Có 102 đề án, chương trình liên quan đến nhiều đơn vị đã được xác định để thực hiện chương trình và quy chế phối hợp công tác này.
Tăng quỹ hỗ trợ khởi nghiệp
Lý giải việc đề xuất tăng quy mô Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp lên 300 tỉ đồng, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM Bùi Hữu Hồng Hải cho biết, hiệu quả khai thác số tiền 100 tỉ đồng thời gian qua khá rõ. Từ 2016 đến nay, gần 680 dự án khởi nghiệp đã được phát vay, quay vòng khai thác lên đến 230 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho rất nhiều bạn trẻ.
Hội đề xuất giai đoạn 2023-2027 nâng lên 200 tỉ đồng và sau 2027 tăng lên 300 tỉ đồng.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đồng ý đề xuất này và cho rằng lực lượng trẻ là đối tượng khởi nghiệp chính, rất cần sự tiếp sức của Đoàn. Tuy nhiên, ông Hoan nói ngoài nguồn vốn ủy thác từ ngân sách, tổ chức Đoàn nên nghiên cứu thêm nguồn vốn xã hội hóa từ các doanh nhân, các quỹ đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn, tổ chức tài chính quốc tế... để họ cùng đầu tư, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
"Quỹ có thể bằng tiền nhưng cũng có thể là các chương trình tài trợ, ví dụ tài trợ 100 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Họ đầu tư, xây dựng điều kiện đào tạo, chúng ta giới thiệu con người để có được những dự án khởi nghiệp hiệu quả" - ông Hoan gợi mở.
Tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Bàn về đào tạo nghề và nguồn nhân lực chất lượng cao, ông Võ Sĩ (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM) chia sẻ vấn đề đào tạo nghề cho thanh niên. Trong đó quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng tình hình thực tế của thị trường lao động. Tuy nhiên, cơ sở vật chất tại một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn lạc hậu, chưa đầu tư phương tiện kỹ thuật dạy học, chưa tạo uy tín với đơn vị tuyển dụng.
Từ phát biểu này, ông Hoan nói sở phải hoàn thiện đề xuất nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, thiết bị... tại các cơ sở đào tạo nghề, đầu tư làm điểm một vài cơ sở để đạt chuẩn lao động ASEAN.
"Cần có đề án trường nghề thay đổi quy mô, thiết bị theo tiêu chí 4.0 hay ASEAN. Đừng áng chừng mà phải cụ thể nhân lực, vật lực, tài lực để thực hiện đề án" - ông Hoan nói.
Bí thư Huyện Đoàn Nhà Bè Nguyễn Thị Thanh Hằng nói cần nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tạo việc làm bền vững cho thanh niên ngoại thành TP. Phải có khảo sát, tư vấn, đào tạo nghề gắn với chuyển dịch ngành nghề theo thị hiếu lao động của thanh niên năm huyện của TP.
Trong đó, làm tốt hướng nghiệp cho thanh niên gắn với các ngành nghề theo xu thế phát triển tại từng địa phương. "Hỗ trợ khởi nghiệp từ nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển các sản phẩm tham gia chương trình OCOP do thanh niên làm chủ sở hữu" - chị Hằng nói.
5 nhiệm vụ cần làm ngay
Ông Võ Văn Hoan cho rằng có 5 nhiệm vụ cần làm ngay trong năm 2023 để thực hiện chương trình phát triển thanh niên TP giai đoạn 2023-2030. Theo đó, từng sở, ngành, quận, huyện, địa phương phải xây dựng kế hoạch phát triển thanh niên, lồng ghép các chỉ tiêu phát triển thanh niên trong chương trình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ chính trị của ngành, đơn vị, địa phương hằng năm.
UBND TP giao Sở Nội vụ theo dõi, trong đó năm 2023 đôn đốc trình để UBND TP ban hành 102 đề án, chương trình, kế hoạch liên quan để thực hiện chương trình này. "Lấy chỉ tiêu của chương trình phát triển thanh niên làm mục tiêu phấn đấu. Cần có chỉ tiêu và giải pháp cụ thể, không nói chung chung" - ông Hoan nhấn mạnh.
Phó chủ tịch UBND TP đề nghị thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã phải phát huy vai trò thanh niên và tạo điều kiện thuận lợi nhất để Đoàn - Hội - Đội hoạt động hiệu quả. "Ban quản lý dự án TP cùng các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn chỉnh dự án trong năm 2023, đầu 2024 đối với công trình xây dựng Nhà văn hóa Thanh niên, Cung Thiếu nhi TP vì đều là công trình đã đề ra cả chục năm rồi" - ông Hoan lưu ý.
Sở Nội vụ, Sở Khoa học - Công nghệ cần có những chuyên đề cụ thể về nâng cao năng lực số, kiến thức cơ bản về công dân số, gợi mở những vấn đề để thanh niên cần chuẩn bị gì, làm gì để có thể trở thành công dân số trong thời đại hiện nay. Không chỉ thanh niên mà học sinh cũng cần được trang bị kiến thức cơ bản về chuyển đổi số ngay từ trường học.
Chị PHAN NGỌC ĐOAN TRANG (bí thư Thành Đoàn Thủ Đức)
Quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2023-2027 giữa UBND TP.HCM và Thành Đoàn có một số điều cơ bản. Trong đó, phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cung cấp thông tin về tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho thanh thiếu nhi.
Giáo dục, nâng cao kiến thức, kỹ năng, tạo điều kiện để thanh niên chủ động cơ hội học tập, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, đoàn kết tập hợp thanh niên. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề và tạo việc làm bền vững cho thanh niên, phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao, hội nhập quốc tế. Thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, phát huy quyền tham gia của trẻ em vào vấn đề trẻ em quan tâm.
Phối hợp nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho thanh thiếu nhi, vai trò của thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng, triển khai, thực hiện pháp luật, chính sách giám sát, phản biện xã hội trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách đối với thanh thiếu nhi…
Nhiều ý kiến bàn thảo thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động Đoàn tại Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của TP.HCM ngày 10-2.
Xem thêm: mth.88553500113303202-mch-pt-nein-hnaht-neirt-tahp-neyuhc-uac-nab/nv.ertiout