Đồng thời, liệu có giải pháp nào để hạn chế các sự việc tương tự, quảng cáo sai sự thật trong tương lai?
Cần luật hóa quảng cáo để kiểm soát, nghiêm cấm quảng cáo thuốc
Ông Nguyễn Minh Triết - giám đốc Công ty Kịch Bản Việt - cho rằng thể loại quảng cáo "trá hình" đang được sử dụng nhiều, các dạng quảng cáo kiểu này chỉ đang lập lờ, cho người dùng biết được một phần sự thật, đốt cháy lộ trình và đưa ra kết quả.
Trong những quảng cáo của Americare Clinic mà Tuổi Trẻ vừa phản ánh, rõ ràng có dấu hiệu lừa dối khách hàng bởi thực tế không phải là chỉ sử dụng một liệu trình là có thể giảm cân, chưa kể đến những thủ thuật cắt ghép hình ảnh biến một người từ vòng eo rất to trở nên nhỏ gọn. Với những nghệ sĩ tham gia thì rõ ràng họ phải có trách nhiệm với những gì mình làm bởi họ đủ nhận thức được tác động của các video quảng cáo ra sao.
Theo ông Triết, hiện nay chúng ta kiểm soát rất chặt nhưng là quảng cáo trên truyền hình, trên báo chí nhưng trên mạng xã hội thì rất lỏng lẻo. Vì thế có thể luật hóa một cách rõ ràng và chi tiết để hạn chế người tiêu dùng tiếp tục bị dẫn dắt. Với các đơn vị cung cấp các sản phẩm dịch vụ thì cũng cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra và có chế tài thật nặng như một cách răn đe.
Ông Bùi Hoài Sơn - ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cũng cho rằng ngoài bộ quy tắc ứng xử thì rất cần phải xử lý mạnh bằng luật bằng cách nhanh chóng sửa đổi Luật quảng cáo. Trong đó nên hạn chế quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng, thậm chí cấm quảng cáo như một số nước, kể cả trên truyền hình.
Đặc biệt, Luật quảng cáo sửa đổi phải có quy định xử lý quảng cáo trên mạng. Hiện luật chưa động chạm đến mà mới chỉ có nghị định về quản lý quảng cáo xuyên biên giới.
Theo ông Sơn, việc quảng cáo thuốc trên truyền hình có thể gây ra sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng do thông tin về thuốc thường bị rút ngắn để phù hợp với thời lượng của quảng cáo. Việc cấm này cũng là để ngăn chặn các chiến dịch quảng cáo độc hại khi các nhà sản xuất thuốc và các nhà quảng cáo có thể sử dụng các chiến dịch quảng cáo không đúng đắn để tạo ra một nhu cầu giả cho sản phẩm.
Chính sách này giúp đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất thuốc và đảm bảo rằng người tiêu dùng chỉ sử dụng những sản phẩm an toàn và hiệu quả.
Về việc sửa đổi Luật quảng cáo, một đại diện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết theo kế hoạch bộ này sẽ xây dựng Luật quảng cáo sửa đổi vào năm 2024, và cũng sẽ lưu ý đến những quy định rõ về quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội, với những yêu cầu đặc thù để phù hợp với nền tảng mạng xã hội.
Có thể khởi tố hình sự từ hành vi quảng cáo sai sự thật lừa dối khách hàng
Theo các chuyên gia pháp lý, căn cứ theo luật hiện hành thì hành vi sử dụng những đoạn clip quảng cáo công nghệ siêu giảm béo không đúng sự thật để câu khách hàng sử dụng dịch vụ như Tuổi Trẻ đã điều tra có dấu hiệu của tội lừa dối khách hàng.
Luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật - Đoàn luật sư TP.HCM - phân tích tội lừa dối khách hàng được coi là hoàn thành nếu gây hậu quả thiệt hại cho khách hàng từ 5 triệu đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà tái phạm. Những khách hàng bị lừa dối điều trị béo không hiệu quả có thể trình báo cho các cơ quan chức năng như thanh tra sở y tế, công an địa phương nơi trung tâm hoạt động... để có cơ sở xử lý và đòi lại quyền lợi.
