Thông tin trên được Trung tướng Tô Ân Xô - người phát ngôn Bộ Công an - cho biết tại buổi họp báo quý 1 của Bộ Công an chiều 28-3.
Theo ông Xô, công an 32 địa phương đã khởi tố 64 vụ án, 506 bị can về 7 tội danh khác nhau liên quan tiêu cực đăng kiểm.
"Nhóm nghi phạm vụ tiêu cực đăng kiểm này đã trục lợi chính sách để hưởng lợi cá nhân với số tiền rất lớn", Trung tướng Xô thông tin.
Cũng theo ông Xô, kết quả điều tra xác định từ năm 2018 - 2022, các nghi phạm là lãnh đạo trung tâm đăng kiểm và đăng kiểm viên đã câu kết với 73 công ty thiết kế, cải tạo có trụ sở ở 18 tỉnh thành để kiểm định cho gần 40.000 xe.
"Trong số này có nhiều xe không đủ điều kiện nhưng vẫn được cấp giấy phép. Việc này khiến các phương tiện không đạt điều kiện nhưng vẫn được kiểm định, làm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, gây nguy hiểm cho xã hội", ông Xô nhấn mạnh.
Về lý do ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm sau khi tiêu cực ở lĩnh vực này tại nhiều tỉnh thành bị phanh phui, ông Xô cho biết để giải quyết, tổ công tác đăng kiểm của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đã tăng cường trợ giúp trong những ngày qua.
Thông tin thêm về các sai phạm đăng kiểm được công an điều tra, ông Xô thông tin: "Theo quy định thì đăng kiểm phải thực hiện ở năm công đoạn với 55 hạng mục kiểm tra. Tuy nhiên, trước đây xe đi vào chỉ kiểm tra một vài công đoạn rồi đăng kiểm viên lấy tiền là xong. Hiện nay phải làm đủ quy trình với 55 hạng mục nên ùn tắc là điều không tránh khỏi".
Từ những kết quả điều tra thời gian qua, Bộ Công an đánh giá công tác quản lý nhà nước về đăng kiểm bị buông lỏng trong quy hoạch, dẫn đến mất cân đối giữa số lượng trung tâm đăng kiểm và lượng xe cơ giới.
"Vì lợi nhuận cao, nên các trung tâm đăng kiểm mọc lên như nấm. Từ đó, nhiều trung tâm không có khách nên đành hạ giá, nhận hối lộ để làm thủ tục nhanh nhằm cạnh tranh nhau.
Hơn nữa, Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đăng kiểm vừa quản lý trung tâm nên dễ dẫn đến các tiêu cực", ông Xô nói.
Từ tháng 12-2022 Công an TP.HCM khám xét hàng loạt trung tâm đăng kiểm ở TP.HCM và nhiều tỉnh miền Tây. Công an TP.HCM điều tra hơn 15 trung tâm đăng kiểm, khởi tố hơn 90 người, trong đó có hai cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam là Đặng Việt Hà và Trần Kỳ Hình.
Tiếp đó Công an Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh và nhiều địa phương cũng khởi tố hàng chục vụ án và hàng trăm đăng kiểm viên.
Thủ đoạn của các đăng kiểm viên là nhận tiền từ 50.000 - 200.000 đồng với những xe không có lỗi muốn được đăng kiểm nhanh gọn.
Với những xe có lỗi như xe thiếu dây đai ghế sau, thiếu búa phá cửa, thiếu gạt mưa, đổi màu sơn, hỏng một đèn phanh, lốp mòn..., đăng kiểm viên yêu cầu đưa thêm từ 100.000 đồng trở lên, tùy theo lỗi.
Sau khi công an điều tra sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, do thiếu đăng kiểm viên nên nhiều nơi phải đóng cửa và xảy ra tình trạng ùn tắc. Người dân phải khổ sở xếp hàng, trực đêm nhiều ngày tại các trung tâm đăng kiểm chờ đăng kiểm xe.
Sau 6 ngày nhận 'ghế nóng' cục trưởng Cục Đăng kiểm, chiều 16-3, tân Cục trưởng Nguyễn Chiến Thắng có trao đổi với Tuổi Trẻ Online về một số vấn đề của ngành đăng kiểm đang đối mặt và phương hướng sắp tới.