Ngày 28-3, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA công bố một mẫu đầu đạn hạt nhân mới mang tên Hwasan-31 nhỏ gọn và được đánh giá có uy lực mạnh hơn, cho biết Triều Tiên sẽ tăng sản xuất nguyên liệu hạt nhân cấp độ vũ khí để mở rộng kho vũ khí.
Các chuyên gia cho rằng từ những hình ảnh KCNA cung cấp, có thể thấy được sự tiến bộ của Triều Tiên trong việc thu nhỏ đầu đạn để gắn vào tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, chúng nhỏ nhưng có đủ sức mạnh để đối phó với Mỹ.
Giáo sư danh dự về kỹ thuật hạt nhân đại ĐH Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) - ông Kune Y. Suh cho biết: “So với phiên bản năm 2016, đầu đạn hạn nhân mới này dường như có sức tấn công mạnh hơn trong một không gian nhỏ hơn. Điều đó thật đáng lo ngại".
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) thị sát đầu đạn hạt nhân Hwasan-31 ngày 27-3. Ảnh: AFP |
Cựu sĩ quan hải quân Hàn Quốc giảng dạy tại ĐH Kyungnam (Hàn Quốc) - ông Kim Dong-yup cho biết rất có thể các đầu đạn được thiết kế nhỏ, nhẹ và tiêu chuẩn hóa để sử dụng với ít nhất 8 phương tiện vận chuyển khác nhau, bao gồm cả tên lửa và tàu ngầm.
Trước đó, vào ngày 27-3, lãnh đạo Kim Jong-un đến thăm Viện Vũ khí Hạt nhân để kiểm tra vũ khí hạt nhân chiến thuật mới, công nghệ lắp đầu đạn vào tên lửa đạn đạo và các kế hoạch phản công hạt nhân.
KCNA cho biết ông Kim Jong-un đã ra lệnh sản xuất các vật liệu hạt nhân cấp vũ khí để tăng cường kho vũ khí hạt nhân "theo cấp số nhân" và nâng cấp sức tấn công của các loại vũ khí
Ông cho biết chính sách mở rộng kho vũ khí chỉ nhằm mục đích bảo vệ đất nước cũng như hòa bình và ổn định khu vực.
Ông Kim cũng được thông báo về hệ thống quản lý vũ khí hạt nhân tích hợp dựa trên công nghệ thông tin có tên Haekbangashhoe, nghĩa là "bộ kích hoạt hạt nhân".
Ngày 24-3, Triều Tiên cũng thử nghiệm một máy bay không người lái (UAV) dưới nước (được gọi là Haeil-1) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, đã bay dọc 600 km trong 41 giờ trước khi tiếp cận mục tiêu.
Phát ngôn viên của quân đội Hàn Quốc cho biết cần có thêm các cuộc kiểm tra để xác minh xem các đầu đạn mới của Triều Tiên có thể triển khai được hay không. Ngoài ra, phía Hàn Quốc cũng cho rằng những báo cáo về UAV dưới nước rất có thể là "phóng đại và bịa đặt".
Cũng trong ngày 27-3, nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đã có cuộc tập trận chung với quân đội Hàn Quốc, theo hãng tin AP.
Máy bay F-18 Super Hornet của Hải quân Mỹ trên sàn đáp tàu sân bay USS Nimitz trong cuộc tập trận Mỹ-Hàn ngoài khơi Hàn Quốc vào ngày 27-3. Ảnh: BLOOMBERG. |
Ngày 28-3, tàu sân bay USS Nimitz dẫn đầu nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đã cập cảng căn cứ hải quân Busan (Hàn Quốc), theo hãng tin Reuters.
Chỉ huy nhóm tàu sân bay tấn công USS Nimitz - Chuẩn Đô đốc Christopher Sweeney cho biết các tàu của ông đã chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ tình huống bất ngờ nào, đồng thời khẳng định không tìm kiếm xung đột mà chỉ đảm bảo hoà bình và an ninh khu vực.
Ở phía ngược lại, Triều Tiên cho rằng các cuộc tập trận, đặc biệt là những cuộc tập trận có sự tham gia của tàu sân bay, là "diễn tập xâm lược", giống như "một lời tuyên chiến công khai" và chuẩn bị cho một "cuộc tấn công phủ đầu" chống lại Triều Tiên, theo tờ Rodong Sinmun.