Hội thảo thu hút sự tham dự của các tổng công ty và công ty nhà nước của TP.HCM.
Cần quy chế lựa chọn nhà thầu hiệu quả
Tại hội thảo, nhiều ý kiến băn khoăn về các vướng mắc của doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện đấu thầu mua sắm, chọn dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đại diện pháp chế của một doanh nghiệp nhà nước kinh doanh dược phẩm cho hay năm 2021 khi dịch COVID-19 cao điểm, công ty này mua sắm kit xét nghiệm phục vụ xét nghiệm hằng ngày cho nhân viên tại nhà máy sản xuất thuốc. Đến năm 2022, khi cơ quan thanh tra vào kiểm tra thì nhận định công ty đã thiếu sót vì không thông qua đấu thầu.
Khắc phục theo kiến nghị của của cơ quan thanh tra, công ty đã ban hành quy chế về đấu thầu. Tuy nhiên lại phát sinh vướng mắc vì các nguyên liệu sản xuất thuốc có đăng ký với Bộ Y tế kêu gọi đấu thầu nhưng không có đơn vị tham dự, khiến cho hoạt động sản xuất của nhà máy bị đình trệ nhiều tháng.
"Trước tình hình đó, lãnh đạo công ty giải quyết bằng cách cho mua trực tiếp với nhà cung cấp nguyên liệu nhưng lại sợ vi phạm Luật đấu thầu. Ngay cả việc mua sắm trang phục, công cụ lao động cho nhân viên, hay gói khám sức khỏe... cũng không có đơn vị tham dự thầu nên công ty cũng định áp dụng phương án lựa chọn giá cạnh tranh, nhưng lại cũng sợ vi phạm...", vị đại diện băn khoăn.
Gợi ý giải pháp, ông Trần Văn Biên khuyên các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước xây dựng quy chế lựa chọn nhà thầu bao quát toàn diện được các nhu cầu về nguyên, nhiên liệu, dịch vụ, mua sắm thường ngày, kể cả các nguyên liệu, công cụ có tính đặc thù phục vụ sản xuất, kinh doanh của công ty.
"Doanh nghiệp cần có quy chế lựa chọn nhà thầu hiệu quả, toàn diện và thực hiện theo đó. Quy chế nên có quy định trường hợp không có nhà thầu tham gia đấu thầu thì doanh nghiệp có thể lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt...", ông Biên gợi mở.
Cần rạch ròi doanh nghiệp nhà nước?
Một ý kiến cũng được nêu ra nhiều tại hội thảo là cần rạch ròi định nghĩa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước, để áp dụng các quy định pháp luật liên quan.
Hiện Luật doanh nghiệp (2020) quy định doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Trong khi doanh nghiệp có vốn nhà nước được quy định rải rác, và còn có độ "vênh" trong các luật khác như Luật đầu tư công, Luật ngân sách, Luật đấu thầu, Luật quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Luật quản lý tài sản công...
"Các doanh nghiệp nhà nước đang gặp rất nhiều vướng mắc khi thực hiện chặt chẽ theo quy định Luật đấu thầu nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh...", ông Vũ Ngọc Nam, phó tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn, nêu.
Hiện nay các cơ quan chức năng đang nghiên cứu để có hướng thống nhất các quy định liên quan đến doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Theo Sách trắng 2022, tính đến cuối 2020, cả nước hiện có 1.963 doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động. Trong đó, số doanh nghiệp nhà nước 100% vốn nhà nước là 918/1.963 doanh nghiệp.
Còn theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, đến nay TP có 47 doanh nghiệp nhà nước 100% vốn nhà nước, gồm 11 tổng công ty như SAGRI, SAWACO, SAMCO, SATRA, CNS, RESCO, HFIC, SGCC, Tổng công ty Bến Thành, Saigontourist, Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn TNHH MTV.
Đến nay, TP.HCM có 63 doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa hoặc đã có quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa.
Nhìn vào bức tranh đầu tư của 19 doanh nghiệp nhà nước những năm qua mới giật mình khi thấy có rất ít dự án, công trình được khởi công. Thực tế thật đáng buồn nếu đặt cạnh nguồn lực khổng lồ mà khối này đang nắm giữ.
Xem thêm: mth.90191933192303202-uaht-ahn-nohc-aul-ihk-cam-gnouv-coun-ahn-peihgn-hnaod-oas-iv/nv.ertiout