Việt Nam đang trở thành một trong những điểm đến nổi tiếng nhất ở Đông Nam Á dành cho các du khách cũng như chuyên gia nước ngoài. Hiện nay có hơn 100.000 chuyên gia nước ngoài định cư ở Việt Nam.
Ian Paynton là người Anh đang sinh sống và làm việc ở Hà Nội. Anh đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2007, và 3 năm sau anh quyết định rời London để chuyển hẳn tới đây.
Gần đây, Paynton đã chia sẻ với trang báo The Insider về 7 điều du khách nước ngoài nên lưu ý khi ghé thăm Việt Nam.
1. Không mặc đồ bơi đi quanh thành phố sau khi tắm biển
Theo anh Paynton, vẻ đẹp ở Việt Nam nằm ở sự thanh lịch. Vì vậy, du khách nước ngoài không nên diện đồ bơi hở hang quá nhiều khi tới bãi biển, sông suối hay thác nước.
Điều này đặc biệt đúng khi ghé thăm đền, chùa. Năm 2016, một du khách nước ngoài đã được yêu cầu rời khỏi nơi trang nghiêm vì mặc quần ngắn và áo kiểu dáng bra.
2. Quen dần với việc bị chen ngang
Trừ những nơi quy định nghiêm ngặt như ngân hàng hay sân bay, xếp hàng chưa phải là một thói quen phổ biến ở Việt Nam - theo nhận xét của người nước ngoài. Mặc dù tình hình có vẻ đang thay đổi, du khách vẫn dễ bực bội khi gặp cảnh này.
Paynton nhận định, thực ra, người Việt không coi hành vi đó là mất lịch sự. Do thấy mọi người được việc khi chen ngang, nên họ cũng làm theo.
3. Tôn trọng nơi thờ tự của người Việt
Giống như nhiều nước ở Đông Nam Á, người Việt thường đặt bàn thờ ở nhà, nhà hàng và nơi làm việc.
Du khách tới nhà chơi hoặc thuê homestay vùng nông thôn nên cẩn thận lời ăn tiếng nói khi tới gần khu thờ tự. Hãy cởi giày dép trước khi bước vào gian thờ.
Ngoài ra, các cặp đôi tránh có những cử chỉ quá thân mật như hôn nhau nếu trong phòng có bàn thờ. "Người dân địa phương coi việc làm đó là bất kính", anh Paynton giải thích với độc giả nói tiếng Anh.
4. Du khách dùng Tinder cẩn thận bị lừa ở club đêm
Hãy chú ý nếu bạn được đề nghị gặp mặt lần đầu trong một câu lạc bộ đêm. Một vấn đề nổi cộm gần đây được cảnh báo trong cộng đồng người nước ngoài là cách các hướng dẫn viên tour và chủ club dùng các ứng dụng như Tinder để tìm khách hàng.
Sau khi ghép cặp thành công trên Tinder, những người này sẽ mời du khách tới câu lạc bộ nơi họ làm việc. Đây giống như là một mánh lới để hút khách.
Hơn nữa, họ thường bị tính giá tiền rất cao cho các món đồ uống có cồn.
5. Đừng ngại mặc cả với người bán hàng rong
Hàng rong là một hình ảnh gần như nhìn thấy ở mọi nẻo đường. Năm 2018, trang Statista ước tính Việt Nam có hơn 430.000 người bán hàng rong.
Hàng rong bán đồ ăn thường có bảng giá và khách không nên mặc cả. Nhưng những người bán mặt hàng như quần áo, trang sức rẻ tiền thường hét giá cao với khách nước ngoài, đặc biệt ở những địa điểm du lịch. Hãy cố gắng trả bằng một nửa giá với những hàng rong này.
Du khách cũng nên lưu ý tới những người bán yêu cầu trả tiền mới được chụp hình họ. Anh lấy ví dụ, ở Hà Nội, những hàng rong bán trái cây thường mời chào du khách chụp ảnh với nón lá và gánh hàng, nhưng phải trả khoảng 1 đô la.
6. Không nên chỉ ưu tiên khám phá các thành phố lớn
Cảnh đẹp tự nhiên của Việt Nam trải dài từ Bắc tới Nam. Anh Payton khuyên du khách nên tìm hiểu về các điểm đến ngoài những thành phố lớn nổi tiếng về du lịch như Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.
Một số địa điểm nhất định phải tới là ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải, những đỉnh núi hùng vĩ của Hà Giang, rừng và hang động ở Phong Nha, và cố đô Huế ở miền Trung.
7. Đừng giận nếu bị trễ hẹn
Đôi khi, chuyến đi của bạn không diễn ra đúng kế hoạch. Anh khuyên mọi người nên coi đây là một bất ngờ hoặc do yếu tố khách quan, đừng bực mình và nổi cáu.
Ở Việt Nam, việc tới trễ hoặc thay đổi kế hoạch ở phút chót dễ được chấp nhận hơn. "Coi trọng tính linh hoạt, người dân địa phương tin rằng mọi sự cuối cùng sẽ ổn thỏa", anh Paynton nhận định.
Thay đổi thói quen sinh hoạt và ăn không đủ chất có thể khiến bạn càng mệt mỏi vào cuối chuyến đi, theo các chuyên gia dinh dưỡng.
Xem thêm: mth.32525514152303202-man-teiv-ned-ihk-hnart-nen-ueid-7-uahn-hcam-yat-hcahk/nv.ertiout