Đây là một trong đề xuất đáng chú ý nằm trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú cho công nhân, đang được Bộ Xây dựng hoàn thiện. Giới chuyên gia nhận định, quy định mới sẽ giúp người mua tiếp cận nhà ở xã hội được dễ dàng hơn.
Luật Nhà ở năm 2014 quy định, người muốn mua, thuê nhà ở xã hội phải đáp ứng 3 điều kiện về nhà ở, cư trú và thu nhập. Trong đó, người mua nhà ở xã hội bắt buộc phải có đăng ký thường trú tại địa phương tại nơi có dự án, nếu không thì phải có tạm trú từ một năm trở lên. Các chuyên gia đánh giá, nếu quy định này gỡ bỏ sẽ giúp người mua tiếp cận nhà ở xã hội thuận tiện hơn.
"Sẽ có một lượng lớn công nhân hay những người nhập cư tại địa phương, họ chưa có đăng ký hộ khẩu hay chưa có hộ khẩu, họ nằm trong 2 nhóm mà còn lại như thu nhập chưa đủ để đóng thuế thu nhập cá nhân và chưa sở hữu nhà thì sẽ thuận tiện hơn. Đây cũng là một trong những cách làm cho chủ đầu tư khi làm nhà ở xã hội tìm kiếm đối tượng khách hàng thuận tiện hơn, giảm bớt trở ngại đối với thị trường hiện nay", ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển, DKRA Group, đánh giá.
Một dự án nhà ở xã hội tại phường Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội. (Ảnh: PLO)
Bên cạnh việc gỡ điều kiện tiếp cận nhà ở xã hội cho người mua. Các doanh nghiệp cho rằng, để tăng nguồn cung nhà ở, có 3 vấn đề cần phải giải quyết đó là: pháp lý, nguồn vốn và quỹ đất. Vừa qua, Nghị quyết 33 được ban hành đưa ra các giải pháp nhằm tạo cơ chế thông thoáng cho nhà đầu tư như: gỡ khó về quy hoạch, quyền lợi và ưu đãi chủ đầu tư, xác định giá… đã được định hướng rõ. Tuy nhiên, về phần quỹ đất, doanh nghiệp kiến nghị cần có chính sách cụ thể hơn.
"Hiện nay đã thống kê đất làm nhà ở xã hội là 95% do doanh nghiệp tự lo chứ nhà nước chưa đủ nguồn lực. Vậy chúng ta nên xem xét tiếp giai đoạn thứ hai là những khu đất mà đất thương mại dịch vụ, đất hỗn hợp; nếu chủ đầu tư đó muốn làm nhà ở xã hội thì chúng ta nên cấp dân số vào khu đất đó để triển khai nhà ở xã hội thì mới có đủ quỹ đất", ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Xây dựng Thương mại Lê Thành, cho biết.
Còn theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có quy định các tỉnh, thành phải quy hoạch khu vực phát triển nhà ở hội, bao gồm đầy đủ tiện ích, dịch vụ… Tuy nhiên, hiệp hội cho rằng ngoài các khu vực này cũng cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp mua quỹ đất để đầu tư, phát triển nhà ở xã hội.
"Các dự án này có thể là dự án nhỏ nhưng nằm ngoài các khu vực được quy hoạch phát triển nhà ở xã hội. Còn nếu chỉ dựa vào duy nhất các khu vực phát triển nhà ở xã hội theo quy hoạch thì chúng ta sẽ rất khó đáp ứng được nhu cầu nhà ở xã hội của người dân trong các đô thị lớn", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, nhận định.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định sẽ sử dụng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các địa phương để tạo lập quỹ đất phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, hiệp hội cho rằng con số này vẫn còn rất ít, do đó có thể tính đến phương án quy đổi 20% quỹ đất dành phát triển nhà ở xã hội từ các dự án nhà ở thương mại thành số tiền tương đương vào một quỹ chung. Từ đó nhà nước dùng để giải phóng mặt bằng, tăng nguồn cung nhà ở xã hội.
VTV.vn - Dự án nhà ở xã hội tại đường Tố Hữu, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm được mở bán lần đầu với giá gần 20 triệu đồng một m2 - mức cao nhất từ trước đến nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.2821609013303202-urt-mat-urt-gnouht-neik-ueid-nac-gnohk-ioh-ax-o-ahn-aum-taux-ed/et-hnik/nv.vtv