Hàng trăm ngân hàng đối mặt với rủi ro
Ngành ngân hàng đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng, nhưng cuối cùng, 100% thành viên Uỷ ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) thuộc Fed đã nhất trí tăng lãi suất 0,25% sau cuộc họp kéo dài 2 ngày 21 - 22/3/2023, trên cơ sở dữ liệu mới nhất về lạm phát và việc làm.
Động thái này của Fed đã đưa lãi suất lên mức 4,75 - 5%/năm, có thể sẽ làm chậm lại hoạt động kinh tế vì lãi suất thẻ tín dụng, lãi suất vay thế chấp và các khoản vay khác tất yếu tăng theo.
Trong bối cảnh dư chấn của việc khách hàng tháo chạy khỏi ngân hàng làm sụp đổ Silicon Valley Bank (SVB) và một ngân hàng khác, Fed phải đối mặt với một quyết định khó khăn về việc có nên tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát, hay thực hiện một con đường thận trọng hơn và tạm dừng sau khi đã tăng lãi suất tổng cộng 4,5% trong vòng 1 năm qua.
Lãi suất cao được coi là gốc rễ của hỗn loạn tài chính, tạo ra sự bất ổn, lực cản với nền kinh tế.
Hiện tại, mức dự báo trung bình về lãi suất giai đoạn 2023 - 2025 của các quan chức Fed cho thấy, từ nay đến cuối năm 2023, lãi suất có thể chỉ tăng thêm 0,25%, lên mức 5 - 5,25%/năm, không thay đổi so với dự báo hồi tháng 12/2022 và thấp hơn mức mà thị trường nhận định trước khi SVB gặp khủng hoảng thanh khoản và sụp đổ. Sang năm 2024, Fed có thể sẽ giảm lãi suất tổng cộng 0,8% và mức giảm trong năm 2025 là 1,2%.
Theo Chủ tịch Fed Jerome Powell, có thể coi cuộc khủng hoảng (ngân hàng) hiện nay tương đương với việc tăng lãi suất và có lẽ còn hơn thế nữa, khiến Fed “có thể có ít việc phải làm hơn” (hàm ý Fed đang tiến gần tới đoạn kết của chu kỳ thắt chặt tiền tệ).
FOMC đánh giá, hệ thống ngân hàng Mỹ rất lành mạnh và linh hoạt, nhưng cũng không khỏi quan ngại về những diễn biến gần đây có thể dẫn đến các điều kiện tín dụng chặt chẽ hơn đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và việc làm.
Đáng lưu ý, một nghiên cứu của nhóm các nhà kinh tế Mỹ cảnh báo, ít nhất 186 ngân hàng có khả năng phải đối mặt với những rủi ro tương tự như vụ sụp đổ của SVB.
Nguy cơ suy thoái kinh tế gia tăng
Một số nhà kinh tế cho rằng, việc Fed tiếp tục tăng lãi suất cùng với những rắc rối của ngành ngân hàng có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc suy thoái trong năm nay.
Nhà kinh tế học Andrew Hunter của Capital Economics nhận xét: “Khủng hoảng (ngân hàng) khiến chúng ta càng tin rằng, nền kinh tế sẽ sớm rơi vào suy thoái”.
Kinh tế Mỹ ước tính sẽ đạt mức tăng trưởng 3% trong quý đầu năm 2023, nhưng theo đánh giá của Goldman Sachs, nguy cơ suy thoái trong năm nay đã tăng lên 35%, so với mức 25% trước khi cuộc khủng hoảng ngân hàng diễn ra.
Trong khi đó, theo CNBC, lợi suất trái phiếu kho bạc, giá dầu và cổ phiếu gần đây giảm mạnh, cho thấy các nhà đầu tư lo ngại hơn về nguy cơ suy thoái.
Không ít ý kiến dự đoán, Fed sẽ phải sớm tính đến việc ngừng tăng lãi suất, vì lãi suất cao là gốc rễ của hỗn loạn tài chính và làm tăng mức thua lỗ trong danh mục trái phiếu của các ngân hàng cũng như công ty tài chính. Đồng thời, lãi suất cao tạo ra sự bất ổn, lực cản với nền kinh tế, bởi các công ty sẽ cố gắng bảo toàn vốn, hạn chế đầu tư, chi tiêu và các nhà đầu tư hay người tiêu dùng cũng vậy, kéo theo tăng trưởng tín dụng giảm (trong khi tín dụng được ví là dầu bôi trơn của bộ máy kinh tế), tỷ lệ thất nghiệp tăng, dẫn đến một cuộc suy thoái toàn diện.
Nhà kinh tế Ryan Sweet của Oxford Economics nhận định, nếu Fed tạm dừng tăng lãi suất sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán, giúp giảm chi phí vay của các công ty và góp phần thúc đẩy kinh tế.
Dự báo trung bình của các nhà hoạch định chính sách Fed về mức tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2023 hiện là 0,4%, thấp hơn so với mức 0,5% đưa ra hồi tháng 12/2022. Còn mức tăng trưởng năm 2014 là 1,2%, thấp hơn mức 1,6% đã dự đoán trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp hiện nay là 3,6%, có thể sẽ tăng lên 4,5% vào cuối năm 2023, thấp hơn 0,1% so với mức dự báo trước đó.