"Làn sóng" sa thải của các ông lớn công nghệ thế giới vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi tuần qua, Amazon tiếp tục sa thải 9.000 nhân viên, nối bước Meta (chủ quản facebook) cho 10.000 nhân sự nghỉ việc ít lâu trước đó. Việt Nam không "miễn nhiễm" với khó khăn chung nhưng tín hiệu tích cực là thời gian gần đây, ngành công nghệ trong nước đã "ngược dòng" tăng cường tuyển dụng, nhờ lợi thế một thị trường có tốc độ phát triển nhanh về kinh tế số.
Lazada Việt Nam vừa đi vào vận hành một trung tâm phân loại hàng hóa, với diện tích 20.000 m2 và khả năng xử lý hơn 1 triệu kiện hàng mỗi ngày. Để đáp ứng nhu cầu vận hành này, thời gian qua doanh nghiệp đã tăng tuyển dụng hơn 20% lượng nhân sự. Doanh nghiệp lý giải, các công việc cần chủ yếu là đi vào chiều sâu, đòi hỏi chất lượng.
Bị ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường, năm 2022, Sky Mavis - doanh nghiệp làm game ứng dụng công nghệ chuỗi khối blockchain - sụt giảm đến 95% lượng người dùng thường xuyên so với năm trước đó. Nhưng ngược lại, lượng nhân sự đang cao hơn gấp 3 so với đầu năm ngoái nhờ nhu cầu phát triển sản phẩm mới vẫn có.
Ngành công nghệ trong nước đã "ngược dòng" tăng cường tuyển dụng, nhờ lợi thế một thị trường có tốc độ phát triển nhanh về kinh tế số.
Theo giới quan sát, ngành công nghệ Việt Nam vẫn ít nhiều chịu ảnh hưởng từ làn sóng sa thải trên thế giới dù không có thống kê chính thức. Tuy nhiên, Việt Nam là thị trường kinh tế số có tốc độ tăng trưởng gần 30% trong năm ngoái, cao nhất Đông Nam Á, vì vậy quá trình phục hồi cũng nhanh hơn. Lợi thế dân số trẻ và nhanh nhạy với công nghệ, cũng giúp Việt Nam thu hút sự chú ý từ các nước phát triển.
Bà Laura Linderman - Giám đốc Cấp cao, Thương vụ Phần Lan (Business Finland) cho biết: "Ngành công nghệ của Phần Lan ước tính vẫn cần đến hơn 130.000 nhân tài về công nghệ thông tin trong 10 năm tới. Nguồn nhân lực từ các nước như Việt Nam được doanh nghiệp chúng tôi chú trọng tuyển dụng nhờ những lợi thế như được đào tạo tốt và giỏi tiếng Anh".
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Việt Nam vẫn đang thiếu khoảng 1 triệu nhân lực ở khu vực công nghệ. Điều này cho thấy nhu cầu của ngành vẫn rất lớn. Các chuyên gia cho rằng vấn đề quan trọng là chiến lược đào tạo nhân lực công nghệ thực sự có chất lượng, kỹ năng và sức cạnh tranh cao mới có thể đáp ứng tốc độ phát triển như vũ bão của kinh tế số.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.22655042152303202-gnud-neyut-gnat-gnod-cougn-man-teiv-ehgn-gnoc-hnagn/et-hnik/nv.vtv