Tuổi Trẻ ghi lại ý kiến của một số chuyên gia, nhà nghiên cứu về câu chuyện tìm kiếm và trọng dụng nhân tài tại hội thảo góp ý về dự thảo chiến lược này.
Ông PHẠM ĐỨC HẢI (phó Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM):
Ba bài học thu hút nhân tài
Sau khi có nghị quyết 54 của Quốc hội, TP.HCM đã ra được nghị quyết về mức thu nhập của chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt và có quy chế chung về vấn đề này. Điều quan trọng nhất là phải có chính sách để thu hút người tài, bởi người tài vào làm việc trong cơ quan nhà nước, lĩnh lương như mức chung hiện nay thì không ai vào.
Nếu chuyên gia, nhà khoa học vào làm việc, TP trợ cấp 100 triệu đồng. Lĩnh lương theo quy định nhà nước với mức chuyên gia trên 8.0, chính sách khác như sinh hoạt phí 30 - 50 triệu đồng, nếu không có nhà công vụ thì được trợ cấp thêm 7 triệu đồng/tháng. TP khuyến khích chuyên gia có công trình cụ thể và thưởng tùy theo giá trị công trình đặt hàng, chẳng hạn công trình 100 tỉ đồng được thưởng 1 tỉ đồng.
Thứ hai là quy chế tuyển chọn. Sau khi nộp đơn, các chuyên gia có buổi thuyết trình những điều sẽ làm và làm gì sau khi được thu hút chứ không dựa vào bằng cấp, được UBND TP ký xác nhận đây là người tài. Ròng rã từ 2018 đến cuối 2022, TP.HCM mới thu hút được 5 người (1 người Việt Nam, 1 người Mỹ và 3 người Nhật).
Thứ ba, mỗi địa phương cần đánh giá xem đang cần người tài lĩnh vực nào để thu hút. Như TP.HCM cần đi tìm vật liệu mới và phát triển công nghệ vật liệu mới, lĩnh vực công nghệ vi cơ điện tử nên đã tìm người ở những lĩnh vực này. TP cũng đang tìm người giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông hay chống ngập. Do đó, cần có cơ chế chính sách rõ ràng và vượt trội để thu hút nhân tài.
TS TRẦN VĂN TUẤN (nguyên bộ trưởng Bộ Nội vụ):
Không nhất thiết là đảng viên
Thời gian qua, một số địa phương đã cấp nhà, cấp phương tiện đi lại nhưng việc giao không rõ, nhận những người không đúng đối tượng đang cần hoặc giao quá rộng khiến họ không làm được. Sau một thời gian, dù hưởng lương cao nhưng không đóng góp được nên những người có ý thức, trách nhiệm đã xin thôi.
Dù không phải giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học nhưng là người có kinh nghiệm, đề xuất ra phương án hay chế tạo được máy móc, công cụ được ứng dụng thực tiễn, giải quyết được công việc trong cuộc sống cũng cần được coi là nhân tài. Lấy tiêu chuẩn phải là cán bộ, công chức nhà nước hay đảng viên... dễ làm thui chột những người đóng góp nhưng chưa đủ tiêu chuẩn như định nghĩa.
Tôi cho rằng việc thu hút nhân tài không nhất thiết phải đủ tiêu chí như dự thảo chiến lược. Không nhất thiết là đảng viên nhưng người ta đóng góp có hiệu quả thì không thể không công nhận. Đâu nhất thiết phải là người trong cơ quan nhà nước, công chức nhà nước mới được công nhận người tài để tránh bỏ lỡ đội ngũ nhân tài ở khu vực tư.
Các nhà khoa học, chuyên gia viết định hướng, kế hoạch để phát triển, nhà lý luận cũng cần được coi là nhân tài.
TS TRẦN ANH TUẤN (nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ):
Không nên "chạy" theo bằng cấp
Thời gian qua có hiện trạng cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực chuyển sang khu vực ngoài nhà nước. Một trong các nguyên nhân có do chế độ đãi ngộ, điều kiện, môi trường làm việc chưa đáp ứng nhu cầu và mong mỏi, dẫn đến thiếu hụt nhân lực chất lượng cao ở khu vực công.
Việc xây dựng chiến lược nhân tài là rất cần thiết, xác định phải là người có đức, có tài với năng lực vượt trội, tinh thần cống hiến, giải quyết được các vấn đề nan giải hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được mọi người và cơ quan công nhận. Không nên phân biệt đảng viên hay người ngoài đảng, người Việt Nam trong nước hay nước ngoài.
