Ngày 30.3, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức tọa đàm thảo luận và góp ý dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
THỬ NGHIỆM CÓ KIỂM SOÁT
Các chuyên gia chỉ ra mức độ tăng trưởng của TP.HCM có dấu hiệu chùng xuống so với cả nước trong nhiều năm qua nên cần có cơ chế vượt trội để TP.HCM tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu. Tính cấp thiết của vấn đề này cũng được Bộ Chính trị nhận diện, đồng ý chủ trương và yêu cầu sớm thể chế hóa.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay, dự thảo nghị quyết có khoảng 40 nội dung, tập trung vào 4 nhóm: những cơ chế của Nghị quyết 54 hiện hữu; cơ chế đặc thù các địa phương khác đang có; các nội dung dự thảo luật đang sửa đổi; nhóm chính sách mới do TP.HCM chủ động đề xuất và cơ quan T.Ư gợi ý.
Theo ông Phan Văn Mãi, mục tiêu của Bộ Chính trị đặt ra đối với TP.HCM đó là cực tăng trưởng, là đầu tàu, trung tâm về mọi mặt và là địa phương có năng lực hội nhập cạnh tranh quốc tế với các TP trong khu vực. Nếu như Nghị quyết 54/2017 tập trung vào khai thác nguồn thu, thì nghị quyết mới đang xây dựng không đặt nặng nguồn thu, mà tập trung xin các cơ chế vượt trội để khai phóng hết tiềm năng. Các cơ chế tập trung vào những việc mà pháp luật chưa quy định hoặc pháp luật có quy định nhưng còn chồng chéo, khó thực hiện.
Sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung, dự thảo lần 5 của nghị quyết bố cục lại thành 12 điều, trong đó có 7 điều khoản nêu cụ thể 7 nhóm chính sách đặc thù về: quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TP.HCM và TP.Thủ Đức.
Trao đổi tại tọa đàm, nhiều chuyên gia đồng tình với việc áp dụng mô hình sandbox - hộp cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho TP.HCM. TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đề nghị mạnh dạn thí điểm thành lập trung tâm tài chính quốc tế, tổ chức chính quyền đô thị tại TP.Thủ Đức hay trung tâm khởi nghiệp của các start-up. Dù vậy, vị chuyên gia này nhận định nếu thử nghiệm từng sandbox sẽ dễ thực hiện. Trong khi đó, nếu tính cả TP.HCM như một sandbox, thử nghiệm cùng lúc nhiều chính sách sẽ khó khăn về thời gian, nguồn lực.
TRÁNH VẾT XE CŨ
GS-TS Nguyễn Trọng Hoài, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP.HCM, bày tỏ băn khoăn khi nhiều cơ chế trong dự thảo nghị quyết bị ràng buộc vì thông qua luật, Chính phủ, Quốc hội. Để tránh "vết xe cũ" có cơ chế nhưng không thể thực hiện của Nghị quyết 54/2017, chuyên gia này cho rằng TP.HCM cần được giao quyền nhiều hơn và kiểm soát ít hơn. Khi đó, các lãnh đạo cũng phải có trách nhiệm lớn hơn, sở ngành có động lực phụng sự hơn.
Dự thảo nghị quyết nêu HĐND TP.HCM được bố trí nguồn vốn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ cho Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC).
MINH BẠCH DỰ ÁN BT THANH TOÁN BẰNG TIỀN
TS Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright, cho rằng đề xuất thực hiện hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) trong dự thảo nghị quyết sẽ vướng nhiều tranh cãi vì cơ chế này trước đây làm theo kiểu đổi đất lấy hạ tầng bị chỉ trích vì thiếu minh bạch. Do đó, TP.HCM cần làm rõ phương án triển khai hợp đồng BT thanh toán bằng tiền.
Cụ thể, nhà nước kêu gọi đầu tư dự án và thanh toán bằng tiền ngân sách, các khu đất xung quanh sẽ bán đấu giá hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển dự án bất động sản. "Với cách thức này, nhà nước sẽ tìm được nhà đầu tư có năng lực phát triển hạ tầng, và doanh nghiệp có uy tín làm dự án bất động sản", TS Nguyễn Xuân Thành nói.
TS Nguyễn Xuân Thành góp ý hình thức đầu tư này không chỉ áp dụng đối với các dự án trên địa bàn TP.HCM mà còn cả dự án liên vùng như Vành đai 3, Vành đai 4 sẽ triển khai sắp tới.
GS-TS Nguyễn Trọng Hoài nêu thực tế cổ phần hóa 38 doanh nghiệp nhà nước của TP.HCM đang "tắc" vì vướng phương án sử dụng đất. Muốn gỡ vướng phải thông qua Bộ TN-MT nên sẽ không khả thi về mặt triển khai trong 5 năm tới. Do đó, GS Hoài đề xuất giao cho HĐND TP.HCM thông qua phương án sử dụng đất của doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa và chịu trách nhiệm trước Quốc hội.
Trong khi đó, PGS-TS Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, dẫn câu chuyện khi làm Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, được Thủ tướng giao thẩm quyền phê duyệt dự án như các bộ. Tuy nhiên, khi phê duyệt dự án lại phải lấy ý kiến các bộ, ngành. "Thủ tướng hỏi thì bộ, ngành trả lời khác, còn tôi hỏi ý kiến thì bộ, ngành trả lời khác", PGS-TS Phan Thanh Bình nói và cho biết việc xin ý kiến các bộ, ngành khiến việc phê duyệt dự án bị chậm trễ.
Đồng quan điểm, PGS-TS Võ Trí Hảo, trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế VN (VIAC), cho rằng "thà xin một lần chứ đừng xin 25 lần", bởi nếu soạn nghị quyết không rõ thì khi thực hiện, TP.HCM lại phải đi xin ý kiến các bộ, ngành liên quan và Chính phủ.
Về quản lý cán bộ, công chức, PGS-TS Võ Trí Hảo đánh giá tư duy quản lý công chức theo biên chế là không phù hợp thời đại, mà nên thay đổi sang tư duy quản lý tối ưu nguồn lực, bao gồm con người và công nghệ.
Nhiều chuyên gia cho rằng sự phát triển của TP.HCM cần đặt trong mối tương quan của vùng Đông Nam bộ, nên cũng cần mạnh dạn thí điểm cơ chế đột phá với dự án có yếu tố liên vùng.