vĐồng tin tức tài chính 365

Kỳ án bảo mẫu 'sát thủ'

2023-03-26 08:49

Cuối năm 1996, Louise từ Anh đến Mỹ, làm "au pair" (người nước ngoài đến ở cùng gia đình bản địa để chăm sóc trẻ em, làm việc nhà) cho vợ chồng bác sĩ Sunil và Deborah Eappen trong một năm. Cô sống cùng họ tại ngôi nhà ở Newton, bang Massachusetts, có nhiệm vụ chăm sóc hai bé trai Brendan, 2 tuổi và Matthew mới vài tháng tuổi.

Ngày 4/2/1997, chỉ 10 tuần sau khi bắt đầu công việc, Louise gọi 911: "Giúp tôi với, đứa bé không thở được. Tôi nghĩ nó bị nghẹn vì nôn".

Matthew được đưa đến Bệnh viện Nhi Boston, nhưng qua đời sau 5 ngày vì chấn thương não, vào 9/2/1997.

Matthew đã hôn mê khi đến Bệnh viện Nhi Boston. Các bác sĩ nghi ngờ vết thương của Matthew là do ngược đãi. Cậu bé bị tổn thương não nghiêm trọng. Các bác sĩ kết luận bé là nạn nhân của Hội chứng rung lắc ở trẻ em, được Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh định nghĩa là "một hình thức lạm dụng thể chất trẻ em nghiêm trọng do lắc mạnh vai, cánh tay hoặc chân của trẻ sơ sinh", thường xảy ra khi bố mẹ hoặc người chăm sóc rung lắc trẻ để giải tỏa sự cáu gắt hay thất vọng, thường bởi trẻ không ngừng khóc.

Matthew bị ngừng hỗ trợ sự sống vào ngày 9/2/1997. Louise bị bắt vào 5/2, sau đó bị truy tố về tội Giết người cấp độ một trong ngày 5/3/1997.

Phiên tòa xét xử Louise vào tháng 10/1997 gây xôn xao ở cả Mỹ và Anh, và vẫn còn tranh cãi cho đến ngày nay.

Trước tòa, bác sĩ Deborah Eappen miêu tả Louise là kẻ lười biếng và ngang ngạnh. Người mẹ cho biết bảo mẫu thường xuyên về muộn và không thể chăm sóc bọn trẻ vào buổi sáng. Cô cho biết vợ chồng đã nói chuyện với Louise về những băn khoăn của họ vào tháng 11/1996 và một lần nữa vào giữa tháng 1/1997.

Ngày 28/1, bác sĩ Sunil Eappen trở về nhà và phát hiện Louise bỏ mặc hai đứa trẻ trong khi xuống tầng hầm giặt đồ. Tuần đó, Sunil và Deborah đưa ra tối hậu thư cho Louise: cải thiện hành vi hoặc rời đi.

Deborah nói: "Chúng tôi cảm thấy cô ấy có khả năng, bọn trẻ thích cô ấy và cô ấy có động lực để thay đổi. Vì vậy, cô ấy đã lựa chọn ở lại và tuân thủ các nguyên tắc".

Louise đứng ra làm chứng để tự bảo vệ. Cô cho biết thường làm việc quá sức và lúng túng trước những yêu cầu của vợ chồng Eappen. Cô thừa nhận đã phạm sai lầm khi để bọn trẻ một mình, nhưng giải thích rằng phải làm cả việc nhà bên cạnh việc trông trẻ. Điều này khiến Louise thất vọng, nhưng cô khẳng định không bao giờ trút giận lên Brendan hay Matthew.

Vào ngày Matthew được đưa đến bệnh viện, Louise cho biết đã tắm cho cậu bé trước khi đặt vào cũi để bé ngủ. Khi đánh thức Matty, cô thấy bé đang nhắm hờ mắt và thở hổn hển.

"Mặt cậu bé trông như biến sắc, xanh tái... Tôi hoảng loạn", Louise kể trước tòa.

Sau đó, Matthew nôn mửa, cô tiến hành hồi sức tim phổi, cho rằng bé bị nghẹn vì nôn. Khi Matthew mềm rũ, cô đặt bé lên giường, hét tên và vỗ tay để thu hút sự chú ý của bé. Sau đó, Louise cố gắng liên lạc với Sunil trước khi gọi 911.

