Những gì xấu nhất đã qua
"Những gì xấu nhất của thị trường mà chúng ta chứng kiến vào cuối năm ngoái đã qua", ông Nguyễn Xuân Thành - giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam - mở đầu chia sẻ tại hội thảo "Chứng khoán 2023: La bàn giữa vùng biển động" diễn ra vào hôm nay 25-3, đồng thời cho biết đang trông đợi vào "cánh cửa hẹp để tình hình trở nên tích cực hơn".
Cụ thể, theo ông Thành, tăng trưởng kinh tế và thị trường chứng khoán trong thời gian tới đang phụ thuộc rất nhiều vào việc tiền có được bơm mạnh hay không. Vào tháng 5 tới đây nếu Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) không tăng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ có cơ sở để bơm tiền mạnh vào nền kinh tế, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh.
Về tình hình kinh tế vĩ mô, trong ngắn hạn Việt Nam vẫn phải đối mặt nhiều thách thức, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, lợi nhuận các doanh nghiệp khó tăng cao.
Nếu như lúc dịch COVID-19 bùng phát, kinh tế vẫn có điểm tựa xuất khẩu, thì năm nay do sức cầu ở thị trường Hoa Kỳ và EU yếu đi, nên doanh nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng. Chưa kể, nhập khẩu cũng giảm do sức mua của doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước giảm.
Tuy vậy, nền kinh tế vẫn được thúc đẩy từ hoạt động đầu tư công. Hai tháng đầu năm nay có 90% vốn đầu tư công (trong số 31 tỉ USD) đã được Chính phủ giao xuống các đơn vị để triển khai.
Ông Thành cũng nhấn mạnh, để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay, đầu tư công thôi chưa đủ, cần có sự góp sức của chính sách tiền tệ - tiền được bơm ra mạnh hơn.
Thận trọng với cổ phiếu bất động sản
Với góc nhìn đầu tư dài hạn, ông Matthew Smith - giám đốc nghiên cứu của Yuanta Việt Nam - cho biết, mặc dù năm 2023 là thời điểm tốt để tham gia chứng khoán, nhưng nhà đầu tư cần quản trị rủi ro. Đó là lấy phân tích cơ bản làm nền tảng, kiểm soát rủi ro giảm giá (cắt lỗ, bảo toàn lợi nhuận), tránh các giao dịch "phá hoại" - không "bỏ trứng vào một rổ", tránh dùng tỉ lệ đòn bẩy tài chính cao vì có thể sẽ bị xóa sạch thành quả khi thị trường giảm giá.
Theo ông Matthew Smith, do có dân số trẻ, tầng lớp trung lưu đang tăng lên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, định giá cổ phiếu (P/E) năm 2023 đạt mức 10x - thấp nhất trong khu vực châu Á... nên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rất thu hút nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài.
Về chiến lược đầu tư, ông Matthew cho rằng, nên xem xét cổ phiếu ngành ngân hàng một cách "lạc quan nhưng cần thận trọng". Dự báo lợi nhuận ngành này sẽ tăng 16% so với năm trước. Hiện nhiều ngân hàng vẫn đạt chất lượng cao về vốn, tài sản, lợi nhuận, tính thanh khoản.
Ngành tiêu dùng vẫn là điểm sáng trong dài hạn, đặc biệt là ngành tiêu dùng xa xỉ (bao gồm kinh doanh vàng).
Mặc dù cổ phiếu ngành bất động sản đang ở định giá hấp dẫn, lãi suất cũng khó tăng hơn nữa, nhưng vẫn chưa sẵn sàng cho các giao dịch ngắn hạn, cần theo dõi thêm việc thanh toán các khoản nợ trái phiếu doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Xuân Thành cũng cho biết thêm, doanh nghiệp bất động sản đang có sự phân hóa. Đối với bên chuyên phát triển bất động sản công nghiệp, bất động sản dành cho người có nhu cầu thực về nhà tại TP.HCM và Hà Nội, khi tiếp cận được vốn ngân hàng thì hoạt động kinh doanh sẽ cải thiện tốt.
Ngược lại, bất lợi đang diễn ra với doanh nghiệp phát triển bất động sản thương mại (trung tâm mua sắm, nhà mặt phố...). "Bi quan nhiều nhất" với các bất động sản nghỉ dưỡng và du lịch kết hợp - quy mô quá lớn so với nhu cầu của người Việt, ở xa trung tâm.
Với động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, nhiều chuyên gia cho rằng đây là tín hiệu cho thấy bắt đầu xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ, đồng thời kỳ vọng lãi suất huy động và cho vay sẽ sớm hạ nhiệt.
Xem thêm: mth.23771101152303202-iaogn-gnud-yah-mog-nen-a-uahc-tahn-er-man-teiv-ueihp-oc-aig-hnid/nv.ertiout