Một báo cáo mới đây của công ty nghiên cứu CreditSights lưu ý rằng, các điều khoản và điều kiện hiện nay của trái phiếu AT1 do các ngân hàng ở châu Á – Thái Bình Dương phát hành cho phép cơ quan quản lý xử lý các trái phiếu này, giống như như những gì mà FINMA (Cơ quan Giám sát Thị trường tài chính Thụy Sỹ) đã áp dụng để "xoá bỏ" trái phiếu AT1 của Credit Suisse.
Tuy nhiên, ông Pramod Shenoi, đồng giám đốc bộ phận nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương của CreditSights, hy vọng giới chức ngân hàng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương chỉ viện dẫn áp dụng điều khoản này nếu bên cho vay thiếu vốn.
CreditSights cho biết, mặc dù cả Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc) đều cho biết họ tôn trọng hệ thống phân cấp chủ nợ, song họ vẫn cho rằng quyết định này phù hợp trong trường hợp một tổ chức sắp bị đóng cửa.
Trái phiếu AT1 là một công cụ được tạo ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2009. Nó được tạo ra để chuyển rủi ro từ người nộp thuế sang nhà đầu tư trong trường hợp một ngân hàng gặp rắc rối. Trái phiếu AT1 chủ yếu do các ngân hàng châu Âu phát hành sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 để tăng vốn mà không phải phát hành cổ phần mới.
Trong thời điểm thị trường thuận lợi, chúng hoạt động như những trái phiếu có lãi suất khá cao. Nhưng đến giai đoạn khó khăn, chẳng hạn như nguồn vốn ngân hàng giảm xuống dưới một ngưỡng nhất định, trái phiếu AT1 sẽ chuyển thành cổ phiếu hoặc bị ghi giảm giá trị.
Theo thứ tự nhà đầu tư chịu ảnh hưởng khi ngân hàng gặp bất trắc thì các cổ đông là những người chịu thua lỗ trước tiên, rồi mới đến các trái chủ và sau cùng là trái chủ cao cấp.
Thế nhưng, trong trường hợp của Ngân hàng Credit Suisse, lượng trái phiếu AT1 này đã bị ghi giảm giá trị về 0. Điều này có nghĩa là các cổ đông đã vượt lên trước các trái chủ AT1 trong hệ thống phân cấp chủ nợ truyền thống. Bởi những người nắm giữ cổ phiếu thì vẫn còn vốn liếng trong khi người nắm giữ trái phiếu AT1 lại mất trắng khoản đầu tư của mình.
Quyết định ghi giảm khoảng 16 tỷ franc (tương đương 17 tỷ USD) trái phiếu cấp 1 bổ sung (AT1), đang khiến các trái chủ của ngân hàng này giận dữ. Một số nhà quan sát thậm chí còn lo ngại rằng hành động trên có thể đặt dấu chấm hết cho loại tài sản này.
Có một số lượng lớn trái chủ châu Á mua loại trái phiếu AT1 của các ngân hàng châu Âu, đặc biệt là giới giàu có làm việc tại Singapore và Hồng Kông, bao gồm cả các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ. Họ là những người vốn đánh giá cao thương hiệu và lợi suất. Trái phiếu AT1 của Credit Suisse phát hành năm ngoái và trả lãi suất 9,75% đặc biệt phổ biến.
Xét về cơ sở đưa ra quyết định của mình, các quan chức Thụy Sỹ cho biết, họ đã viện dẫn một nghị định khẩn cấp và một điều khoản trong bản cáo bạch phát hành trái phiếu, trong đó quy định rằng trái phiếu AT1 sẽ được bút toán giảm trong trường hợp xảy ra sự kiện mang tính sống còn, như khi Chính phủ phải cấp viện trợ bất thường. Với Credit Suisse, ngân hàng đã phải lấy thanh khoản khẩn cấp từ ngân hàng trung ương.