Đề xuất tăng số lượng cán bộ, công chức cấp xã
Tại dự thảo nghị định của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, Bộ Nội vụ đề xuất quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã.
Cụ thể đối với xã, thị trấn thì loại I là 22 người; loại II là 20 người, loại III là 18 người. Đối với phường thì loại I là 23 người, loại II là 21 người, loại III là 19 người.
Với những xã có dân số lớn hơn so với tiêu chuẩn về quy mô dân số của đơn vị hành chính cấp xã được tăng thêm số lượng công chức ở cấp xã như sau: Phường thuộc quận, cứ tăng thêm đủ 5.000 người được tính thêm 1 công chức; Phường thuộc thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố, cứ tăng thêm đủ 3.500 người được tính thêm 1 công chức.
Phường thuộc thị xã và xã miền núi, vùng cao, cứ tăng thêm đủ 2.500 người được tính thêm 1 công chức; Thị trấn và xã đồng bằng, cứ tăng thêm đủ 4.000 người được tính thêm 1 công chức; Xã và thị trấn ở hải đảo, cứ tăng thêm đủ 1.600 người được tính thêm 1 công chức; Phường ở hải đảo, cứ tăng thêm đủ 1.400 người được tính thêm 1 công chức.
Quy mô dân số để xác định số lượng cán bộ, công chức cấp xã thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Còn gần 1,2 triệu héc ta đất chưa sử dụng
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2021 (tính đến ngày 31-12-2021). Trong đó, có gần 1,2 triệu héc ta thuộc nhóm đất chưa sử dụng.
Theo đó tổng diện tích tự nhiên của cả nước là 33.134.480 héc ta. Trong đó, đất nông nghiệp là 27.994.319 héc ta; đất phi nông nghiệp là 3.949.158 héc ta (gồm 759.545 héc ta đất ở); đất chưa sử dụng là 1.191.003 héc ta.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc công khai và cung cấp kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2021 của địa phương cho các tổ chức, cá nhân để sử dụng thống nhất theo quy định. Số liệu thống kê diện tích đất đai năm 2021 phải được thường xuyên kiểm tra, rà soát để cập nhật, chỉnh lý biến động vào kết quả thống kê đất đai năm 2022...
TP.HCM 'chấm điểm' xe buýt có trợ giá
Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP.HCM vừa gửi Sở GTVT TP.HCM bộ tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên các tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn quản lý.
Theo đó, từ ngày 1-4, toàn bộ xe buýt có trợ giá ở TP.HCM được chấm điểm dựa trên tỉ lệ hoàn thành số chuyến so với kế hoạch, tỉ lệ đúng giờ, hành khách phản ánh, khiếu nại...
Việc đánh giá chất lượng xe buýt được thực hiện hàng tháng với từng tuyến buýt qua kiểm tra trực tiếp và các số liệu từ giám sát trực tuyến. Dựa trên kết quả đánh giá, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng sẽ có chính sách thưởng, phạt tương ứng với đơn vị vận tải.
TP.HCM hiện có 2.043 xe buýt hoạt động trên 127 tuyến, trong đó 91 tuyến trợ giá. Ngoài phương thức đặt hàng, TP.HCM đang lên kế hoạch đấu thầu 60 tuyến buýt trong năm nay, dự kiến cũng áp dụng "chấm điểm" như trên.
Liên tục phát hiện lượng lớn đường cát Thái Lan nghi nhập lậu
Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết qua kiểm tra điểm kinh doanh hàng hóa ở số 82B đường Cao Văn Lầu, phường 2, quận 6, cơ quan chức năng phát hiện 530 bao (tương đương 26,5 tấn) đường tinh luyện các loại, còn nguyên bao bì chưa qua sử dụng, xuất xứ Thái Lan, trên bao bì không thể hiện ngày sản xuất, hạn sử dụng, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Cơ quan chức năng đã ban hành Quyết định tạm giữ toàn bộ hàng hóa trên để xử lý.
Trước đó ngày 24-3, qua kiểm tra 2 ôtô rơ móc tại TP Sóc Trăng, Cục Quản lý thị trường Sóc Trăng đã phát hiện gần 80 tấn đường kính trắng, trên bao bì có ghi tiếng nước ngoài "Product in Thái Lan", nhưng chưa xuất trình được hồ sơ hợp pháp liên quan đến hàng hóa. Lực lượng chức năng đã tạm giữ 2 phương tiện và hàng hoá trên chờ xác minh xử lý.
Thời gian qua, cơ quan chức năng nhiều tỉnh thành liên tục phát hiện lượng lớn đường cát không có nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt đường Thái Lan. Theo nhận định, phần lớn hàng hóa này là nhập lậu.
Kiến nghị tiếp tục cho tàu cao tốc đón khách ở bến Bạch Đằng
Sở GTVT TP.HCM vừa trình UBND TP.HCM về việc tiếp tục tổ chức khai thác cầu tàu số 2, khu bến Bạch Đằng, quận 1 trong thời gian chờ TP xem xét, chấp thuận phương án sắp xếp các cầu tàu tại Công viên bến Bạch Đằng và cảng Ba Son.