Cũng đề cập đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Trung Nghĩa - Đoàn luật sư TP.HCM - phân tích các cá nhân được thuê đóng quảng cáo về hiệu quả liệu trình giảm mỡ thì thực tế họ chưa từng được trải nghiệm qua việc sử dụng máy lần nào, toàn bộ các hình ảnh, lời nói đều là do được "diễn", cắt ghép, chỉnh sửa mà thành.
Về các cơ sở thẩm mỹ thì họ có đăng ký kinh doanh, có giấy phép hoạt động hay không, các máy móc - liệu trình có hợp chuẩn hợp quy, có các nghiên cứu đánh giá rõ ràng về việc giảm mỡ hay không thì cần phải được cơ quan có thẩm quyền vào cuộc xem xét, làm rõ.
Đây là cơ sở vững chắc để xác định hành vi của chủ cơ sở có vi phạm pháp luật hay không, ở mức độ vi phạm hành chính hay hình sự.
Trường hợp cơ sở kinh doanh không đầy đủ giấy phép hoặc liệu trình giảm mỡ không có tài liệu thể hiện được hiệu quả giảm mỡ như quảng cáo thì được xem là quảng cáo không đúng là hành vi vi phạm điều 8 Luật quảng cáo 2012 và có thể bị xem xét xử lý hành chính hoặc hình sự tùy mức độ.
Đối với hành vi quảng cáo không đúng sự thật chủ cơ sở có thể chịu trách nhiệm hành chính theo khoản 5 điều 34 nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Đối với hành vi của các diễn viên, nghệ sĩ, cá nhân được thuê diễn, trường hợp cơ sở thẩm mỹ bị xem xét xử lý hình sự thì những cá nhân này trong trường hợp biết rõ về việc máy móc liệu trình không có công dụng như quảng cáo nhưng vẫn cố tình thực hiện thì bị xem xét xử lý trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm.
Trường hợp chưa đủ dấu hiệu truy tố trách nhiệm hình sự thì các cá nhân này bị xử phạt hành chính theo khoản 5 điều 34 nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 với mức phạt từ 60 - 80 triệu đồng.
* Ông Nguyễn Thanh Đảo (chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM):
Cần sự chung tay của cả xã hội để tẩy chay các quảng cáo "khuếch đại công dụng"
Hành vi quảng cáo "khuếch đại công dụng" gần đây trở nên phổ biến trên mạng xã hội, ở góc độ pháp luật hay đạo đức đều sai. Xét về pháp luật thì theo khoản 9 điều 8 Luật quảng cáo 2012 và khoản 7 điều 109 Luật thương mại 2005. Về mặt đạo đức, trong vai trò của người nghệ sĩ, người của công chúng mà đi thổi phồng công dụng của các sản phẩm, dịch vụ sẽ tạo tác động tâm lý đến công chúng.
Do đó, để đẩy lùi thực trạng trên, bên cạnh việc cần thiết tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng nên chung tay phản ảnh và tẩy chay các hành vi quảng cáo sai sự thật bằng cách gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến cơ quan chức năng.
* Ông Lê Đình Văn (ngụ quận 6, TP.HCM):
Kiểm soát quảng cáo, phải bao quát hơn
Hiện nay không chỉ ở nhu cầu giải trí mà hầu như các hoạt động như mua sắm, khám chữa bệnh, làm đẹp... nhiều người thường thông qua mạng xã hội hoặc các trang web, các ứng dụng tiện ích. Nếu thị trường thực tế thường xuyên được các cơ quan chức năng kiểm soát, quản lý chặt chẽ thì "thị trường" mạng xã hội vẫn còn tạp nham, không có cơ chế quản lý.
Một năm trước đây, chúng ta bức xúc với các quảng cáo thuốc "nhà tôi ba đời", sau đó các cơ quan chức năng đồng loạt vào cuộc theo phản ánh xã hội. Nhưng hành vi quảng cáo sai sự thật qua mạng xã hội thì lại tinh vi hơn, bởi nó không gây phiền phức như "nhà tôi ba đời" mà nó còn xoáy vào nỗi ám ảnh tâm lý của từng cá nhân để câu dụ khách. Vì thế, quản lý hoạt động quảng cáo nên quản lý một cách bao quát, có cơ chế xử phạt cụ thể về các hành vi, hình thức quảng cáo được phép và không được phép đăng tải lên không gian mạng.
