Mới hừng đông, ông Tạ Văn Tình (55 tuổi, ngụ ấp An Vĩnh 1, xã Đa Phước Hội, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) đã xách chiếc cuốc nhỏ, mấy cái bao, lụi hụi chạy chiếc xe đạp ra khỏi nhà. Hôm nay ông Tình đi săn đặc sản ở khu vực xã An Thạnh (huyện Mỏ Cày Nam).
Gần hết buổi sáng hì hục đào cuốc mướt mồ hôi trên miếng đất đầy cỏ dại, ông Tình bắt được hơn 50 con sùng đất.
Đặc sản hơn 1 triệu đồng/kg
Thu dọn đồ nghề đạp xe ra về, ông Tình phân trần: "Lúc này là trái mùa nên ít sùng đất. Thông thường từ tháng 8 đến giữa tháng 11 âm lịch là mùa rộ của sùng đất, lúc đó mỗi buổi tui đào được hơn 1 ký lô (từ 210 - 230 con). Bây giờ nhiều người đặt hàng, giá lên đến hơn 1 triệu đồng/kg mà không có đủ để bán".
Ông Tình có thâm niên gần chục năm làm nghề đi săn, thu mua và bán con sùng đất, nổi tiếng ở huyện Mỏ Cày Nam. Ông Tình cho biết con sùng đất thân to bằng ngón tay người lớn, chính là ấu trùng của loài bọ rầy, hình dáng không khác gì con đuông dừa.
Nhưng con đuông sinh sôi phát triển trong củ hủ (lõi non) của cây dừa và làm cây bị chết, còn con sùng sống vùi trong đất, chuyên ăn rễ con và các loại củ, nhưng mức độ phá hại cũng không thua kém gì con đuông dừa.
"Gần chục năm trước, tui thấy thiên hạ khoái ăn các món độc lạ, nhiều loài trước đây là đồ bỏ đi thì tự nhiên trở thành "đặc sản" của nhà hàng, có giá bán trên trời.
Lúc đó ở vùng Mỏ Cày Nam con bù rầy và con sùng đất ấu trùng nhiều vô kể, phá hại mùa màng của người dân rất dữ. Bù rầy trưởng thành cắn phá đọt non của cây, còn sùng đất thì ăn rễ non, các loại củ như khoai lang, khoai mì, củ cây chuối, đậu...
Mấy lần đào đất trồng rẫy, trồng vườn làm đứt con sùng, thấy trong thân nó toàn sữa trắng phau, tui nghĩ con này chắc ăn được, nên bắt về chế biến ăn thử.
Chẳng ngờ mùi vị con sùng quá ngon, không thua con đuông dừa, nên tui giới thiệu với bạn bè, rồi hễ rảnh rỗi là đi đào sùng đất về làm món, nhậu lai rai với chiến hữu".
Theo lời ông Tình, trước đây con sùng đất bị nhà nông vứt bỏ cho gà, cá ăn. Nhưng từ khi ông và bạn bè chế biến thành những món nhậu "đặc sản" thì tiếng đồn cứ lan ra, nhiều người thi nhau săn lùng sùng đất để ăn thử xem loài côn trùng này ngon cỡ nào.
Từ chỗ "đồ vứt đi", con sùng đất dần dần trở thành hàng hóa, từ giá vài chục ngàn đồng/kg leo dần lên vài trăm ngàn rồi cả triệu đồng/kg khi chễm chệ trong thực đơn các quán nhậu.
Hai năm gần đây giá sùng đất dao động từ 1,2 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/kg vì các đại gia từ khắp nơi, đặc biệt là TP.HCM, liên tục săn lùng, đặt hàng để sử dụng và làm quà biếu.
Nguyên do cũng vì lời đồn truyền miệng con sùng đất là "biệt dược phòng the", an toàn và công hiệu hơn Viagra rất nhiều.
Do giá sùng đất tăng chóng mặt và nhiều người liên tục đặt hàng, nên hai năm qua ông Tình vừa trực tiếp đi săn vừa chuyên thu mua "con đặc sản" về nuôi vỗ béo để bán lại.
"Nói là nuôi chứ thực ra tui tự đi săn, đi mua con sùng đất bắt được ngoài tự nhiên với giá 800 - 1.000 đồng/con (tùy lớn nhỏ), đem về bỏ vô bao đất cho nó ăn củ khoai mì rồi bán.
Sở dĩ cho nó ăn củ mì là để nó hấp thu chất tinh bột và có ruột trắng, mỡ trắng, béo ngậy, mới bán được giá hơn 1 triệu đồng/kg.
Còn sùng đất tự nhiên ruột đen chỉ có giá 300.000 - 400.000 đồng/kg là hết mức. Vô đất của ai để đào, mỗi con tui vẫn phải trả tiền cho chủ đất, tùy con lớn hay nhỏ", ông Tình cho biết.
Vì sao sùng đất là "biệt dược phòng the"?
Theo lời ông Tình, kinh nghiệm của ông và nhiều người dân Mỏ Cày Nam cho thấy món sùng đất ngon nhất là chiên nước mắm và nướng mỡ hành, còn đem xào thì... ăn được chứ không ngon.
