Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông là dự án sử dụng vốn ODA của Trung Quốc. Vì thế, Việt Nam buộc phải chọn tổng thầu EPC là công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Trung Quốc. Đây là công ty chuyên về xây lắp, chưa từng làm tổng thầu trong lĩnh vực đường sắt đô thị.
Vì thế, thời gian thực hiện dự án dự kiến từ tháng 8/2008 đến tháng 11/2013 nhưng thực tế đã kéo dài 10 năm từ tháng 10/2011 đến tháng 11/2021. Tổng vốn của dự án cũng tăng từ mức 8.769 tỷ đồng lên mức 18.000 tỷ đồng vào năm 2017. Khi nhận bàn giao dự án Cát Linh - Hà Đông, Hà Nội vẫn phải nhận khoản vay lên tới 2.200 tỷ đồng.
Chậm tiến độ, thi công yếu kém, nhiều lần xảy ra tai nạn, Bộ Giao thông Vận tải nhiều lần muốn thay nhà thầu nhưng không thể vì đây là điều khoản nằm trong Hiệp định giữa 2 nước. Trung Quốc tài trợ vốn nên sẽ đưa nhà thầu về tư vấn thiết kế, giám sát, thi công, cung cấp nguyên vật liệu ...
Sau nhiều lần thiếu vốn, chậm tiến độ, dự án cơ bản được hoàn thành nhưng lại tiếp tục gặp rắc rối khi liên danh tư vấn của Pháp đánh giá tuyến Cát Linh - Hà Đông theo tiêu chuẩn châu Âu nhưng nó lại được xây dựng theo tiêu chuẩn Trung Quốc. Các nhà ga trong tình trạng cửa đóng then cài, phủ bụi theo thời gian.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông vô tình trở thành mái che mưa nắng cho người đi đường. Người dân tận dụng khoảng đất bên dưới để trồng rau, nuôi chó.
Tuy nhiên, đến ngày 6/11, dự án đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội được bàn giao và đi vào hoạt động chính thức, giải toả "cơn khát tàu điện" 10 năm của người dân thủ đô.
Một ví dụ khác là dự án xây dựng cao tốc Nội Bài - Lào Cai có tổng chiều dài là 245 km đi qua Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai. Dự án được chia làm 8 gói thầu xây lắp với tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng. 6/8 gói thầu do nhà thầu Hàn Quốc thực hiện, còn lại do công ty Cầu đường Quảng Tây (Trung Quốc) đảm nhận.
Dự án khởi công năm 2009, dự kiến thông xe năm 2012 nhưng bị chậm tiến độ 2 năm. Bên cạnh nguyên nhân chậm giải phóng mặt bằng, đại diện cơ quan tư vấn giám sát chỉ ra vấn đề do nhà thầu nhà thầu chính thuê các nhà thầu phụ yếu kém.
Tại dự án cao tốc này, trong khi tập đoàn Doosan (Hàn Quốc) thuê 20 nhà thầu phụ thì công ty Cầu đường Quảng Tây chỉ thuê 3 thầu phụ và tự triển khai nhiều hạng mục. Các nhà thầu phụ thường thuê lao động địa phương có tay nghề thấp, thậm chí là nông dân để làm đường.
Bên cạnh đó, chúng ta có dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng mức đầu tư ban đầu là 24.556 tỷ đồng nhưng sau đó đã tăng lên đến 45.522 tỷ đồng do thay đổi thiết kế, lạm phát, giá nguyên vật liệu thay đổi do thời gian thi công kéo dài.
Tuyến cao tốc có chiều dài 105,5km từ đường vành đai 3 qua Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng. Dự án có 10 gói thầu trong đó có 3 gói thầu do các công ty Trung Quốc đảm nhận. Các nhà thầu này có năng lực tài chính kém. Theo điều khoản hợp đồng, các nhà thầu phải dùng vốn lưu động để dự trữ vật liệu.
Tuy nhiên các nhà thầu không huy động đủ vốn lưu động mà chủ yếu dựa vào nguồn thanh toán hằng tháng của nhà đầu tư. Điều này dẫn đến tình trạng không thanh toán kịp công nợ cho các nhà thầu phụ, nhà cung cấp vật liệu, thiết bị, nhân công diễn ra phổ biến. Cũng vì lý do này, các nhà thầu chính không thuê được thầu phụ có chất lượng, hoặc nhà thầu phụ tự ý dừng thi công dẫn đến chậm tiến độ công trình.
Việt Hùng-Thiên Sơn
Doanh nghiệp tiếp thị