Ngày 28-3, Văn phòng Công tố tài chính quốc gia Pháp ra lệnh khám xét đồng loạt năm ngân hàng lớn ở Pháp, vốn là một phần trong cuộc điều tra dài hạn về cáo buộc rửa tiền và trốn thuế. Hơn 150 điều tra viên tài chính và 16 thẩm phán địa phương đã khám xét trụ sở tại Paris của các ngân hàng Société Générale, BNP Paribas, HSBC, Natixis và Exane để thu thập bằng chứng.
Âm mưu gian lận thuế qua các ngân hàng
Đây là động thái mới nhất của nhà chức trách nhằm vào các ngân hàng toàn cầu liên quan đến âm mưu gian lận thuế cổ tức. Các cuộc điều tra tương tự đã diễn ra tại Đức và nhiều nước châu Âu khác. Giới chức một số nước châu Âu cho biết những điều tra đó có quy mô trải khắp bốn châu lục, nhắm vào hàng chục ngân hàng và khoảng 1.500 nghi phạm.
Các ngân hàng đang bị điều tra ở Pháp bị cáo buộc tham gia vào một kế hoạch được gọi là "giao dịch cum - cum", trong đó các cá nhân đã bỏ túi hàng trăm triệu euro bằng cách tránh nộp thuế cổ tức của Pháp.
Cum - cum là thủ thuật mà theo đó các cổ đông chuyển nhượng cổ phiếu trong một thời gian ngắn cho nhà đầu tư ở nước ngoài để tránh phải trả thuế cổ tức. Văn phòng Công tố tài chính quốc gia Pháp cho biết Chính phủ Pháp đang tìm cách thu lại ít nhất 1 tỉ euro (1,1 tỉ USD) bị thất thoát.
Thời gian qua, một số nước châu Âu đang tìm kiếm công lý trong "vụ cướp thế kỷ" - cách gọi của nhật báo Le Monde (Pháp), tờ báo đầu tiên đưa tin về âm mưu gian lận thuế ở Pháp vào năm 2018. Trong nhiều năm, hàng trăm người làm trong ngành ngân hàng, các luật sư và nhà đầu tư đã bòn rút ước tính 55 tỉ euro từ kho bạc của các nước châu Âu thông qua âm mưu này.
Trong đó, Đức bị ảnh hưởng nặng nhất, thất thoát khoảng 30 tỉ euro, tiếp theo là Pháp với thiệt hại khoảng 17 tỉ euro. Những khoản tiền nhỏ hơn cũng đã bị bòn rút ở Tây Ban Nha, Ý, Bỉ, Áo, Na Uy, Phần Lan, Ba Lan...
Tại Đức, âm mưu gian lận được thực hiện thông qua "giao dịch cum - ex" (phát triển từ cum - cum), một thủ thuật mà các nhà đầu tư có hiểu biết sẽ lợi dụng để tạo ra hai khoản hoàn lại cho số thuế cổ tức đã trả.
Tháng 12-2022, luật sư Hanno Berger - người được coi là bộ não phía sau âm mưu gian lận thuế theo hình thức "cum - ex" ở Đức - đã bị tòa án thành phố Bonn tuyên 8 năm tù. Âm mưu gian lận thuế cũng dẫn đến các vụ án dân sự và hình sự ở Anh và Đan Mạch. Chính quyền Đan Mạch cho biết cơ quan thuế của họ đã bị một chuyên gia tài chính - sinh ra ở London và đã chuyển đến Dubai - lừa đảo 2 tỉ euro.
Trong vụ điều tra ở Pháp, một nguồn thạo tin cho biết các cuộc khám xét được tổ chức để thu thập bằng chứng về cách thức các giao dịch cổ tức được dàn xếp và liệu có hành vi cố ý nào nhằm giúp khách hàng trốn thuế không. Các ngân hàng trên hiện đối diện nguy cơ bị phạt tổng cộng hơn 1 tỉ euro.
Cảnh giác cao độ
Việc một loạt ngân hàng bị lục soát ở Pháp diễn ra trong bối cảnh lĩnh vực này trên toàn cầu đã có sẵn nhiều bất ổn sau sự sụp đổ của hai ngân hàng SVB và Signature ở Mỹ trong tháng 3, cũng như vụ Ngân hàng UBS mua lại Ngân hàng Credit Suisse tại Thụy Sĩ.
Tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm 28-3, các nhà quản lý tài chính Mỹ gọi sự sụp đổ nói trên là "ví dụ kinh điển về quản lý yếu kém", đổ lỗi cho các lãnh đạo SVB đã không điều chỉnh chiến lược khi lãi suất tăng hồi năm ngoái bất chấp cảnh báo từ giới chức. Tuy nhiên, thượng nghị sĩ Jon Tester chỉ trích: "Có vẻ như các cơ quan quản lý đã biết vấn đề nhưng không ai hành động".
Theo Đài BBC, Ngân hàng Anh - ngân hàng trung ương của Vương quốc Anh - cho biết hiện tại ngân hàng này cũng đang trong tình trạng "căng thẳng và cảnh giác cao độ" về những bất ổn thêm nữa có thể xảy ra sau các biến cố ở Mỹ và Thụy Sĩ. Theo Đài CNN, các nhà đầu tư toàn cầu cũng đang cảnh giác cao độ về sức khỏe của ngành ngân hàng.
Đầu tuần này, Giám đốc điều hành Tập đoàn ngân hàng Úc và New Zealand (ANZ), ông Shayne Elliott, cho rằng biến động của hệ thống ngân hàng có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính.
Hiện vẫn còn quá sớm để dự đoán liệu một cuộc khủng hoảng tài chính tương tự năm 2008 có lặp lại không. Tuy nhiên, rõ ràng với vụ khám xét các ngân hàng ở Pháp, những rắc rối xảy đến với lĩnh vực ngân hàng toàn cầu vẫn đang tiếp tục.
Hãng tin Bloomberg bình luận cuộc điều tra nhằm vào các ngân hàng ở Pháp làm tăng thêm tâm lý tiêu cực với lĩnh vực ngân hàng ở cả Mỹ và châu Âu.
Lãi suất ngân hàng toàn cầu ngừng tăng?
Theo báo Financial Times đầu tuần này, các chỉ số thị trường cho thấy giới đầu tư tin rằng nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sẽ không tăng lãi suất nữa và trong một số trường hợp sẽ bắt đầu cắt giảm trước cuối năm nay.
Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại hãng đánh giá rủi ro Moody's Analytics, nhận định: "Lãi suất toàn cầu đang ở gần đỉnh. Hệ thống ngân hàng toàn cầu trở nên mong manh đột ngột đang gây áp lực buộc các ngân hàng trung ương phải chấm dứt việc tăng lãi suất càng sớm càng tốt".
Deutsche Bank và các ngân hàng khác tại châu Âu đang chứng kiến đợt bán tháo mạnh hôm 24-3. Thủ tướng Đức Olaf Scholz lên tiếng trấn an rằng “không có gì phải lo”.
Xem thêm: mth.32613953292303202-ua-uahc-o-iom-nahc-aid-noc-tam-iod-ial-gnah-nagn-iohk/nv.ertiout