vĐồng tin tức tài chính 365

Tại sao vẫn khan hiếm thuốc giải độc?

2023-03-29 06:51
Bệnh nhân điều trị tại khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy do bị rắn cắn - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bệnh nhân điều trị tại khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy do bị rắn cắn - Ảnh: DUYÊN PHAN

Mới đây đã xuất hiện ba chùm ca bệnh ngộ độc botulinum, các chuyên gia về y tế ngại trong thời gian tới nếu xảy ra các vụ ngộ độc tương tự sẽ khó khăn để tìm thuốc giải.

Hiện nay phần lớn các cơ sở y tế không có đơn vị hoặc khoa chống độc riêng mà lồng ghép chung trong các khoa hồi sức tích cực. Không ít các trường hợp ngộ độc cấp không được phát hiện.

TS QUỐC HÙNG

Khan hiếm thuốc giải độc kéo dài

Năm 2020, Việt Nam ghi nhận nhiều ca ngộ độc botulinum do pate chay rải rác khắp các địa phương nhưng không có thuốc giải.

Tổ chức Y tế thế giới đã hỗ trợ khẩn cấp hai lọ thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) dùng giải độc tố Clostridium botulinum từ Thái Lan về Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Sau đó, tiếp tục viện trợ 10 lọ cho nước ta.

Đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Chợ Rẫy và các bệnh viện phía Nam chỉ còn năm lọ thuốc giải độc tố này và cả năm lọ thuốc này đều đã chuyển hết đến Quảng Nam cứu các bệnh nhân bị ngộ độc botulinum sau khi ăn cá chép muối ủ chua.

Một số chuyên gia bày tỏ việc quan trọng nhất hiện nay là ngăn chặn các ca ngộ độc botulinum, vì sẽ rất khó khăn để tìm thuốc giải.

Theo TS Lê Quốc Hùng - trưởng đơn vị hồi sức chống độc Bệnh viện Chợ Rẫy, loại thuốc có tên BAT rất quý hiếm không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu, có giá hơn 8.000 USD/lọ. Độc tố botulinum có bảy type gồm A, B, C, D, E, F, G. Thế giới hiện có ba loại thuốc giải độc tố này. Hai loại có tác dụng với một số type nhất định, riêng thuốc BAT có thể giải độc cho cả bảy type.

Khi có nạn nhân ngộ độc cấp, nếu chờ tìm ra type vi khuẩn mới chọn thuốc giải phù hợp sẽ rất mất thời gian.

Nhiều cơ sở y tế phải chuyển mẫu đến đơn vị có năng lực để thực hiện xét nghiệm. Việc chờ đợi có thể ảnh hưởng đến sự sống người bệnh. Vì thế, thuốc BAT rất hữu hiệu với tình huống ngộ độc botulinum, sử dụng cho bất kỳ type nào. Tuy nhiên, BAT chỉ có một công ty tại Canada sản xuất, quý hiếm và đắt đỏ trên toàn thế giới.

Không có huyết thanh giải độc

Trước đó, không ít trường hợp bệnh nhi tử vong do bị rắn cắn nhưng lại không có huyết thanh giải độc. Điển hình trường hợp của bé N.N. (4 tuổi, Phú Yên) vào giữa năm qua, bé bị rắn cạp nia cắn và được chuyển đến Bệnh viện Sản - nhi Phú Yên điều trị. Thế nhưng, bệnh viện này không có huyết thanh kháng nọc rắn và liên hệ cả Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 nhưng đều không có, bé đã tử vong.

Mới đây, tại hội nghị quốc tế về bệnh lý nhiễm độc, TS Quốc Hùng cho biết số lượng bệnh nhân bị rắn độc cắn đang gia tăng theo thời gian. Nếu như năm 2010-2011 ghi nhận dưới 300 ca thì năm 2018-2021 tăng hơn 700 ca.

Trong đó, có tám loài rắn độc cắn người, bốn loại thường gặp nhất là rắn lục xanh, chàm quạp, hổ mèo và hổ đất. Số bệnh nhân bị rắn hổ chúa và rắn sải cổ đỏ cắn chỉ dưới 5% nhưng tình trạng nhiễm độc nặng, tử vong cao.