Về phương án sắp xếp các cầu tàu 1, 2, 3, 4 Công viên bến Bạch Đằng và cầu cảng B, C cầu tàu Ba Son (đối diện địa chỉ số 4B Tôn Đức Thắng, Quận 1), UBND TP.HCM đã giao Sở GTVT TP.HCM chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu báo cáo đề xuất, trình UBND TP.HCM
Hiện nay, Trung tâm Quản lý đường thủy TP.HCM đang phối hợp với Trung tâm Thông tin quy hoạch TP.HCM, các đơn vị liên quan thực hiện nghiên cứu quy hoạch không gian đô thị kết hợp sắp xếp các bến thủy nội địa khu vực bến Bạch Đằng từ cầu Khánh Hội đến cầu Thủ Thiêm 2.
Tăng cường kiểm tra, giám định chất lượng xăng dầu
Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương vừa có công văn số 548/TCQLTT- CNV về việc kiểm tra, xử lý vi phạm chất lượng trong kinh doanh xăng dầu.
Theo đó yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và nội dung trong Công điện số 383/CĐ-BCT ngày 20-1-2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu hoặc vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xăng dầu.
Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố cần ban hành kế hoạch kiểm tra chuyên đề về chất lượng xăng dầu; phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn (Công an, Sở Khoa học công nghệ) thực hiện kiểm tra, lấy mẫu xăng dầu để thử nghiệm, giám định về chất lượng.
Đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời ngăn chặn hành vi lợi dụng tình hình nguồn cung bị đứt gãy cục bộ để sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng...
TP.HCM tăng cường kiểm soát bùn thải từ các dự án nạo vét sông, kênh rạch
UBND TP.HCM vừa thông báo kết luận và chỉ đạo của Phó Chủ tịch Bùi Xuân Cường về việc tiếp nhận, xử lý bùn thải của các dự án nạo vét sông, kênh rạch và hệ thống thoát nước.
Cụ thể, giao Sở Xây dựng và Sở Tài chính thực hiện công tác kiểm tra, nghiệm thu và thanh toán chi phí xử lý bùn thải của các dự án nạo vét sông, kênh rạch và hệ thống thoát nước trên địa bàn TP.
Sở Xây dựng phải rà soát, hoàn chỉnh định mức dự toán công tác xử lý các loại bùn thải bằng công nghệ ủ hiếu khí (là quá trình phân hủy xảy ra bằng cách sử dụng các vi sinh vật không cần oxy để tồn tại).
Đồng thời, giao Sở TN&MT khẩn trương rà soát thay thế, bãi bỏ những văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp. Xây dựng hướng dẫn việc phân định, phân loại các loại bùn thải cần phải được thu gom, xử lý theo quy định trình UBND TP theo đúng tiến độ quy định.
Buộc tiêu hủy 11 lô thuốc trị đau lưng kém chất lượng
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ngày 27-3 ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty RX. Manufacturing Co., Ltd (Thái Lan), đại diện chấp hành quyết định xử phạt là Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Úc châu (quận Phú Nhuận, TP.HCM) 80 triệu đồng và buộc tiêu hủy 11 lô thuốc Myomethol, số giấy đăng ký lưu hành VN-17397-13 do kém chất lượng.
Số thuốc vi phạm thuộc 11 lô, có số từ 49U001 đến 49U011; sản xuất từ ngày 12-1-2021 đến 5-2-2021; hạn dùng từ 12-1-2024 đến 5-2-2024.
Thuốc Myomethol chứa hoạt chất Methocarbamol 500mg, thuộc nhóm thuốc giãn cơ, tăng trương lực cơ. Thuốc được chỉ định ở người bệnh bị đau lưng cấp tính do co thắt cơ xương, co thắt cơ, gãy xương hoặc trật khớp, co thắt cơ do chấn thương hoặc kích ứng thần kinh, sau phẫu thuật chỉnh hình, vẹo cổ...
Ca COVID-19 mới và bệnh nhân nặng đều tăng
Bộ Y tế cho biết ngày 27-3 cả nước có 10 ca mắc COVID-19, tăng nhẹ so với hôm qua. Trong ngày có 44 ca khỏi, nhiều nhất trong vài tuần qua; có 2 ca nặng đang điều trị.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.527.220 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.491 ca nhiễm). Tổng số ca được điều trị khỏi đến nay là 10.614.943 ca. Tổng số ca tử vong là 43.186 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tin tức đáng chú ý: Công chức chưa đạt tiêu chuẩn chuyên môn, chưa sắp xếp được việc làm phù hợp thuộc diện phải tinh giản biên chế; 2 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu thủy sản đạt hơn 1 tỉ USD; Mỹ nhập nhiều nước ép xoài Việt Nam...