp 10 lần trồng dâu trên giàn. Nguồn "thức ăn" chính của cây dâu Bạch Tuyết không phải phân bón thông thường, mà là các chế phẩm sinh học hữu cơ sạch giúp cây thích ứng được với khí hậu Đà Lạt. Nhờ vậy, dâu có mùi thơm đặc trưng, phần thịt của trái dâu mềm và ngọt hơn các giống khác.
Tại Nhật Bản, dâu Bạch Tuyết là giống thuộc dòng quý hiếm và sang trọng, đồng thời là loại thuộc top "đắt nhất thế giới". Loại dâu này được gọi là giống Shirou Houseki, hay White Jewel, và được bán với giá lên tới vài trăm nghìn đồng mỗi quả, trọng lượng lớn nhất khoảng 50 gram. Theo người dân địa phương Nhật Bản, mùi vị của trái dâu này khá đặc biệt, có thể ngửi được dù cách xa vài mét và chúng mọng nước hơn các loại dâu khác.
Thi Hà