Khi tìm tòi, tiến cử phải từ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên, các nhà khoa học. Chính sách thu hút, trọng dụng cần được tư duy thu hút để trọng dụng và trọng dụng để thu hút. Không tuyển chọn "chạy" theo bằng cấp, vùng miền, tuổi trẻ hay tuổi cao và không giới hạn nhiệm kỳ. Cứ có tài, có đức, có tinh thần cống hiến là lựa chọn, trọng dụng.
Theo dự thảo, nhân tài là những người có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có trình độ, năng lực sáng tạo vượt trội, có
tinh thần cống hiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có công trạng, thành tích, tạo nên sự tiến bộ, phát triển một tổ chức, ngành, lĩnh vực, địa phương.
Nguồn nhân tài được tìm kiếm và phát hiện trong học sinh, sinh viên có thành tích học tập, tốt nghiệp giỏi, xuất sắc. Người có học vị, học hàm có công trình được công nhận và ứng dụng vào đời sống. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan nhà nước hoàn thành tốt nhiệm vụ và người ở các khu vực khác...
Nếu vì quy định mà "lọt" nhân tài, cần sửa!
Trong cuộc gặp giữa sinh viên với lãnh đạo TP.HCM hôm rồi, ý kiến của Quách Thanh Vịnh An - nữ sinh tốt nghiệp xuất sắc ngành quản trị - luật, lớp chất lượng cao Trường ĐH Luật TP.HCM - gây chú ý.
Trăn trở trước thông tin hơn 5 năm TP.HCM không thu hút được sinh viên xuất sắc vào làm việc trong các cơ quan nhà nước, An viện dẫn quy định tại nghị định 140 năm 2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, đào tạo cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ và cho rằng đó là yêu cầu quá cao.
Cùng với yêu cầu tốt nghiệp đại học xuất sắc, nghị định trên còn quy định sinh viên phải đạt một trong các yêu cầu: hoặc đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia, quốc tế khi là học sinh THPT; hoặc đoạt giải các cuộc thi kỹ thuật - khoa học cấp quốc gia, quốc tế khi học phổ thông hoặc đại học; hoặc đoạt giải cuộc thi Olympic các môn, chuyên ngành ở đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận.
Theo An, tiêu chuẩn như thế thậm chí vượt ngoài khả năng của đối tượng được thu hút. Ý kiến này tạo dư luận cho rằng có khắt khe hay bỏ lọt nhân tài không khi một thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc đã đủ minh chứng khả năng, cần chi những yêu cầu đi kèm!
Tuy vậy, thực tế bạn trẻ này chưa ứng tuyển vào bất kỳ cơ quan nhà nước hay đơn vị hành chính công nào. Chỉ là từ kết quả của bản thân, bạn không có các yêu cầu đi kèm khi "soi" vào nghị định ấy, thấy không hợp lý và lên tiếng trong một cuộc gặp chính thức.
Nhưng còn một điều khoản khác trong nghị định này ghi rõ Hà Nội và TP.HCM "ngoài việc thực hiện các chính sách quy định tại nghị định này còn được áp dụng cơ chế đặc thù theo quy định của pháp luật". Tức là vẫn có cơ chế mở với hai đô thị lớn nhất nước.
Thành ủy TP.HCM đã ban hành đề án 01 năm 2021 về hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai của TP.HCM giai đoạn 2020 - 2035 khá chi tiết. Vấn đề là vì lý do nào đó mà sinh viên, ngay cả những sinh viên giỏi và xuất sắc, tiếp cận với đề án này còn hạn chế hoặc không biết!
Câu chuyện khá rõ khi thông tin chưa đến được với rộng rãi đối tượng trẻ. Giá mà Vịnh An đã ứng tuyển, nộp hồ sơ và "bị" cơ quan nhà nước nào đó chối từ với những viện dẫn theo nghị định nói trên thì cuộc trao đổi có khi đã sòng phẳng hơn. Dĩ nhiên, phát biểu ấy rất đáng được hoan nghênh, ít ra cũng là sự đánh động cần thiết với nhà làm chính sách.
Bởi chính sách là để thực thi và phải đi vào cuộc sống. Nếu chỉ căn ke vào những quy định cứng nhắc mà thật sự bỏ lọt nhân tài, hẳn nhiên cần phải xem xét. Hoặc nếu chưa hợp lý, chưa phù hợp thực tiễn cuộc sống thì cần và phải sửa. Điều chỉnh một chính sách chưa hợp lý cho phù hợp và thực thi được đâu phải chưa từng có tiền lệ trước nay.
QUỐC LINH
Gần 100 sinh viên tiêu biểu của các trường đã đối thoại cùng lãnh đạo TP.HCM sáng 23-3, bàn nhiều câu chuyện thiết thân với sinh viên hiện nay.
Xem thêm: mth.86764039082303202-nauhc-ohc-oan-eht-iat-nahn-mit/nv.ertiout