Chị Nguyễn Thị Diệu Hằng (BSSC): Ý lực, ý chí là chìa khóa thành công khi khởi nghiệp - Video: TRƯƠNG KIÊN - DIỄM HƯỜNG - TÔN VŨ
Giải thưởng "giữ lửa", đem lại niềm tin cho cộng đồng khởi nghiệp
* Chị nhận định như thế nào về khởi nghiệp Việt Nam và khởi nghiệp TP.HCM hiện nay?
- Để nói về start-up của Việt Nam vài năm gần đây, tôi nghĩ có thể ví von họ như những "đứa trẻ" dễ bị nhiễm bệnh, bị thương và bị ảnh hưởng đáng kể.
Tuy nhiên ở khía cạnh tích cực, những "đứa trẻ" này nhờ sức trẻ nên có sức đề kháng tốt và khả năng khôi phục rất nhanh. Đó là một trong những đặc trưng của khởi nghiệp Việt Nam cũng như TP.HCM năm 2022.
Theo Startupblink (một trung tâm nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu), năm 2022 khởi nghiệp Việt Nam vượt thêm năm bậc, đứng vị trí 54 trên thế giới. Và TP.HCM, nơi chịu thiệt hại rất nặng vì COVID-19, lại vượt "thần tốc" 114 bậc, tiến gần tới vị trí top 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp tốt nhất thế giới.
Có sự "ra đi" của không ít start-up đình đám một thời. Tuy thế chúng ta vẫn có nhiều start-up nhạy bén biến nguy thành cơ, tận dụng "vòng xoáy" để phát triển.
* Vì sao chị quyết định tham gia đồng hành cùng giải thưởng Tuổi Trẻ Start-Up Award?
- Tôi nghĩ đây là giải thưởng rất có ý nghĩa, bởi vì Tuổi Trẻ Start-Up Award không hẳn lựa chọn start-up tốt nhất, mà còn chọn dự án có tác động xã hội, tạo những ảnh hưởng tốt và truyền cảm hứng, niềm tin cho cộng đồng nói chung, cho thế hệ trẻ nói riêng.
Tôi tâm đắc với chủ đề của Tuổi Trẻ Start-Up Award là "Trong khủng hoảng, tìm thấy cơ hội", vì tôi tin khủng hoảng có thể diễn ra với bất kỳ start-up nào.
Có thể sẽ có những "khúc cua", nhưng nếu như chúng ta là những tay đua cừ khôi, thường xuyên mài giũa để dự án có những tố chất, kỹ thuật vững chắc thì hoàn toàn có thể bứt phá từ "khúc cua" đó.
* Chị có góp ý gì để Tuổi Trẻ Start-up Award có thể hoàn thiện hơn?
- Ngoài việc vinh danh những dự án tốt, những câu chuyện xúc động…, Tuổi Trẻ Start-up Award cần đẩy mạnh thêm nữa những hoạt động kết nối, hỗ trợ sau chương trình. Chẳng hạn chúng ta có thể xây dựng một cộng đồng kết nối các start-up từng đoạt giải với nhau để các bạn đồng hành, nâng đỡ nhau cùng phát triển trong và sau chương trình, bởi start-up luôn là hành trình đầy chông gai, luôn cần sự tương trợ.
Giai đoạn đầy thử thách cho khởi nghiệp
* Theo chị, các start-up Việt cần lưu ý gì trong tình hình đầy biến động như hiện nay? Khởi nghiệp lĩnh vực nào sẽ có cơ hội và start-up nào sẽ đối mặt nhiều rủi ro hơn?
- Điều này phần nào phụ thuộc vào sự chuẩn bị của từng start-up. Chính các bạn phải hiểu nên đi tốc độ nào, lĩnh vực nào phù hợp các bạn. Tuy nhiên thẳng thắn nhìn nhận thì trước giờ ít có giai đoạn nào đầy thử thách như hiện tại, khi xã hội đang đối mặt với nhiều "cơn lốc" tụ lại.
Cá nhân tôi nghĩ về cơ bản các ngành nghề có thể tiếp tục duy trì là dịch vụ cơ bản như F&B (dịch vụ ẩm thực), nhu yếu phẩm...
Còn những mặt hàng xa xỉ, không phải nhu cầu thiết yếu thì chắc chắn sẽ bị sụt giảm. Đó là những cái mà những bạn start-up phải cẩn trọng. Khi nền kinh tế suy giảm thì hầu như chi tiêu cho những chi phí đó bị cắt giảm, doanh thu theo đó sẽ bị sụt giảm.
* Có nhận định cho rằng hiện TP.HCM có nhiều cuộc thi khởi nghiệp nhưng thực chất chưa sâu và chưa thật sự hiệu quả, bằng chứng là ngay cả nhiều gương mặt đoạt giải nhất vẫn thất bại…
- Tôi nghĩ thương trường như chiến trường, ngay cả giải thưởng Start-up Wheel của BSSC cũng có câu slogan là "Chiến binh khởi nghiệp". Chúng tôi nghĩ người khởi nghiệp giống như chiến binh vậy, càng có nhiều vết sẹo thì càng có nhiều kinh nghiệm, vững chãi hơn.
Việc chiến thắng trong một cuộc thi không có nghĩa là họ ra "chiến trường" cũng vậy. Ngựa chiến thì chạy đường dài, họ có thể ngã xuống trong giai đoạn này nhưng quan trọng là họ học được bài học, biết đứng lên đi tiếp.
Kể cả khi họ đóng dự án này, nhưng tinh thần khởi nghiệp của họ còn thì một ngày nào đó họ cũng sẽ mở một dự án mới, kinh nghiệm và tâm thế mới, và biết đâu điều đó giúp họ lại khởi nghiệp thành công.
Nguyên phó thủ tướng Đức gốc Việt đồng hành cùng Tuổi Trẻ Start-Up Award
Talkshow "Cảm hứng khởi nghiệp" năm nay dự kiến diễn ra tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM vào ngày 26-4 với chủ đề "Trong khủng hoảng, tìm thấy cơ hội?". Ngài Philipp Rösler - lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ, nguyên phó phủ tướng Đức gốc Việt - là một trong các diễn giả chính của chương trình. Lễ vinh danh và trao hỗ trợ các start-up tiêu biểu diễn ra trong sự kiện này.
Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những câu chuyện khởi nghiệp còn có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như được quảng bá đến công chúng. Một số start-up tiêu biểu sẽ được hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị: VinaCapital, FE Credit, No.1, Thái Bình Group, IDICo, Volvo, Tín Nghĩa Corp., Saigontourist Group, Sân Golf Thủ Đức... Trong đó, suất hỗ trợ đặc biệt cho start-up được hội đồng thẩm định bình chọn trị giá 100 triệu đồng từ GIBC.
Các start-up, nhóm bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hay và có tính thực tế cao, ứng dụng công nghệ, tạo lợi thế cạnh tranh, vận dụng AI, có tính bền vững, đóng góp cho cộng đồng, có giải pháp xanh, hướng đến môi trường... hoặc bạn đọc có các câu chuyện thiết thực về những chân dung khởi nghiệp, có thể gửi bài viết tự giới thiệu theo địa chỉ email: tuoitrestartupaward@tuoitre.com.vn.
MINH HUỲNH
Dù hành trình start-up đầy chông gai, nhiều start-up từng nhận giải thưởng khởi nghiệp Tuổi Trẻ Start-up Award vẫn lèo lái thành công doanh nghiệp của mình, đạt nhiều thành tựu đáng kể từ sau chương trình.