Eric Braceland, một trong nhiều sĩ quan cảnh sát nói chuyện với Louise sau khi Matthew được đưa đến bệnh viện, làm chứng rằng cô đã nói: "Nó cứ khóc không ngừng".

Patrick Barnes, bác sĩ X quang Nhi khoa, cho biết các bản chụp được thực hiện trong quá trình điều trị của Matthew cho thấy "những phát hiện bất thường" vào bạo hành rất có thể là nguyên nhân gây ra thương tích cho cậu bé.

Bên công tố cho biết Matthew có ba vết thương đặc biệt nghiêm trọng: tụ máu dưới màng cứng, xuất huyết võng mạc và sưng não. Theo chuyên gia y tế, "bộ ba" triệu chứng này là bằng chứng cho thấy Matthew đã bị rung lắc dữ dội. Công tố viên cũng cho biết đầu của Matthew bị đập vào một bề mặt cứng.

Phía luật sư bào chữa xác nhận những chấn thương của Matthew nhưng lập luận rằng chúng có thể xảy ra ít nhất ba tuần trước ngày 4/2. Theo các chuyên gia y tế, vết nứt hộp sọ của đứa trẻ đã có dấu hiệu lành lại khi được đưa đến bệnh viện, cho thấy rằng vết thương có từ nhiều tuần trước đó. Chuyên gia cũng cho rằng các cục máu đông trong não Matthew đã có từ ba tuần trước và cổ tay của bé bị gãy hai tuần trước ngày 4/2.

Bên bào chữa chỉ ra rằng Matthew không có vết bầm tím nào cho thấy bé bị lắc mạnh, vị trí vết nứt hộp sọ không bị sưng tấy nghĩa là gần đây đầu bé không bị đập vào thứ gì đó cứng.

Louise thừa nhận đã "lay nhẹ" khi Matthew bất tỉnh để cố gắng hồi sinh cậu bé, nhưng khẳng định chưa bao giờ có hành vi bạo lực với trẻ em. Cô phủ nhận cáo buộc lắc mạnh Matthew trong cơn giận dữ.

Phiên tòa kéo dài của Louise thu hút sự chú ý lớn của công chúng. Có nhiều tranh cãi giữa những người theo dõi vụ án về việc liệu Louise có tội hay không. Louise không nhận tội hành hung trẻ em, nhưng bên công tố coi cô là "kẻ nói dối". Giới truyền thông gán cho Louise biệt danh "Bảo mẫu sát thủ".

Ngày 30/10/1997, Louise bị kết tội Giết người cấp độ hai và bị kết án tù chung thân với thời hạn tối thiểu để được ân xá là 15 năm.

Khi nghe thẩm phán đọc bản án, cô bật khóc: "Tôi không làm gì cả. Tôi không làm hại Matthew. Tại sao họ lại làm thế với tôi?!".

Louise Woodward bật khóc sau khi bị kết tội giết người cấp độ hai vào tháng 10/1997. Ảnh: PA

Louise Woodward bật khóc sau khi bị kết tội giết người cấp độ hai vào tháng 10/1997. Ảnh: PA

Bên bào chữa kháng cáo, yêu cầu thay đổi bản án sau khi biết bồi thẩm đoàn cũng không thống nhất về tội danh giết người của Louise. Một thành viên của bồi thẩm đoàn sau đó nói rằng không ai trong số họ nghĩ rằng Louise cố ý giết đứa trẻ.

Ngày 10/11/1997, thẩm phán Hiller Zobel, chủ tọa phiên tòa, giảm tội Giết người cấp độ hai của Louise thành tội Ngộ sát và kết án tù theo thời gian đã thi hành.

Louise đã trải qua 279 ngày chờ xét xử, và chỉ 10 ngày sau khi nhận bản án chung thân ban đầu, cô được trả tự do.

Theo phán quyết, vụ việc xảy ra do Louise lúng túng, sợ hãi, thiếu kinh nghiệm, có phán đoán tồi tệ hơn là thịnh nộ và ác ý phạm tội. Quyết định của thẩm phán nêu rõ: "Sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng và bình tĩnh, về mặt đạo đức, tôi chắc chắn rằng việc cho phép bị cáo dựa trên bằng chứng này tiếp tục bị kết tội giết người cấp độ hai sẽ là một sự sơ suất của công lý".

