vĐồng tin tức tài chính 365

Các thành phố lớn trên thế giới tìm cách “sống chung” với lũ lụt

2023-03-29 19:01
Các thành phố lớn trên thế giới tìm cách “sống chung” với lũ lụt - Ảnh 1.

Con đường "bọt biển" ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Các bề mặt thấm nước cho phép nước thấm vào lòng đất. Ảnh: dw.com

Giải quyết vấn đề lũ lụt là một bài toán khó đối với các thành phố trên thế giới. Quá ít nước sẽ dẫn đến tình trạng khô cằn, trong khi quá nhiều nước có thể gây ra lũ lụt chết người, cuốn trôi nhà cửa và ảnh hưởng đến sinh kế.

Lũ lụt nghiêm trọng vào năm ngoái đã gây thiệt hại nặng nề tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Nigeria, Pakistan và Australia.

Dự báo tình hình có thể tồi tệ hơn khi nhiều thành phố lớn nhất châu Á được cho là sẽ bị nước nhấn chìm vào cuối thế kỷ này, trong khi mực nước tại các bờ biển của Mỹ có thể dâng cao từ 25-30cm vào năm 2050.

Để phòng, chống nguy cơ lũ lụt, các thành phố thường có xu hướng bê tông hóa và biến các công trình thành các "cơ sở hạ tầng xám", như xây đập, đê, kè...

Bà Elisa Palazzo, giảng viên cao cấp tại trường Môi trường Xây dựng thuộc Đại học New South Wales (UNSW), Australia, đánh giá cách tiếp cận này hiệu quả nếu có thể dự đoán mức độ lũ lụt.

Tuy nhiên, với điều kiện khí hậu khó lường hiện nay, việc bêtông hóa để chống lũ còn tồn tại một số hạn chế.

Trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu tiếp tục đe dọa các thành phố và định hình lại các đường bờ biển, nhiều khu vực đô thị dễ bị tổn thương do bão lũ đang thử nghiệm biện pháp khác, trong đó đưa một lượng nước lũ phù hợp vào kết cấu của thành phố.

Tại Thái Lan, kiến trúc sư Kotchakorn Voraakhom, người sáng lập công ty kiến trúc cảnh quan Landprocess, đã đưa ra giải pháp xây công viên Centenary tại Đại học Chulalongkorn, ở trung tâm thủ đô Bangkok.

Lấy cảm hứng từ cách khỉ dùng má để trữ thức ăn phòng khi đói, bà Voraakhom đã thiết kế công viên Centenary như một "túi chứa nước" cho Bangkok.

Hoàn thành vào năm 2017, công viên rộng 4,5ha được xây dựng trên một sườn dốc, có chức năng dẫn nước qua các khu vườn và vùng đất ngập nhân tạo, sau đó đưa vào một ao chứa.

Ngoài ra, các bể ngầm được xây dựng bên dưới công viên có thể chứa tới 605m3 nước. Tổng cộng công viên này có thể trữ tới hơn 3.700m3 nước.

Không chỉ có chức năng trữ nước, không gian xanh của công viên còn có thể giúp giảm ô nhiễm không khí và giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị tại các thành phố dày đặc bêtông giữ nhiệt.

Trong khi đó, là một nước thường xuyên hứng chịu cả hạn hán và lũ lụt, nhiều năm qua Trung Quốc đã và đang áp dụng mô hình "thành phố bọt biển".

Ý tưởng này cho phép lượng nước dư thừa thấm xuống đất và chảy ra ngoài qua các thiết kế tập trung vào môi trường như vườn, mái nhà xanh, vùng ngập và vỉa hè thấm nước.

Năm 2015, Chính phủ Trung Quốc công bố kế hoạch thí điểm mô hình này tại 16 thành phố, sau trận lụt nghiêm trọng ở thủ đô Bắc Kinh năm 2012 khiến gần 80 người thiệt mạng.

Người tiên phong cho các dự án "thành phố bọt biển" tại Trung Quốc, Giáo sư - kiến trúc sư Kongjian Yu, cho biết trong khi nhiều thành phố chống lũ như "kẻ thù", thì các "thành phố bọt biển" lại "sống chung với lũ", cung cấp thêm không gian cho lũ.

Công viên sông Yongxing ở Bắc Kinh là một trong nhiều dự án áp dụng mô hình "thành phố bọt biển" của ông Yu.

Trước đây, Yongxing là một kênh thoát nước bằng bêtông, Giáo sư Yu đã biến nó thành "dòng sông bọt biển", được thiết kế để quản lý nước lũ và lọc nước mưa.

Đáng chú ý, công viên còn có nhiều con đường trồng cây và cả sân chơi cho trẻ và sân chơi thể thao.

Hà Lan, quốc gia có hơn 30% diện tích nằm dưới mực nước biển, cũng đang cố gắng "hợp tác" với nước thông qua việc xây dựng các công trình trị thủy độc đáo, có thể nổi trên mặt nước.

Rotterdam là thành phố có nhà máy sữa nổi đầu tiên trên thế giới, khai trương vào năm 2019, cùng các công viên nổi làm từ rác thải, thậm chí là cả tòa văn phòng nổi.

Trong những năm qua, ý tưởng về việc xây dựng các căn nhà nổi đang dần thu hút được sự chú ý. Tại khu phố Schoonschip ở phía Bắc thủ đô Amsterdam, công ty kiến trúc Space&Matter cũng đã thiết kế một cộng đồng gồm 30 ngôi nhà trên mặt nước. Việc xây dựng được hoàn thành vào năm 2021 và hiện là nơi sinh sống của hơn 100 cư dân.

Được xây bằng khung gỗ và cách nhiệt bằng vải bố và rơm, những ngôi nhà được trang bị máy bơm nhiệt và tấm pin Mặt Trời. Vườn trên mái giúp làm dịu không khí vào mùa Hè và hấp thụ nước mưa.

Ngoài ra, Space&Matter còn cho xây dựng các cầu tàu linh hoạt kết nối các ngôi nhà với nhau và với đất liền, được thiết kế lên, xuống theo dòng nước.

Ông Tom Kolnaar, Giám đốc truyền thông của Space&Matter, cho biết khu phố Schoonschip có thể được xem là một hình mẫu về cách đối phó với nước lũ của các vùng ven biển và đồng bằng dễ bị tổn thương.

Theo ông, thay vì ngăn chặn mực nước biển dâng cao, tốt hơn hết là nên thích nghi và coi đây như một đặc điểm riêng của đô thị.

Tuy nhiên, ông Kolnaar cũng cho rằng những thiết kế này chỉ có thể chịu được sự thay đổi của mực nước trong vài thập niên tới, sau đó sẽ cần thêm hỗ trợ về cơ sở hạ tầng để đối phó với những hiểm họa sau này.

Ở Đan Mạch, sau trận mưa bão lịch sử năm 2011 gây thiệt hại 1 tỷ USD, chính quyền thủ đô Copenhagen đã tăng cường kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu.

Công viên Enghavenparken là một trong những khu vực được thành phố này sử dụng để chứa nước sau các trận mưa lớn. Công viên Enghavenparken có từ năm 1928, được công ty kiến trúc Tredje Natur thiết kế lại để chuẩn bị cho khả năng xảy ra nhiều hiện tượng khí hậu khắc nghiệt hơn trong tương lai.

Nằm dưới chân một ngọn đồi, công viên lấy ý tưởng từ các khoang chứa nước. Một sân khúc côn cầu bằng bêtông đã được hạ thấp 3m, đánh dấu điểm khởi đầu để chứa nước lũ, sau đó là vườn hoa hồng trũng và cuối cùng là chảy ra hồ. Một bức tường bằng các cây cổ thụ bao quanh công viên cũng sẽ có nhiệm vụ giữ nước.

Ngoài ra, công viên cũng có các lưu vực ngầm thu nước mưa từ khu lân cận. Nếu xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan trong 100 năm tới, công viên rộng 3,5ha này có thể chứa đầy nước trước khi nước lũ rút để có thể xả nước vào hệ thống cống rãnh. Công viên có thể xử lý khoảng 22.700m3 nước.

Tại Maldives, một trong những quốc gia trên thế giới chịu nhiều rủi ro nhất từ khủng hoảng khí hậu, với hơn 1.000 hòn đảo cao hơn mực nước biển chưa đến 1m, mối đe dọa từ lũ lụt cùng với nhu cầu phát triển nhà ở đã thúc đẩy chính phủ hợp tác với nhà phát triển Dutch Docklands xây dựng một thành phố nổi mới có tên Waterstudio.

Theo kế hoạch, dự án sẽ được thực hiện vào cuối năm nay và dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2028. Đây là một thành phố công nghệ nhưng lại mang dáng vẻ của một làng chài cổ.

Nằm trên một đầm phá cách thủ đô Male khoảng 10 phút đi thuyền, thành phố được tạo thành từ một loạt cấu trúc nổi được đóng tại địa phương và đưa xuống nước qua các cột ống lồng, cho phép thành phố lên xuống theo sóng và đối phó với mực nước biển dâng cao.

Thành phố sẽ cung cấp không gian cho người dân, trong khi đảm bảo đủ ánh sáng Mặt Trời chiếu xuống đáy biển để không gây tác động xấu tới môi trường sinh vật biển./.



Xem thêm: mth.96615345192303202-tul-ul-iov-gnuhc-gnos-hcac-mit-ioig-eht-nert-nol-ohp-hnaht-cac/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Các thành phố lớn trên thế giới tìm cách “sống chung” với lũ lụt”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools