Trên đây là các ý kiến của bạn đọc xung quanh câu chuyện "Nghệ sĩ dính vào quảng cáo 'bẩn' mà Tuổi Trẻ phản ánh.
Theo đó, thời gian qua quảng cáo kém chất lượng tiếp tục lộng hành trên môi trường số với nhiều hình thức. Trong đó, ở lĩnh vực giải trí, một số nghệ sĩ bị dư luận lên án khi quảng cáo những loại thuốc và mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.
Tệ hơn, có những nghệ sĩ gây khó hiểu khi quảng cáo đủ loại thuốc chữa đủ loại bệnh khác nhau: xương khớp, tê bì chân tay, trĩ, tiểu đường, thuốc kích dục...
Bên cạnh đó, cũng có nghệ sĩ lên tiếng họ là nạn nhân khi bị các nhãn hàng ăn cắp hình ảnh để đưa vào quảng cáo.
Nói về vấn đề này, NSND Trần Ngọc Giàu (chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM) tỏ ra rất bức xúc và đề nghị pháp luật cần có thêm hình phạt để nâng cao sự răn đe đối với những nghệ sĩ tham gia quảng cáo bẩn.
Bày tỏ quan điểm, NSND Trần Ngọc Giàu than: "Riêng tôi từng thấy nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm thuốc này thuốc kia mà mình đang có nhu cầu, tôi gọi điện hỏi thăm thì họ bảo chỉ quảng cáo, chứ không biết sản phẩm như thế nào. Nghe rất buồn".
Cũng theo ông Trần Ngọc Giàu, ở đây chưa nói đến trách nhiệm nghệ sĩ lớn lao, mà chỉ riêng trách nhiệm với cộng đồng với nhau đã là không nên khi giới thiệu sản phẩm mà không quan tâm chất lượng. Trước hết phải có chữ tín với nhau, với mọi người.
"Tôi mong rằng nghệ sĩ nhận quảng cáo cũng cần hiểu giới hạn ở đâu, phải nhớ là mình nói gì công chúng người ta đang nghe và người ta tin tưởng mình. Tôi nghĩ pháp luật cần có thêm hình phạt với trường hợp này để nâng cao sự răn đe. Chẳng hạn, khi nghệ sĩ quảng cáo có thể nhận đến 500 - 700 triệu đồng, nhưng xử phạt kiểu hành chính chỉ 5-7 triệu đồng thì người ta đâu có sợ" - NSND Trần Ngọc Giàu nói.
Rất đồng tình với người đứng đầu tổ chức Hội Sân khấu TP.HCM, nhiều bạn đọc cho rằng ý kiến đó rất xác đáng và mong các cơ quan chức năng phải mạnh tay hơn nữa mới mong dẹp được quảng cáo bẩn có chiều hướng ngày một lan rộng như hiện nay.
"Một người của công chúng đi quảng cáo thực phẩm chức năng chưa kiểm chứng, bà con mình nghe theo tiền mất tật mang. Một số lại quảng cáo thuốc kích dục, tui thấy xấu, thấy nhục giùm họ. Con người vì tiền bất chấp danh dự của mình. Gầy dựng thì khó, đạp đổ rất dễ" - bạn đọc Võ Thị Ngọc Nhan viết.
Cùng quan điểm, bạn đọc Phạm Thiết Hùng bức xúc: "Tôi rất nhiều lần ý kiến về những người có ảnh hưởng đến công chúng lại đi quảng cáo "rất bẩn". Đặc biệt là cô diễn viên C.T., rất hùng hồn, đanh thép trong các video phát trên You Tube về thuốc cho đàn ông, xương khớp".
Phải mạnh tay hơn nữa mới mong dẹp được quảng cáo bẩn, bạn đọc Hue đề nghị: "Phạt tiền thật nặng và cấm biểu diễn 2 năm. Nếu dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì xử lý hình sự vì gián tiếp gây hậu quả nghiêm trọng".
Về hình ảnh nghệ sĩ bị lợi dụng, bạn đọc Chuyển AG gợi ý: "Cứ xử phạt nặng nghệ sĩ quảng cáo bẩn đi. Còn nhãn hàng nào lợi dụng hình ảnh của nghệ sĩ thì nghệ sĩ ấy có quyền kiện nhãn hàng đó".
Bạn quan tâm và muốn chia sẻ thêm điều gì? Theo bạn, biện pháp nào để dẹp bỏ những hành vi quảng cáo dỏm, quảng cáo vi phạm văn hóa, thuần phong mỹ tục?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... mời bạn gởi đến PHẢN HỒI TRONG NGÀY qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết.
Thăm dò ý kiến
Để trị dứt điểm vấn nạn quảng cáo thần dược, thực phẩm chức năng dỏm có chiều hướng gia tăng như hiện nay, theo bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
"Chiêu này lặp lại hoài, sao không truy tố một vài người để răn đe kẻ khác"; "Rất nguy hiểm, không thể buông lỏng như vậy được"... là những phản hồi của bạn đọc quanh quảng cáo thuốc dỏm.