Thế nhưng, Việt Nam đến nay chỉ chủ động sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn lục xanh và rắn hổ đất. Huyết thanh kháng rắn chàm quạp khan hiếm do nhập khẩu khó khăn. Việc này khiến số lượng tử vong vì rắn cắn có thể tăng hơn. Do đó, cần phải nghiên cứu và sản xuất các loại huyết thanh khác.

Vẫn chờ trung tâm dự trữ các loại thuốc hiếm

Theo lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, tình trạng thiếu một số thuốc giải độc thuộc danh mục thuốc hiếm đã diễn ra nhiều năm nay tại các bệnh viện trong cả nước.

Nhiều vụ ngộ độc clostridium botulinum hay bị rắn cạp nia cắn, ngộ độc asen, thủy ngân... một năm chỉ gặp một số ca.

Trong khi đó, các thuốc giải độc này nằm trong danh mục thuốc hiếm, các công ty nhập khẩu, kinh doanh rất ít dự trữ. Hiện cả nước chưa có kho hay trung tâm nào dự trữ các thuốc hiếm cố định.

TS Quốc Hùng cũng cho rằng việc không có trung tâm lưu trữ các loại thuốc giải độc quý hiếm dẫn tới thiếu hoặc lãng phí. Ngoài ra, việc nghiên cứu khoa học, chủ động sản xuất các loại thuốc giải độc chưa đáp ứng được nhu cầu.

"Do đó, cần phải thảo luận về sự phối hợp điều chuyển các loại thuốc giải độc quý hiếm trên quy mô toàn quốc, phối hợp nghiên cứu khoa học với các trung tâm chống độc ngoài nước để đào tạo được bác sĩ trẻ chuyên về hồi sức chống độc", TS Quốc Hùng cho hay.

Đang xây dựng danh mục thuốc hiếm

Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc xây dựng trung tâm dự trữ thuốc hiếm để điều trị nhiễm độc, đại diện Cục Quản lý dược cho biết đang phối hợp với Cục Quản lý khám, chữa bệnh xây dựng danh mục thuốc.

"Sau khi rà soát, xây dựng danh mục thuốc hiếm này, Bộ Y tế sẽ đề xuất với Chính phủ để có cơ chế đặc thù đối với việc mua sắm, dự trữ một số loại thuốc hiếm đảm bảo nhu cầu điều trị" - đại diện Cục Quản lý dược khẳng định.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết các thuốc giải độc là các thuốc quan trọng nhưng thường thuộc danh mục thuốc hiếm, có nhu cầu sử dụng rất ít và chỉ sử dụng theo chỉ định đặc biệt ở một số cơ sở y tế.

Các thuốc này không sẵn có về nguồn cung ứng trên phạm vi toàn thế giới, chính vì vậy tại Bộ Y tế đã có quy định, hướng dẫn về thuốc hiếm và nhập khẩu đối với thuốc hiếm, thuốc cho nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh.

"Để có thể đảm bảo có các thuốc hiếm phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, các cơ sở khám chữa bệnh phải hết sức chủ động và có kế hoạch kịp thời trong việc xác lập nhu cầu, phối hợp chặt chẽ với cơ sở cung ứng, cơ sở nhập khẩu thuốc", đại diện Cục Quản lý dược nói.

Bao giờ hết thiếu thuốc giải độc?Bao giờ hết thiếu thuốc giải độc?

TTO - Tình trạng thiếu thuốc giải độc liên tục xảy ra gần đây trên cả nước như huyết thanh kháng độc rắn, giải độc tố botulinum… Mới đây nhất là Bệnh viện Bạch Mai đang thiếu nhiều loại thuốc trong danh mục thuốc giải độc.

Xem thêm: mth.97284232282303202-cod-iaig-couht-meih-nahk-nav-oas-iat/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tại sao vẫn khan hiếm thuốc giải độc?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools