Trong đó, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội sửa đổi quy định tại luật Dược năm 2016 theo hướng tập trung quản lý giá thuốc (kê khai, kê khai lại giá) đối với các biệt dược gốc, các nhóm thuốc, danh mục thuốc có ít cạnh tranh, có nguy cơ độc quyền hoặc có trị giá cao.
Theo Bộ Y tế, trong các năm gần đây, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tăng thấp hơn so với CPI chung. Cụ thể, trong 3 năm (2020 - 2022), CPI chung là 5,15% (2020), 2,78% (2021) và 3,15% (2022). Cùng thời gian này, CPI nhóm ngành hàng thuốc là 0,17%, 0,21% và 0,4%.
Việc thực hiện đấu thầu, đấu thầu tập trung và đàm phán giá thuốc đã tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng cho Quỹ Bảo hiểm y tế. Thông qua đấu thầu và đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2022, tổng giá trị thuốc trúng thầu giảm 17,98% (giảm 1.419 tỉ đồng) so với giá kế hoạch, giúp giá thuốc tại các cơ sở y tế được kiểm soát, thống nhất tại từng địa phương. Một số mặt hàng, giá thuốc được thống nhất trên toàn quốc.
Mặt khác, thông qua việc triển khai các quy định ưu đãi trong mua thuốc tại luật Đấu thầu và quy định hiện hành, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại các cơ sở y tế đã tăng lên theo từng năm. Năm 2019, giá trị thuốc sản xuất trong nước đạt gần 26,3% tổng trị giá thuốc trúng thầu. Năm 2020, tỷ lệ này là 27,16% và năm 2021 là gần 32%.
Giá thuốc trúng thầu tại các cơ sở y tế được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) giúp các đơn vị tham khảo trong quá trình xây dựng giá kế hoạch tại các kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Đến hết năm 2022, tổng số lượng mặt hàng thuốc có giá kê khai được công bố là 65.452 thuốc (tăng 1.446 thuốc so với năm 2021; tăng 3.359 thuốc so với năm 2020 và tăng 5.980 thuốc so với năm 2019).