Nóng chuyện Nga chuyển vũ khí hạt nhân cho Belarus
* Mỹ nói Nga chưa chuyển vũ khí hạt nhân tới Belarus. Ngày 26-3, người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết Mỹ chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy Nga đã di chuyển vũ khí hạt nhân. Trước đó, Matxcơva tuyên bố sẽ đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Belarus, nước láng giềng Ukraine.
Ông Kirby khẳng định Mỹ đang theo sát vụ việc nhưng chưa có mối đe dọa nào khiến Mỹ phải thay đổi thế trận răn đe hạt nhân.
Ông này cũng đồng thời tiết lộ "không thấy dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin có bất kỳ ý định sử dụng vũ khí hạt nhân bên trong Ukraine".
Theo Điện Kremlin, Nga sẽ bắt đầu huấn luyện binh sĩ vận hành hệ thống vũ khí hạt nhân chiến thuật vào ngày 3-4. Việc xây dựng một cơ sở chứa vũ khí hạt nhân chiến thuật đặc biệt ở Belarus sẽ hoàn tất trước ngày 1-7.
* Ukraine kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn. Cũng trong ngày 26-3, Bộ Ngoại giao Ukraine đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tổ chức một cuộc họp khẩn trước việc Nga đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Belarus.
Kiev cũng cáo buộc Nga vi phạm các nghĩa vụ của mình và phá hoại "cơ chế giải trừ vũ khí hạt nhân và hệ thống an ninh quốc tế nói chung". "Chúng tôi kỳ vọng Anh, Trung Quốc, Mỹ và Pháp có hành động hiệu quả để phản ứng với sự đe dọa hạt nhân từ Nga", Bộ Ngoại giao Ukraine kêu gọi.
* EU đe dọa trừng phạt Belarus. Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell, tuyên bố Brussels sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Belarus nếu Minsk là nơi sở hữu vũ khí hạt nhân của Nga.
"Việc Belarus cho phép Nga triển khai vũ khí hạt nhân đồng nghĩa với sự leo thang vô trách nhiệm và là mối đe dọa đối với an ninh châu Âu. Belarus vẫn có thể ngăn chặn điều đó, đó là lựa chọn của họ. EU sẵn sàng đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt tiếp theo", ông Borrell cảnh báo trên Twitter.
Bộ Ngoại giao Lithuania cùng ngày cũng lên tiếng ủng hộ ông Borrell và kêu gọi áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt bổ sung cả Belarus lẫn Nga.
"Belarus, một quốc gia ngày càng mất chủ quyền, đang ủng hộ và giúp đỡ hành động gây hấn của Nga, đồng thời tham gia vào các kế hoạch quân sự của Nga. Đó là một yếu tố rủi ro bổ sung đối với khu vực Baltic", cơ quan ngoại giao Lithuania nêu lập luận.
TikTok vẫn chưa yên sau điều trần
Ngày 26-3, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy tuyên bố Hạ viện sẽ xúc tiến ban hành luật để bảo vệ người Mỹ khỏi các cánh tay nối dài của chính quyền Trung Quốc.
Tuyên bố của ông McCarthy đề cập trực tiếp đến TikTok, ứng dụng của Trung Quốc có hơn 150 triệu người dừng tại Mỹ.
"CEO của TikTok không thành thật và không thừa nhận điều mà chúng ta biết là sự thật: Trung Quốc có quyền truy cập vào dữ liệu người dùng TikTok", ông McCarthy nêu cáo buộc trên Twitter.
Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew đã xuất hiện trước Hạ viện Mỹ trong khoảng năm tiếng hôm 23-3 và đối diện với nhiều câu hỏi từ các nhà lập pháp Mỹ. Tuy nhiên ông khẳng định TikTok không theo dõi người dùng Mỹ theo yêu cầu của Bắc Kinh.