Gần đây nhiều người dân ở Mỏ Cày Nam còn sáng chế ra món sùng đất xào với nước cốt dừa, chiên hoặc nướng rắc đậu phộng cuốn với lá đậu rồng, lá gừng non, ăn rất ngon và lạ miệng.
Hỏi ông Tình từng ăn nhiều sùng đất, ông nghĩ sao về tin đồn món đặc sản này là "biệt dược phòng the như Viagra", ông cười ngất, nói: "Tui có ăn, có nhậu sùng đất nhiều thật, nhưng phải nói thiệt là ăn nó rất khỏe, cũng thấy có sung mãn hơn. Nhưng cần lưu ý, khi ăn sùng đất chỉ nên nhấm vài ly rượu mới có tác dụng, còn uống đến say quắc cần câu thì... có nhậu với "trứng trời" cũng không thể sung nổi".
Cũng chính vì tiếng đồn nên món đặc sản này ngày càng được các đại gia ưa chuộng. Nhưng ông Tình cho biết, từ năm 2019 đến nay số lượng sùng đất đào được ngày càng ít, có khi cả tháng trời đi đào cuốc mướt mồ hôi ở khắp nơi mà ông chỉ bắt được vài trăm gram.
Ông Tình cho rằng, có lẽ do biến đổi khí hậu, cộng thêm việc săn bắt nhiều làm lũ bọ cánh cứng không kịp sinh sôi, nên số lượng sùng đất đã giảm.
Trong khi đó nhu cầu tiêu thụ ngày càng nhiều, nên giá bán sùng đất đang có xu hướng tăng lên, có thời điểm giá thu mua tăng đến 1,5 triệu đồng/kg nhưng không có để bán. "Theo tui, sùng đất ngày càng ít thì nhà nông càng mừng, vì không còn bù rầy phá hoại mùa màng", ông Tình nói.
Ông Lê Hoàng Cung, thầy thuốc đông y ở Tiền Giang, cho biết một số tài liệu đông y có ghi nhận con sùng đất là vị thuốc quý, có vị mặn, tính hơi ấm, có tác dụng bổ thận, tráng dương, ích khí, nên thường được dùng chữa chứng yếu sinh lý.
Người ta đào bắt con sùng đất vào thời gian từ tháng 5 đến tháng 8, đem rửa sạch, ngâm vào nước sôi khoảng 15 - 20 phút rồi lấy ra đem phơi hoặc sấy khô.
Tuy nhiên con sùng đất ăn tươi có phải là "biệt dược phòng the" hay không thì chưa có nghiên cứu nào cụ thể. Điều đáng lưu ý là những loài côn trùng sống dưới đất thường có nhiều loại độc tố, vì vậy khi chế biến cũng như sử dụng người dân cần hết sức cẩn trọng.
Tiến sĩ Hồ Văn Chiến, nguyên giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (thuộc Bộ NN&PTNT), cho biết trong tự nhiên có nhiều loại sùng đất là ấu trùng của các loài bọ cánh cứng khác nhau.
Những nghiên cứu khoa học đã xác định ấu trùng của các loài bọ cánh cứng sống trong đất đều gây nguy hại rất nhiều cho cây trồng, vì chúng cắn phá, ăn rễ non của cây, ăn các loại củ như khoai, đậu, thậm chí ăn cả rễ cây cao su, khiến cây trồng bị chết, hoa màu thất thu.
Theo ông Chiến, bỏ qua chuyện con sùng đất có phải là "biệt dược phòng the" hay không, việc người dân bất ngờ đưa con sùng đất lên hàng "đặc sản" với giá bán hơn 1 triệu đồng/kg và thi nhau săn lùng loài côn trùng nguy hại này để bán, ăn là việc làm rất tốt, mang lại nhiều lợi ích cho nhà nông.
"Tuy nhiên, cần hết sức lưu ý là việc này chỉ mang lại lợi ích khi mọi người săn lùng con sùng đất ngoài tự nhiên. Nếu vì lợi nhuận mà người dân gây giống và nuôi loài côn trùng có hại này, đến khi nó phát tán trên diện rộng không thể kiểm soát như chuyện nhiều người dân nuôi con đuông dừa, thì tác hại gây ra sẽ rất lớn và lâu dài đối với cây trồng", tiến sĩ Chiến cảnh báo.
---------
"Con thủy quái lớn xác và hung dữ nhứt hạng trên sông Tiền mà tui từng biết phải kể đến lũ cá này. Các loài thủy sản khác đều phải tránh xa chúng nếu không muốn bị táp nuốt vào bụng".
Kỳ tới: Nuôi "thủy quái" sông Mê Kông
Thanh long... bỏ thịt, lấy hạt giờ đây không còn là chuyện cười trái khuấy khi thầy giáo Trần Quốc Trọng, giáo viên Trường THCS Trần Phú (P.7, TP Tân An, Long An), đã làm ra hàng loạt sản phẩm như tinh dầu, son môi, kem dưỡng da từ hạt thanh long.
Xem thêm: mth.27373510113303202-tad-gnol-ioud-argaiv-nas/nv.ertiout