Theo thống kê, cả nam và nữ thừa cân đều dẫn đến vô sinh nhiều hơn 20%. Cứ tăng thêm 1 đơn vị BMI (chỉ số khối cơ thể) của những người có BMI 29 trở lên thì khả năng sinh con của phụ nữ giảm 5%.
Phụ nữ béo phì nguy cơ vô sinh gấp ba lần
Tổ chức Y tế thế giới vừa đưa ra báo động: trên thế giới cứ 6 người trưởng thành thì có 1 người vô sinh ở một thời điểm nào đó. Báo cáo của WHO không đề cập nguyên nhân gây vô sinh, nhưng xác định đây là một thách thức đối với y tế toàn cầu.
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn - chủ nhiệm khoa phẫu thuật ống tiêu hóa Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho biết, nghiên cứu của nhiều nhà khoa học cho thấy, ngoài độ tuổi, tâm sinh lý, bệnh lý… thì béo phì chính là một yếu tố quan trọng khiến tình trạng vô sinh ở nam, nữ ngày một tăng lên.
Theo thống kê, cả nam và nữ thừa cân đều dẫn đến vô sinh nhiều hơn 20%. Phụ nữ béo phì có nguy cơ vô sinh gấp ba lần so với phụ nữ có cân nặng bình thường. Cứ tăng thêm 1 đơn vị BMI (chỉ số khối cơ thể) của những người có BMI 29 trở lên thì khả năng sinh con của phụ nữ giảm 5%.
Phụ nữ trong độ tuổi từ 18 - 40, nếu hàm lượng chất béo trong cơ thể vượt quá 10-15% thông thường thì có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Chất béo này gây ra dư thừa estrogen trong cơ thể phụ nữ, làm suy giảm chức năng hoạt động của buồng trứng, tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất ảnh hướng đến khả năng sinh con của nữ giới.
"Ở phụ nữ, béo phì có thể gây ra rối loạn kinh nguyệt, vô kinh, khó thụ thai. Các bệnh lý liên quan đến béo phì như tiểu đường, huyết áp cao và hội chứng buồng trứng đa nang cũng có thể gây vô sinh hoặc ảnh hưởng đến khả năng thụ thai của phụ nữ" - ông Tuấn nhấn mạnh.
Béo phì cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình thụ thai ở nữ giới bằng cách ảnh hưởng đến môi trường của tử cung.
Bên cạnh đó, trong trường hợp bệnh nhân béo phì có thai, hầu hết đều dẫn đến tiểu đường. Những phụ nữ có lượng đường cao và không ổn định thì khi mang thai có thể xảy ra các biến chứng sức khỏe nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Một số biến chứng có thể gặp phải gồm:
Biến chứng khi mang thai:
Tiểu đường thai kỳ: Người béo phì có nguy cơ cao hơn bị tiểu đường khi mang thai, đặc biệt là ở những người có cân nặng hơn 100kg.
Tăng huyết áp thai kỳ: Người béo phì cũng có nguy cơ cao hơn bị tăng huyết áp trong thai kỳ, đây là tình trạng nguy hiểm có thể gây ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và thai nhi.
Các vấn đề hô hấp: Béo phì khi mang thai cũng có nguy cơ bị các vấn đề về hô hấp như ngừng thở khi ngủ.
Bệnh về tim mạch: Người béo phì khi mang thai có nguy cơ cao hơn bị các vấn đề về tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Biến chứng khi sinh con:
Rối loạn chuyển hóa đường: Người béo phì khi sinh con có nguy cơ cao hơn bị rối loạn chuyển hóa đường sau khi sinh.
Phẫu thuật: Người béo phì cũng có nguy cơ cao hơn bị các vấn đề nếu phẫu thuật, bao gồm nhiễm trùng, chảy máu hoặc đau sau phẫu thuật.
Nguy cơ con bị chết khi sinh: Người béo phì có nguy cơ cao hơn là nguy cơ con bị tử vong khi sinh, đặc biệt là trong những trường hợp có các bệnh liên quan đến béo phì như tiểu đường hay tăng huyết áp.
Ở nam giới, béo phì cũng ảnh hưởng lớn đến sinh sản
Do ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của tinh trùng và hoạt động của các hormone trong cơ thể gây ra giảm sinh lực, giảm chất lượng tinh trùng và tăng nguy cơ xuất hiện các vấn đề về sức khỏe như tiểu đường, bệnh mạch vành và rối loạn cương dương.
Tiểu đường ở nam giới sẽ gây ra suy giảm chức năng của nội tạng, cơ thể lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, từ đó kéo theo tình trạng yếu sinh lý. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, tinh trùng của người mắc bệnh tiểu đường thường có dấu hiệu bị tổn thương…
Khắc phục vô sinh ở người béo phì
Giảm cân là phương pháp hiệu quả và cần thiết đối với bệnh nhân béo phì trong điều trị vô sinh. Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn đưa ra các giải pháp giảm cân cho người béo phì để hạn chế nguy cơ vô sinh:
Thiết lập một chế độ dinh dưỡng khoa học và cân đối, trong đó, ưu tiên ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, uống nhiều nước, đồng thời tránh thức ăn chứa nhiều chất béo, lượng đường cao.
Thay đổi lối sống lành mạnh, không thức khuya, dậy muộn, không sử dụng các loại chất kích thích. Đặc biệt vào ban đêm sẽ không được ăn vặt và sử dụng chất kích thích.
Tăng cường tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe và loại bỏ lượng mỡ dư thừa trên cơ thể bằng những bài tập đơn giản như chạy bộ, đạp xe, bơi lội, cầu lông...
Không dùng thực phẩm chức năng, thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc. Điều này không làm bệnh nhân giảm cân mà còn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Việc phẫu thuật chữa bệnh béo phì cần được thực hiện tại bệnh viện bởi các bác sĩ chuyên khoa.
Chỉ số BMI là điểm số tiêu chuẩn dùng để xác định mức cân nặng của bệnh nhân, trong đó sử dụng số đo về chiều cao và cân nặng của cơ thể làm cơ sở đánh giá. Sau khi có chỉ số BMI thì bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng của bệnh nhân như sau:
BMI <16: Gầy độ III;
16 ≤ BMI <17: Gầy độ II;
17 ≤ BMI <18.5: Gầy độ I;
18.5 ≤ BMI <25: Bình thường;
25 ≤ BMI <30: Thừa cân;
30 ≤ BMI 35: Béo phì độ 1;
35 ≤ BMI <40: Béo phì độ II;
BMI >40: Béo phì độ III.
Ước tính trên thế giới cứ 6 người trưởng thành có 1 người vô sinh ở một thời điểm nào đó. WHO kêu gọi các nước đưa điều trị vô sinh vào các chính sách, dịch vụ về sức khỏe sinh sản.
Xem thêm: mth.82753708050403202-ned-ogn-ia-ti-un-av-man-ac-ohc-hnis-ov-yag-nahn-cat/nv.ertiout