Cho đến nay, Mỹ là quốc gia đầu tiên và duy nhất đưa con người lên Mặt trăng. Tuy nhiên, Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) đã vắng mặt một cách đáng chú ý trong cuộc chạy đua đưa robot lên thám hiểm chị Hằng.
Liên Xô đã hạ cánh các robot thám hiểm Mặt trăng đầu tiên vào những năm 1970. Trong khi đó, Ấn Độ đã cố gắng đưa một chiếc vào năm 2019 nhưng không thành công.
Xe thám hiểm Mặt trăng duy nhất đang hoạt động là Thỏ Ngọc 2 (Yutu-2) của Trung Quốc, một cỗ máy nặng 136kg. Xe này đã thám hiểm phía xa Mặt trăng trong 4 năm qua và gửi nhiều dữ liệu quý giá về Trái đất.
Theo Hãng tin Bloomberg, NASA sẽ tiếp tục bị "qua mặt, lần này là một nhóm sinh viên Đại học Carnegie Mellon (CMU). Nhóm này đã triển khai dự án đưa robot tự hành tên Iris lên thám hiểm Mặt trăng vào tháng 5 tới.
Cô Raewyn Duvall, 28 tuổi, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại CMU là trưởng dự án Iris. Anh Nikolai Stefanov, sinh viên vật lý 22 tuổi, làm giám đốc điều khiển sứ mệnh này.
Khoảng 300 sinh viên CMU đã tham gia tạo ra Iris. Robot có kích thước bằng một chiếc hộp đựng giày và nặng chưa đến 2kg. Đây là robot tự hành nhỏ nhất và nhẹ nhất sẽ lên Mặt trăng. Đồng thời cũng là robot đầu tiên được làm từ sợi carbon thay vì nhôm.
Các sinh viên chế tạo một robot thám hiểm nhỏ như vậy là để nó đủ khả năng đi nhờ trên một con tàu vũ trụ.
Iris chỉ có một camera ở phía trước và phía sau. Tuy nhiên, nó có lợi thế là nằm thấp trên mặt đất của Mặt trăng, và camera của nó có thể chụp được những bức cận cảnh về bụi Mặt trăng.
Iris có thời lượng pin khoảng 50 giờ. Khi hết pin, nó sẽ ở lại trên Mặt trăng.
Bất chấp những hạn chế, Iris là một bước tiến không thể phủ nhận đối với ngành công nghiệp vũ trụ tư nhân. Nó được coi là robot tự hành đầu tiên không phải do một quốc gia chế tạo đáp xuống Mặt trăng.
Ngoài ra, CMU đang lên kế hoạch cho một robot tự hành khác cũng do sinh viên chế tạo. Dự án này trị giá 5 triệu USD có tên là MoonRanger và được NASA tài trợ. MoonRanger sẽ được thiết kế để đi đến cực nam của Mặt trăng để tìm kiếm băng.
Toàn bộ dự án robot tự hành Iris đã tiêu tốn 800.000 USD.
Trường CMU cùng các nhà tài trợ tư nhân hỗ trợ tài chính một phần, một phần thông qua chiến dịch gây quỹ cộng đồng. Có 900 sinh viên của trường đã đóng góp.
Một tệp văn bản ghi tên người đóng góp sẽ được robot Iris mang lên Mặt trăng.
TTO - Robot tự hành Thỏ Ngọc của tàu Hằng Nga 3 (Trung Quốc) đã bất ngờ hồi sinh sau khi truyền thông trong nước loan báo “Thỏ Ngọc đã chết” sáng nay 13-2.