Trong một cuộc họp trực tuyến ngày 29/3 vừa qua, Nick Clegg - người đứng đầu các vấn đề toàn cầu của Meta (công ty mẹ Facebook) đã nhấn mạnh sự tập trung của công ty vào vũ trụ ảo metaverse.
“Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục gắn bó với metaverse và thực sự tin rằng nó sẽ là trái tim của nền tảng máy tính mới trong tương lai. Tuy nhiên, mọi thứ cần thêm thời gian”, Clegg cho biết.
Ngoài ra, ông hứa hẹn trải nghiệm vốn bị đánh giá là cồng kềnh với metaverse sẽ sớm được thay thế bằng trải nghiệm thân thiện với người dùng, ví dụ như nhân vật của họ sẽ có thêm đôi chân cho hoàn thiện.
Lời khẳng định của Clegg trái ngược với sự mất hứng thú tương đối của phần còn lại của thế giới công nghệ đối với metaverse. Thay vào đó, trong thời gian gần đây, trí tuệ nhân tạo (AI) và lĩnh vực khởi nghiệp đang phát triển xung quanh nó đang thu hút đông đảo sự chú ý trên toàn cầu.
Theo Bloomberg, việc điều kiện kinh tế thắt chặt hơn buộc ngành công nghệ phải tập trung nguồn lực, trong đó, một số công ty đã phải co hẹp các khoản đầu tư vào trải nghiệm ảo.
Vào tháng trước, tập đoàn Microsoft đã hủy bỏ dự án metaverse công nghiệp của mình như một phần trong kế hoạch sa thải 10.000 nhân sự. Trong tuần này, Walt Disney cũng cắt giảm một bộ phận đang thực hiện các dự án metaverse của mình như một phần trong kế hoạch sa thải hàng loạt người lao động của công ty.
Theo Clegg, có hai cách chính để Meta tận dụng khoản đầu tư vào thế giới ảo: Quảng cáo và thương mại. Khai thác dữ liệu người dùng để nhắm mục tiêu các quảng cáo cụ thể là điều đã giúp hai mạng xã hội Facebook và Instagram của Meta thu được lợi nhuận khổng lồ. Mặc dù vậy, vẫn còn phải xem mọi người sẽ sẵn sàng chi bao nhiêu cho sản phẩm ảo hoặc sử dụng các công cụ thực tế ảo để mua sắm.
Năm 2021, khi đổi tên Facebook thành Meta, CEO Mark Zuckerberg tuyên bố vũ trụ ảo sẽ phổ biến trong 5 tới 10 năm nữa. Công ty đã đầu tư hàng chục tỷ USD vào metaverse nhưng nhận lại kết quả không mấy khả quan, gây ra sự nghi ngờ từ phía các nhà đầu tư. Metaverse từ chỗ là niềm tự hào giờ đây bị coi là nguyên nhân chính khiến tình hình của Meta xấu đi chỉ sau thời gian ngắn. Tính riêng năm 2022, Reality Labs – bộ phận phụ trách metaverse đã lỗ 13,7 tỷ USD. Con số này vào năm 2021 là 10 tỷ USD.
Tháng trước, CEO 38 tuổi khẳng định 2023 sẽ là “năm hiệu quả” của công ty, tập trung chủ yếu vào các vấn đề ngắn hạn. Trong đó, động thái mạnh tay nhất của Meta là sa thải hàng chục nghìn nhân viên. Việc cắt giảm nhân sự đã ảnh hưởng đến tất cả các bộ phận, bao gồm nhóm phát triển metaverse. Nhờ đó, giá cổ phiếu Meta đạt mức cao chưa từng thấy trong một năm qua.
Clegg cho biết một số cộng đồng như game và thể dục, đã nhanh chóng nắm bắt thế giới ảo và công ty tin rằng có nhiều tiềm năng chưa được khai thác đối với các ứng dụng thuộc lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Ông cũng nhấn mạnh cam kết của Meta trong việc lôi kéo các nhà nghiên cứu, tổ chức dân sự và các công ty khác tham gia phát triển metaverse để tạo ra trải nghiệm cho phép “sự sáng tạo, sự khéo léo và niềm vui thực sự”.
Nguồn: Bloomberg