Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì, chỉ đạo Hội nghị hội ý nghiệp vụ. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Công an TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, Lào Cai, Bến Tre, Đồng Nai và Bình Dương.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc chủ trì Hội nghị. |
Tại Hội nghị, Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đã báo cáo tóm tắt tình hình cho biết, thời gian gần đây nổi lên tình trạng các đối tượng phạm tội núp bóng doanh nghiệp, như: công ty tài chính, mua bán nợ, công ty/văn phòng luật,… Các doanh nghiệp do người Việt Nam đứng tên, thuê hàng trăm nhân viên với nhiều bộ phận để vận hành hoạt động với nhiều công đoạn tuyển dụng, đào tạo, quản trị nhân sự, xây dựng chiến lược kinh doanh, quảng cáo, tư vấn, thẩm định, giải ngân các gói vay, nhắc nợ, đòi nợ hoạt động trong phạm vi rộng lớn, không giới hạn địa lý trong toàn quốc. Thậm chí móc nối với các chi nhánh ngân hàng, công ty tài chính, công ty trung gian thanh toán để mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi bằng các hợp đồng tư vấn tài chính, tư vấn pháp lý, xử lý nợ, sau đó giao nhân viên đòi nợ, hưởng lợi từ 10-15% số tiền nợ.
Các đại biểu tham luận tại Hội nghị. |
Để cưỡng đoạt tài sản của người vay, các đối tượng cắt ghép hình ảnh vu khống, xúc phạm người vay, người thân, đồng nghiệp của người vay tiền, gây bức xúc trong nhân dân.
Trong quý I/2023, toàn quốc xảy ra 89 vụ cưỡng đoạt tài sản. Cơ quan điều tra các cấp đã khám phá 79 vụ, bắt xử 223 đối tượng. Các địa phương phát hiện nhiều, gồm: TP Hồ Chí Minh (16 vụ), Hà Nội (7 vụ), Thanh Hóa (7 vụ), Bình Dương (6 vụ), Đắk Lắk (5 vụ)…
Qua các chuyên án, vụ án đã nhận diện rõ phương thức thủ đoạn của các đối tượng, chỉ ra sự thay đổi phương thức hoạt động của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ từ “tín dụng đen”, đòi nợ truyền thống chuyển hướng sang móc nối các đối tượng người nước ngoài thành lập các doanh nghiệp cho vay qua ứng dụng (app) với lãi suất trên 1.000%/năm; hoặc mua lại các khoản nợ khó đòi của các chi nhánh ngân hàng, công ty tài chính, các app cho vay để đòi nợ, khủng bố nhằm hưởng phần trăm.
Các Cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi trên, tạo sức răn đe, phòng ngừa mạnh mẽ trong xã hội. Sau các chuyên án, vụ án được khám phá, tình trạng khủng bố, đòi nợ với thủ đoạn trên đã có chiều hướng giảm và được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao, dư luận ủng hộ.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc trao Bằng khen của Bộ Công an tặng các đơn vị đã lập thành tích xuất sắc, trong công tác điều tra, xử lý tội phạm. |
Dưới sự chủ trì, điều hành của Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, các đại biểu đã trình bày các tham luận, đánh giá toàn diện tình hình, kết quả công tác nhận diện, đấu tranh, triệt phá các vụ cưỡng đoạt tài sản hoạt động dưới dạng núp bóng liên quan đến các doanh nghiệp, công ty luật cũng như những khó khăn, vướng mắc; rút ra bài học kinh nghiệm trong chủ động nhận diện, phòng ngừa, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, điều tra xử lý các vụ án và nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo hiệu quả.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc biểu dương, đánh giá cao công tác điều tra, xử lý tội phạm cưỡng đoạt tài sản hoạt động dưới dạng núp bóng liên quan đến các doanh nghiệp, công ty luật. Đồng thời biểu dương, ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu tại Hội nghị.
Thời gian tới, đồng chí Thứ trưởng yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương kết thúc những vụ việc đã rõ để có biện pháp xử lý, răn đe tội phạm... Tiếp tục bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, nhận diện rõ các loại tội phạm, chủ động có giải pháp đấu tranh mạnh mẽ, toàn diện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng ngừa xã hội, giải quyết tốt, kịp thời các tin báo tố giác tội phạm ngay từ cơ sở.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc với các đại biểu dự Hội nghị Hội ý nghiệp vụ. |