Thông tin trên là nhận định được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong báo cáo mới công bố ngày 27/3. Theo WB, sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm tác động kéo dài của đại dịch COVID-19, cuộc xung đột tại Ukraine và những rủi ro đang diễn ra đối với lĩnh vực tài chính ở châu Âu và Mỹ, đang dẫn đến sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu. Trước đó, trong dự báo mới nhất, WB nhận định, kinh tế thế giới sẽ chỉ tăng trưởng 1,7% trong năm nay.
Ông Axel Van Trotsenburg - Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định: "Các yếu tố bất ổn đối với kinh tế thế giới có thể liên quan đến cách các quốc gia kiềm chế lạm phát, hay gần đây là những xáo trộn trên thị trường tài chính. Điều này đang ảnh hưởng đến các quốc gia và triển vọng tăng trưởng toàn cầu nói chung. Một khía cạnh khác cũng đáng quan tâm và sẽ là thách thức lớn không chỉ trong năm nay, mà còn trong những năm tới là tác động của biến đổi khí hậu. Đó là những điều chúng ta cần lưu ý khi đánh giá triển vọng kinh tế thế giới".
WB cảnh báo nguy cơ kinh tế toàn cầu giảm tốc. (Ảnh minh họa - Ảnh: Xinhua)
Theo WB, vào thời điểm nền kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay, sẽ là động lực quan trọng giúp giữ cho kinh tế toàn cầu không rơi vào suy thoái.
"Sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc không chỉ là tin tốt cho Trung Quốc, mà còn là tín hiệu tích cực cho cả thế giới. Chúng tôi ước tính rằng, Trung Quốc sẽ đóng góp 1/3 mức tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong năm nay", ông Axel Van Trotsenburg đánh giá.
Tuy nhiên, năng lực giữ cho kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng sẽ suy yếu đáng kể khi nền kinh tế Trung Quốc có xu hướng chậm lại trong những năm tới.
Ông Indermit Gill - Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết: "Chúng ta đã quen với việc Trung Quốc là động lực chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu và điều đó sẽ thay đổi khi kinh tế Trung Quốc dần giảm tốc theo thời gian. Câu hỏi cần đặt ra là chúng ta sẽ thay thế vai trò đầu tàu tăng trưởng của Trung Quốc đối với kinh tế thế giới bằng động lực nào?".
Theo WB, câu trả lời sẽ nằm ở những giải pháp nhằm tận dụng các thay đổi cơ cấu lớn nhất mà mỗi quốc gia có thể thực hiện để duy trì động lực của nền kinh tế. Các chuyên gia khuyến cáo, nền kinh tế toàn cầu cần nhanh chóng thực hiện những thay đổi quan trọng giúp củng cố tiềm năng tăng trưởng bao gồm đầu tư nhiều hơn về vốn và nhân lực, tăng số giờ làm việc và áp dụng nhiều công nghệ hơn để tăng năng suất. Các biện pháp này được kỳ vọng sẽ giúp các quốc gia ngăn chặn "thập kỷ mất mát" tăng trưởng.
VTV.vn - Trung Quốc - quốc gia đông dân nhất thế giới đang có tỷ lệ sinh thấp kỷ lục. Hiện tượng này tác động thế nào tới kinh tế toàn cầu?.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.24153458082303202-cot-maig-uac-naot-et-hnik-oc-yugn-oab-hnac-bw/et-hnik/nv.vtv