Sau hội nghị này sẽ là cuộc họp cấp cao hơn bên lề Hội nghị mùa Xuân của IMF và WB tại thủ đô Washington (Mỹ), tuy nhiên chưa có thông tin về ngày tổ chức cụ thể. Hội nghị trên được lên kế hoạch trong bối cảnh các thỏa thuận giải quyết nợ cho Zambia, Ghana và Ethiopia vẫn chưa được thực hiện.
Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva dự kiến sẽ đến Trung Quốc từ ngày 24-30/3 tới để gặp các nhà lãnh đạo nước này. Trung Quốc hiện là chủ nợ song phương lớn nhất thế giới.
Hội nghị diễn ra vào tháng 4 tới đây sẽ có sự tham gia của đại diện các chủ nợ và quốc gia đi vay để thảo luận về biện pháp thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu nợ. Người phát ngôn của IMF Julie Kozack cho biết, các cuộc họp tiếp theo sẽ dựa trên kết quả đạt được tại hội nghị trên.
Các nước Zambia, Ghana và Ethiopia đang ở những giai đoạn khác nhau của quá trình tái cơ cấu nợ, nhưng nhiều chuyên gia bày tỏ sự lạc quan khi cho rằng thỏa thuận của Trung Quốc về cung cấp bảo đảm tài chính cho Sri Lanka có thể tạo động lực mới để giải quyết các trường hợp này. Các quan chức IMF hiện đang có mặt tại Lusaka để đánh giá quá trình cải cách kinh tế của nước này và xem xét các yếu tố khác để đi đến quyết định có nên cung cấp gói tài chính mới cho quốc gia này hay không.
Bà Kozack kêu gọi các chủ nợ chính thức của Zambia sớm giải quyết nợ cho nước này theo đúng cam kết đảm bảo tài chính mà họ đưa ra vào tháng 7/2022, đồng thời bày tỏ hy vọng các bên sẽ sớm đạt được thỏa thuận phù hợp.
Trước đó ngày 17/3, Ban điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã thông qua các sửa đổi quy định để cho phép thể chế tài chính này phê duyệt các chương trình cho vay mới dành cho các quốc gia đang đối mặt với tình trạng "bất ổn cao cá biệt".
IMF nhấn mạnh những sửa đổi trong chính sách đảm bảo tài trợ của IMF sẽ được áp dụng đối với các quốc gia trải qua "những chấn động phát sinh ngoài tầm kiểm soát của nhà chức trách sở tại và vượt phạm vi chính sách kinh tế của quốc gia đó".
Việc điều chỉnh này sẽ giúp giải quyết những trở ngại chính đối với các khoản cho vay bằng cách cho phép các chủ nợ song phương chính thức và các nhà tài trợ đưa ra những bảo đảm trước về việc hoàn trả cho IMF, cũng như bằng cách giảm nợ cho quốc gia đi vay. Mặc dù tuyên bố này của IMF không đề cập cụ thể Ukraine, nhưng những điều chỉnh trên từng được nêu ra trong các cuộc đàm phán về nguồn tài chính mới với giới chức nước này tại Kiev.
Ukraine đang tìm kiếm gói hỗ trợ tài chính của IMF trị giá 15 tỷ USD. Tuy nhiên, các quy định hiện hành của IMF về tài trợ ứng phó khủng hoảng kinh tế các nước không cho phép cung cấp các khoản vay không khẩn cấp cho những quốc gia đang đối diện với tình trạng bất ổn quy mô lớn lớn, như bất ổn từ các cuộc xung đột lớn hoặc thiên tai nhiều năm do biến đổi khí hậu.