CẨM NƯƠNG ghi
Đề nghị báo chí cân nhắc sử dụng hình ảnh của các nghệ sĩ vi phạm
Cuối năm 2021, Bộ VH-TT&DL đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có những quy tắc liên quan tới việc nghệ sĩ phải giữ gìn hình ảnh, uy tín cá nhân, không lợi dụng tên tuổi, tình cảm của công chúng để trục lợi; tham gia hoạt động quảng cáo phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác.
Trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội, bộ quy tắc khuyến khích nghệ sĩ sử dụng tài khoản mạng xã hội của cá nhân để tương tác, chia sẻ, đăng tải, cung cấp thông tin chính xác, tin cậy, có ích cho xã hội và đất nước. Đặc biệt, nghệ sĩ không đăng tải, chia sẻ và lan truyền các nội dung vi phạm pháp luật, thông tin sai sự thật...
Đặc biệt, bộ quy tắc khuyến cáo nghệ sĩ tham gia hoạt động quảng cáo phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm, hàng hóa đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là các sản phẩm trong lĩnh vực y tế, giáo dục và môi trường.
Bộ quy tắc ứng xử tuy không phải là văn bản quy phạm pháp luật có thể mang ra để xử phạt khi nghệ sĩ vi phạm, nhưng Bộ VH-TT&DL ngay trong bộ quy tắc này cũng đề nghị, ngoài phê bình của cơ quan, tổ chức mà nghệ sĩ là thành viên, các cơ quan thông tấn, báo chí cũng phê phán, lên án, cân nhắc sử dụng hình ảnh của những nghệ sĩ vi phạm quy tắc ứng xử.
Ngoài ra, bộ này cũng hướng dẫn các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật, các hội nghề nghiệp chuyên ngành nghệ thuật căn cứ vào quy tắc ứng xử này để xây dựng nội quy, quy chế, quy định, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của công chức, viên chức, hội viên trong đơn vị, tổ chức mình và có các hình thức khen thưởng, kỷ luật theo quy định.
Quyền cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly từng trả lời Tuổi Trẻ về việc xây dựng các biện pháp hạn chế này. Bà nói, trong thời điểm hiện nay, hoạt động của các nghệ sĩ ngoài thực tế còn được thực hiện trên nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau, bởi vậy việc phối hợp để giữ một môi trường nghệ thuật lành mạnh là rất cần thiết. Những quy định này có vai trò như thêm một công cụ, một hàng rào để những người làm nghệ thuật điều chỉnh cho đúng chuẩn mực, thực hiện đúng quy định của pháp luật. Dự kiến có thể công bố và áp dụng các hình thức hạn chế này trong năm 2023.
THIÊN ĐIỂU
Ông Lê Quang Tự Do - cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - cho biết Bộ TT-TT và Bộ VH-TT&DL đang phối hợp để đưa ra các biện pháp hạn chế phổ biến hình ảnh, hạn chế thông tin trên sóng, trên mạng của những nghệ sĩ vi phạm pháp luật nói chung, hoặc vi phạm Bộ quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật mà Bộ VH-TT&DL đã ban hành.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ ngày 30-3, ông Lê Quang Tự Do cho biết hiện Bộ VH-TT&DL đang xin ý kiến các nghệ sĩ, cơ quan liên quan về các quy định này trước khi ban hành vì đây là cách làm mới, cần cẩn trọng, xin ý kiến nhiều lần, nhiều nơi.
Công an quận Phú Nhuận, TP.HCM chỉ đạo các đội nghiệp vụ vào cuộc điều tra dấu hiệu vi phạm pháp luật sau loạt bài 'Sự thật công nghệ siêu giảm béo' trên báo Tuổi Trẻ.
Xem thêm: mth.1065459013303202-taht-us-ias-oac-gnauq-iov-oan-eht-yl-ux/nv.ertiout