Biểu tình lớn tại Israel vì kế hoạch cải tổ tư pháp
* Thủ tướng Israel sa thải bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ngày 26-3, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, gây ra các cuộc biểu tình rầm rộ với hàng chục ngàn người tham gia ở Tel Aviv và Jerusalem.
Đám đông tụ tập bên ngoài dinh thự của ông Netanyahu ở Jerusalem, có lúc vượt qua hàng rào an ninh.
Việc sa thải ông Gallant xảy ra chỉ một ngày sau khi ông phản đối chính phủ của ông Netanyahu và kêu gọi dừng một kế hoạch gây nhiều tranh cãi nhằm đại tu hệ thống tư pháp.
Một phần trọng tâm của kế hoạch này là dự luật sẽ thắt chặt kiểm soát chính trị đối với các cuộc bổ nhiệm ngành tư pháp. Theo đó, nó sẽ trao cho cơ quan hành pháp quyền lực lớn trong việc bổ nhiệm các thẩm phán vào Tòa án Tối cao.
Nhiều người đã phản đối vì cho rằng Thủ tướng Netanyahu, người đang bị xét xử các cáo buộc tham nhũng, có động cơ chính trị khi cải cách ngành tư pháp.
* Căng thẳng trong nội bộ Israel sắp tới đỉnh điểm?
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Gallant là thành viên cấp cao nhất trong cùng Đảng Likud của ông Netanyahu phản đối kế hoạch đại tu ngành tư pháp.
Các cuộc biểu tình ngày càng nhiều quân nhân dự bị của Israel tham gia cũng đang đe dọa an ninh quốc gia của đất nước Do Thái này.
Tại Mỹ, không lâu sau khi ông Netanyahu sa thải bộ trưởng quốc phòng, Tổng lãnh sự Israel tại New York Asaf Zamir cũng tuyên bố từ chức vì "không thể chịu nổi" chính quyền của Thủ tướng Netanyahu. Ông này cũng ám chỉ các động thái của ông Netanyahu là chuyên quyền và phi dân chủ.
* Colombia nhận một phần trách nhiệm vụ ám sát tổng thống Haiti
Ngày 27-3, Tổng thống Colombia Gustavo Petro bất ngờ thừa nhận đất nước của ông phải chịu một phần trách nhiệm về vụ ám sát tổng thống Haiti Jovenel Moise vào tháng 7-2021.
"Đó là vấn đề mà Colombia phải đồng chịu trách nhiệm. Thứ nhất là vì trong quá khứ, chính Haiti đã giúp chúng tôi trở thành một quốc gia, và thứ hai là vì chính lính đánh thuê Colombia đã giết tổng thống Haiti, gây ra một cuộc khủng hoảng thậm chí còn tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng mà họ đã trải qua", ông Petro nói với giới truyền thông ở Cộng hòa Dominica.
Ông Moise đã bị một nhóm vũ trang chủ yếu gồm khoảng 20 lính đánh thuê người Colombia bắn chết tại dinh thự của mình ở Port-au-Prince. Vụ ám sát đã làm sâu sắc thêm các cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị đầy rẫy tội phạm của Haiti.
"Mã trị liệu" cho người già
Một cụ bà trong viện dưỡng lão ở Ornans (Pháp) đang cho chú ngựa 10 tuổi tên Dounka ăn khi nó đến thăm cơ sở chăm sóc người lớn tuổi.
Cũng giống như bất kỳ động vật nào đã được sử dụng để điều trị các vấn đề về tâm lý của con người, ngựa không biết phán xét hay có thành kiến khi tiếp xúc với những người tàn tật, bị khiếm khuyết về ngoại hình hay nhận thức. Các cuộc "mã trị liệu" đã trở nên phổ biến trên khắp thế giới nhưng thường bị giới hạn vì vấn đề chi phí. Ảnh của AFP
Cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho biết các lực lượng Nga có thể phải tiến xa tới Kiev hoặc Lviv ở Ukraine để đạt được mục tiêu "bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ".