Trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, ông CAO THANH BÌNH - trưởng Ban văn hóa xã hội, HĐND TP.HCM - cho biết: Ban văn hóa xã hội đang làm việc với Sở GD-ĐT TP.HCM và các đơn vị liên quan để gấp rút có dự thảo khung chung về các khoản phí dịch vụ trong trường.
Nhiều khoản thu khác nhau
* Thưa ông, tại sao TP.HCM khảo sát, lấy ý kiến để chuẩn bị ban hành bộ khung chung về phí dịch vụ trong trường học?
- Chúng tôi thực hiện theo nghị định 81 của Chính phủ. Nghị định này yêu cầu UBND TP.HCM trình HĐND TP thông qua các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục. Do đó, việc ban hành khung chung về các khoản thu dịch vụ trong nhà trường là cần thiết.
Nếu năm học 2023 - 2024 TP không ban hành được nghị quyết này thì các khoản thu dịch vụ hỗ trợ giáo dục sẽ không thực hiện được. Nghị quyết này khi được thông qua sẽ áp dụng cho tất cả các khoản thu ngoài ngân sách trong các cơ sở giáo dục công lập từ mầm non đến phổ thông.
* Các khoản thu dịch vụ trong nhà trường mà Ban văn hóa xã hội đang khảo sát gồm những khoản nào?
- Hiện nay, các khoản thu dịch vụ trong nhà trường tại TP.HCM chưa có sự đồng bộ, có khá nhiều sự khác nhau giữa các khoản thu. Tuy nhiên, các khoản thu dịch vụ trong trường được hiểu là những khoản thu ngoài ngân sách. Đó là những khoản thu mà trước đây nhà trường có thể gọi như là thu hộ - chi hộ, thu quỹ cha mẹ học sinh, quỹ hỗ trợ hoạt động giáo dục, thu dịch vụ bán trú, thu phí học hai buổi/ngày...
Hiện nay có đơn vị thu khoản này, có đơn vị thu khoản kia. Nên Sở GD-ĐT TP.HCM phải lên một danh sách đầy đủ các khoản thu để đưa vào khung chung và có mức cụ thể để tránh tình trạng lạm thu. Ngược lại, việc này sẽ tránh trường hợp thiếu khoản thu sẽ khó cho hoạt động của nhà trường.
Chuẩn chung về phí dịch vụ
* Ông đánh giá thế nào về các khoản phí dịch vụ trong trường học hiện nay qua đợt khảo sát cũng như qua tờ trình cùng biểu phí dịch vụ của Sở GD-ĐT TP.HCM?
- Vừa qua, Ban văn hóa xã hội HĐND TP.HCM đã khảo sát một trường tiểu học ở quận 1, một trường THCS tại Hóc Môn và một trường THPT ở quận Bình Thạnh thì thấy rằng mức thu có sự chênh lệch khá nhiều.
Ngay cả báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM cũng có nhìn nhận, đánh giá, thống kê sơ bộ cho thấy ngay cả trong cùng một khu vực nội thành thì mức thu cũng thấp cao khác nhau, cùng một quận nhưng giữa các trường cũng có sự chênh lệch.
Cá biệt ngay cả ở cùng một trường, mức thu ở các lớp với nhau cũng chưa được đồng đều... Đặc biệt đi khảo sát, chúng tôi cũng thấy khi nghe báo cáo thì nói rằng không thu quỹ trường nhưng khi kiểm tra hồ sơ thì lại thu quỹ lớp. Theo tôi đánh giá thì không thu quỹ trường mà thu quỹ lớp thì cũng vậy thôi.
Chúng tôi ghi nhận có những trường vẫn nhầm lẫn giữa thông tư 55 và thông tư 16 của Bộ GD-ĐT. Đối với hoạt động tài trợ cho trường, trường phải huy động dựa theo thông tư 16, nhưng tại một số trường vẫn theo hướng thu quỹ cha mẹ học sinh để thực hiện các công trình cơ sở vật chất. Việc làm này là không đúng quy định.
Hoặc một số nội dung như khi đã tài trợ giáo dục phải là tự nguyện, nhưng tại một số trường lại có mức quy định cụ thể với tỉ lệ 85% phụ huynh học sinh đóng góp. Như vậy là không hỗ trợ tài trợ một cách tự nguyện nữa.
* Đặc thù ở nội thành, ngoại thành và kể cả trong một trường cũng có sự khác nhau giữa các lớp. Khung chuẩn chung có tính đến những yếu tố này, thưa ông?
- Mục tiêu của Ban văn hóa xã hội HĐND TP.HCM là ban hành được một khung chuẩn chung về mức phí dịch vụ sát, phù hợp và đầy đủ với mức thu cụ thể và làm rõ cơ chế thu.
Vì vậy khi đi khảo sát với các trường và các đơn vị liên quan, chúng tôi đã lưu ý là xây dựng nội dung dự thảo nghị quyết phải đánh giá tác động và nắm chắc tình hình thu chi cụ thể ở các đơn vị. Sở GD-ĐT TP.HCM phải phân tích, đánh giá thận trọng và sát thực tế.
Bởi lẽ nếu chúng ta không có đánh giá sát thực tế thì khi ban hành mức thu, ban hành nghị quyết sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện ở các đơn vị cũng như có thể dẫn đến có nhiều mức thu không phù hợp.
Chúng tôi cũng lưu ý Sở GD-ĐT TP.HCM phải đánh giá mức thu ở nội thành như thế nào, ngoại thành ra sao; đối với những trường đông sĩ số học sinh thì có gì khác không về mức thu?
Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT TP.HCM phải thống kê đầy đủ các loại hình hoạt động và các loại dịch vụ thu. Vì tác động của việc bỏ sót một loại phí nào đó, nếu không có trong nghị quyết HĐND TP ban hành thì các trường không được thu và sẽ dẫn đến việc trường nào thu ngoài nghị quyết của HĐND TP.HCM thì khi thanh tra, kiểm tra sẽ bị vi phạm.
Thuận lợi hơn cho trường, hội phụ huynh
* Việc ban hành bảng giá dịch vụ này, theo ông, có giải quyết được vấn đề phụ huynh kêu ca lâu nay rằng nhiều trường học đang lạm dụng việc xã hội hóa để vận động phụ huynh trong các khoản thu đóng góp?
- Nghị quyết về các khoản thu dịch vụ trong trường học là nghị quyết thực hiện theo nghị định 81 của Chính phủ. Chúng tôi cũng đã làm việc rất chặt chẽ với Sở GD-ĐT và các sở ban ngành. Các bên phải đánh giá tác động trên cơ sở điều tra xã hội học, phân tích, dự báo, đánh giá sát thực tế, không ảnh hưởng đến các hoạt động của trường, được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh...
Vì thế, khi thông qua nghị quyết này sẽ có khung chung về các mức thu phí dịch vụ. Lúc này, trường sẽ có cơ sở để thực hiện các khoản thu, hội phụ huynh hoạt động cũng thuận lợi hơn như có thể triển khai cho phụ huynh học sinh phối hợp với nhà trường trong các hoạt động...
Nhiều trường học trên địa bàn TP.HCM hiện không thu quỹ phụ huynh trường nhưng các chi hội phụ huynh lớp lại tự thu, chi khoản này. Việc này có ổn không?
Xem thêm: mth.96853243292303202-coh-gnourt-uv-hcid-ihp-gnuhk-oc-es-mch-pt/nv.ertiout