Chỉ số đô la hoá từ mức 41,2% năm 1991…
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, một chuyên gia kinh tế cho biết, chính sách trần lãi suất tiền gửi USD ở mức 0%/năm có vai trò quan trọng trong việc giảm tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.
Tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán (FCD/M2) được sử dụng để đánh giá tình trạng đô la hóa nền kinh tế. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, khi tỷ lệ FCD/M2 trên 30% là bị đô la hóa trầm trọng.
Cuối những năm 1980, nền kinh tế Việt Nam sử dụng tương đối rộng rãi USD trong giao dịch, buôn bán và việc định giá bằng ngoại tệ hay vàng (kể cả đối với các giao dịch nhỏ) trong dân cư khá phổ biến. Nguyên do bởi người dân lo ngại lạm phát phi mã (ở mức 3 con số, đến năm 1991 vẫn rất cao là 67,5%), bên cạnh việc cất giữ, vận chuyển, thanh toán bằng đồng Việt Nam (VND) gặp khó khăn vì mệnh giá đồng tiền nhỏ, hệ thống thanh toán kém phát triển. Trong bối cảnh đó, tỷ lệ FCD/M2 lên đến 41,2% (năm 1991).
Giai đoạn 1993 - 1996, lạm phát chỉ khoảng 10%, tỷ giá ít biến động, việc nắm giữ VND tỏ ra có lợi hơn, nên mức độ đô la hóa giảm mạnh, tỷ lệ FCD/M2 năm 1997 là 22,9%. Nhưng tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á bắt nguồn từ Thái Lan vào tháng 7/1997 khiến VND giảm giá trị và Việt Nam tiếp tục chịu sức ép của tình trạng đô la hóa.
Theo đó, tiền học phí tại nhiều trường tư thục (không có yếu tố nước ngoài) cũng được niêm yết bằng USD và quy đổi sang VND. Tại các điểm phục vụ khách du lịch, việc thanh toán bằng USD diễn ra bình thường như bằng VND. Mua bán USD trên thị trường tự do rất công khai, thậm chí một hiệu vàng ở Hà Nội có thể huy động hàng triệu USD. Có ngân hàng 100% vốn nhà nước kinh doanh ngoại tệ thua lỗ hàng chục triệu USD…
Nhằm từng bước hạn chế tình trạng đô la hoá trong nền kinh tế, ngày 13/4/2011, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu áp dụng mức trần lãi suất huy động bằng USD tại các tổ chức tín dụng (1%/năm đối với các tổ chức kinh tế, 3%/năm đối với cá nhân) qua việc ban hành Thông tư 09/2011/TT-NHNN.
Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục giảm lãi suất USD từ mức 5,25%/năm tháng 4/2007 xuống mức thấp kỷ lục 0 - 0,25%/năm vào tháng 12/2008 và duy trì trong 7 năm sau đó, nhằm hỗ trợ nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng. Điều này khiến dòng vốn rẻ từ Mỹ chuyển đến các thị trường có lãi suất cao như Việt Nam để kiếm lợi thông qua kinh doanh chênh lệch lãi suất.
Với chủ trương chống đô la hoá của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã thực thi đồng bộ các giải pháp, trong đó có quy định trần lãi suất tiền gửi USD.
Để tiếp tục giải quyết tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, hạn chế những bất ổn do thị trường ngoại hối gây ra, Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất huy động USD xuống 0%/năm đối với cả tổ chức và cá nhân, kể từ ngày 18/12/2015. Quyết định này diễn ra sau 1 ngày Fed công bố tăng lãi suất 0,25%/năm, lên 0,25 - 0,5%/năm, cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã cân nhắc đến những hệ quả có thể xảy ra với chính sách mới.
Thực tế, việc giảm trần lãi suất huy động USD xuống 0%/năm mang lại kết quả tích cực. Dòng vốn USD dần dịch chuyển sang VND để tìm kiếm lãi suất cao hơn. Cụ thể, tiền gửi bằng USD tại các ngân hàng giảm dần, trong khi tiền gửi bằng VND tăng lên, trong bối cảnh tỷ giá và lạm phát được kiểm soát. Lượng tiền gửi bằng VND tăng mạnh giúp thanh khoản của các ngân hàng dồi dào, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, giúp các doanh nghiệp có điều kiện hạ giá thành sản xuất.
… giảm còn 6,7% tính đến tháng 2/2023
Hiện tại, vị chuyên gia kinh tế cho rằng, một người dân bình thường với khoản tiền khoảng 5.000 USD trở lên khi gửi tiết kiệm ở ngân hàng thương mại cổ phần có thể đàm phán để vẫn có một khoản lãi nhất định. Các doanh nghiệp cũng có cách riêng để lách quy định trần lãi suất huy động USD là 0%/năm nhằm gia tăng lợi nhuận.
“Tất nhiên, về phía các doanh nghiệp nói chung và đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài muốn được hưởng lợi nhuận đó một cách thuận lợi nên kiến nghị bỏ quy định trần lãi suất tiền gửi USD là điều dễ hiểu. Còn các ngân hàng, chắc chắn cũng không mong muốn phải tìm các cách lách quy định để giữ chân khách hàng. Cá nhân tôi đồng quan điểm cần bỏ quy định trần lãi suất tiền gửi USD, nhưng không phải thời điểm này”, vị chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.
Theo Ngân hàng Nhà nước, thực hiện chủ trương chống đô la hoá của Chính phủ, cơ quan này đã thực thi đồng bộ các giải pháp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thông qua các chính sách tiền tệ và quản lý ngoại hối. Trong đó, quy định trần lãi suất tiền gửi USD ở mức 0%/năm, điều hành tỷ giá linh hoạt, kết hợp với kiểm soát chặt chẽ tín dụng ngoại tệ và có lộ trình hạn chế cho vay ngoại tệ.
Các chính sách và giải pháp đồng bộ trong các năm qua đã góp phần giảm tình trạng đô la hóa, chuyển dần thói quen vay - gửi ngoại tệ của nền kinh tế sang quan hệ mua - bán, qua đó nâng cao vị thế VND (thông qua việc duy trì chênh lệch lãi suất giữa VND và USD, khuyến khích nắm giữ VND có lợi tức hấp dẫn hơn so với nắm giữ USD trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát ở mức thấp và ổn định, tỷ giá ổn định) và tăng quy mô dự trữ ngoại hối.
Với quy định lãi suất tiền gửi USD trong tổng thể giải pháp nêu trên, Ngân hàng Nhà nước đã và đang tạo cơ chế và động lực kinh tế để khuyến khích người dân và doanh nghiệp thay vì nắm giữ dưới dạng tiền mặt hoặc tiền gửi ngoại tệ chuyển sang bán lại ngoại tệ đó cho tổ chức tín dụng, hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ. Doanh nghiệp và các chủ thể trong nền kinh tế khi phát sinh nhu cầu ngoại tệ phục vụ sản xuất - kinh doanh và các nhu cầu hợp pháp đều được tổ chức tín dụng bán ngoại tệ kịp thời.
Đặc biệt, chỉ số đo lường mức độ đô la hóa của nền kinh tế tiếp tục giảm, từ mức 11,06% năm 2014 xuống khoảng 6,7% tính đến tháng 2/2023. Tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, tâm lý găm giữ ngoại tệ của tổ chức và dân cư giảm đáng kể đã góp phần chuyển hóa nguồn lực ngoại tệ vào phục vụ sản xuất - kinh doanh và tạo nguồn cung tăng quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước.
“Trong điều kiện hiện nay, chính sách lãi suất 0%/năm đối với tiền gửi bằng USD vẫn đang phát huy tác dụng tích cực. Do đó, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chủ động theo dõi sát diễn biến kinh tế, thương mại, tài chính trong và ngoài nước để có các giải pháp điều hành các công cụ chính sách tiền tệ phù hợp”, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV
Nâng lãi suất tiết kiệm USD có thể sẽ hỗ trợ tăng tính hấp dẫn gửi tiền tiết kiệm bằng USD của cả doanh nghiệp (trong đó có doanh nghiệp FDI) và người dân, góp phần làm giảm hiện tượng chuyển USD ra bên ngoài gửi tiền để hưởng lãi suất. Tuy nhiên, kiến nghị nâng lãi suất USD cần phải được xem xét thận trọng vì rõ ràng có cái được, nhưng cũng có nhiều cái bất lợi.
Thứ nhất, không thể phủ nhận việc giữ lãi suất tiết kiệm USD ở mức 0%/năm trong gần 8 năm qua về cơ bản đã đạt được một số kết quả tích cực, nhất là trong chính sách chống đô la hóa, giảm mạnh tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, qua đó góp phần chuyển hóa một phần nguồn lực USD vào nền kinh tế, góp phần ổn định thị trường ngoại hối, hỗ trợ kiểm soát lạm phát.
Thứ hai, thời gian tới, dự kiến một số ngân hàng trung ương bắt đầu đảo chiều chính sách như Fed có khả năng chỉ tăng lãi suất 1 lần nữa trong năm nay và dừng lại, thậm chí có thể giảm lãi suất từ đầu năm 2024. Theo đó, chênh lệch lãi suất USD giữa Việt Nam và các nước thu hẹp lại. Chính vì vậy, việc tính toán cần nhìn xa hơn, chứ không nên vì một thời điểm hay một số doanh nghiệp mà thay đổi chính sách một cách toàn diện.
Thứ ba, trong bối cảnh thị trường tài chính - tiền tệ hiện nay có nhiều rủi ro, biến động, nên việc đưa ra một chính sách mới cần đánh giá kỹ lưỡng và phù hợp. Chẳng hạn, có thể có một số doanh nghiệp FDI đã găm giữ và chuyển một phần lợi nhuận bằng USD ra nước ngoài để hưởng lãi suất cao hơn, nhưng phải rà soát xem số lượng là bao nhiêu, nhiều hay ít…
Ngược lại, nếu duy trì quy định lãi suất huy động USD là 0%/năm, thì cần đảm bảo doanh nghiệp trong nước và nước ngoài (FDI) luôn có thể tiếp cận nguồn vốn USD một cách chính đáng, đầy đủ, kịp thời; khi đó, quan ngại về lãi suất tiền gửi USD bằng 0%/năm sẽ giảm.