Những người ủng hộ Louise bên ngoài tòa án và ở Anh ăn mừng việc cô được giảm án. Trong khi đó, Deborah nói với tạp chí TIME: "Louise lấy đi Matthew, và thẩm phán lấy đi công lý".

Louise được trả tự do vào ngày 10/11/1997, nhưng bên công tố đệ đơn kháng cáo để khôi phục bản án ban đầu hoặc phải kết án lại, hy vọng cô phải ngồi tù từ 15 đến 20 năm.

Ngày 16/6/1998, Tòa án Tối cao Massachusetts giữ nguyên tội danh ngộ sát của Louise và bản án 279 ngày, với tỷ lệ bỏ phiếu 4-3.

Phán quyết nhấn mạnh rằng Louise không được coi là vô tội. "Cô ấy có tội gây ra cái chết cho một đứa trẻ sơ sinh. Kết quả của phiên tòa hình sự này chắc chắn không phải là trắng án".

Louise Woodward nở nụ cười bên luật sư khi được trả tự do. Ảnh: Reuters

Louise Woodward nở nụ cười bên luật sư khi được trả tự do. Ảnh: Reuters

Khi trở lại Anh vào tháng 6/1998, Louise được truyền thông vây quanh. Cuộc họp báo tại sân bay của cô được truyền hình trực tiếp ở cả Anh và Mỹ. Người dân tại quê hương Elton, Cheshire chào đón Louise với những lễ kỷ niệm lớn. Trước đó, hàng trăm người tụ tập thắp nến cầu nguyện khi phiên tòa xét xử diễn ra.

Louise tuyên bố trong cuộc phỏng vấn với BBC: "Tôi đã nói đi nói lại rằng tôi không làm tổn thương Matthew và không sát hại bé. Tôi chỉ hy vọng rằng cộng đồng y tế sẽ xem xét vụ việc của tôi để giúp chứng minh tôi vô tội". Cô cũng tiết lộ rằng cậu bé 8 tháng tuổi "luôn tự lật nhào" và có thể đã bị đập đầu trước khi nhập viện.

Từ trường hợp của Louise, quan điểm của y học về Hội chứng rung lắc ở trẻ em, ngày nay thường được coi là một dạng chấn thương đầu do bạo hành (AHT), đã phát triển hơn.

Một số bác sĩ tin rằng rối loạn chảy máu, nhiễm trùng gây đột quỵ, tình trạng di truyền và tai nạn té ngã có thể dẫn đến cùng một "bộ ba" triệu chứng liên quan đến Hội chứng rung lắc ở trẻ em.

Tụ máu dưới màng cứng và xuất huyết võng mạc nghiêm trọng, như trường hợp của Matthew, thường liên quan đến AHT, nhưng cũng có thể do nguyên nhân khác.

Các chuyên gia y tế chỉ ra rằng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể vẫn tỉnh táo sau khi bị chấn thương não nên rất khó xác định thời điểm chấn thương đó xảy ra.

Năm 2015, bác sĩ Patrick Barnes, từng là nhân chứng truy tố tại phiên tòa xét xử Louise, thừa nhận nếu làm chứng lại, anh sẽ nói rằng vết thương của Matthew "có thể do tai nạn".

Louise nhận bằng luật tại Đại học South Bank ở London vào năm 2002. Cô làm việc cho một công ty luật trong hai năm rồi theo đuổi công việc giáo viên dạy khiêu vũ. Cô kết hôn năm 2013 vào có một con gái.

Theo thời gian, gia đình Eappen không còn hoài nghi cái chết của Matthew là do hành động bạo lực của Louise. Họ tích cực tham gia hoạt động giúp nâng cao nhận thức của mọi người về Hội chứng rung lắc ở trẻ em.

Vụ án Louise Woodward được tái hiệu trong series tài liệu tội phạm có thật The Killer Nanny: Did She Do It?Louise Woodward: Villain or Victim?

Tuệ Anh (Theo Oxygen, Cosmopolitan, AETV)

Xem thêm: lmth.7035854-uht-tas-uam-oab-iog-ib-un-ueiht-auc-iac-hnart-na-nab/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Kỳ án bảo mẫu 'sát thủ'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools