Phản ánh trên báo Tuổi Trẻ, nhiều bạn đọc cho biết thêm thông tin về các cơ sở dạy lái ô tô "ma", họ đóng tiền học lái xe xong thì cơ sở dạy lái xe dọn đi mất.
Các điểm này hứa hẹn đủ kiểu nhưng khi người dân "sập bẫy", đóng tiền xong rồi thì họ không bố trí lịch học, mất tiền không biết kêu ai.
Chị N.T.T. (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) kể lại chuyện chị đã lên mạng tìm chỗ học lái xe ô tô gần nhà. Vào tháng 6-2023, chị tìm được Trung tâm giáo dục nghề nghiệp Sài Gòn (phường Linh Đông, TP Thủ Đức) với mức học phí "tốt" hơn những nơi khác nên đã lập tức đến đăng ký. Lúc này, chị T. được nhân viên tư vấn trọn gói chỉ gần 13 triệu đồng và đã lập tức đồng ý học.
Tuy nhiên, từ khi đăng ký đến cuối năm 2023, chị không nhận được bất cứ thông báo nhập học hay lịch thi nào từ phía trung tâm này. Chị gọi điện thúc giục thì phía trung tâm đưa ra hàng loạt lý do "quá tải học viên", "đang bị thanh, kiểm tra", "học phí tăng do chương trình tăng"... đồng thời yêu cầu chị T. đóng thêm tiền phí nhưng chị T. từ chối.
Sau đó, chị T. trở lại điểm ghi danh thì thấy toàn bộ biển hiệu, trang thiết bị của trung tâm nói trên đã "biến mất".
"Lúc này, tôi xác định mình đã bị lừa nhưng cũng không biết kêu ai, chỉ trách bản thân mình không tìm hiểu kỹ đã đăng ký học ở điểm không uy tín", chị T. bức xúc.
Tương tự, anh H.N. (ngụ quận Gò Vấp) cũng "dính chưởng" một văn phòng ghi danh dạy lái xe với tên gọi như trên đặt tại đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp). Đến nay văn phòng này cũng "biến mất", gọi vào số điện thoại nhân viên 088.798.5XX cũng không được tư vấn giải quyết.
"Theo tôi biết, không ít người đã bị những văn phòng kiểu này lừa tiền. Trong đó có những người gom góp tiền đóng để học lấy cái nghề đi lái thuê. Cơ quan quản lý nhà nước cần làm rõ vấn đề này, xử lý nghiêm hành vi lừa đảo và bảo vệ quyền lợi cho dân", anh N. góp ý.
Cảnh giác văn phòng dạy lái xe "ma" lừa đảo
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông Bùi Hòa An - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết thời gian qua, đơn vị cũng có tiếp nhận một số trường hợp người dân bị văn phòng dạy lái xe "ma" lừa đảo. Hầu hết các văn phòng này đều không phải do Sở Giao thông vận tải TP.HCM cấp phép, quản lý.
Đối với những trường hợp cụ thể, sở lập tức có văn bản đề nghị địa phương vào cuộc kiểm tra, xác minh để có hướng xử lý phù hợp.
Bên cạnh đó yêu cầu các quận, huyện và TP Thủ Đức lập đoàn siết kiểm tra, xử lý văn phòng tuyển sinh đào tạo lái xe giả mạo trên địa bàn TP.HCM. Về phía người dân nên chủ động tập hợp thông tin trình báo đến cơ quan công an, chính quyền địa phương có thẩm quyền xử lý, hỗ trợ.
Ngoài ra, ông An khuyến cáo người dân tự bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách tra cứu kỹ thông tin các cơ sở đào tạo lái xe ô tô đủ uy tín, được cấp phép rõ ràng. Hiện danh sách trung tâm dạy lái xe được công bố tại website của Sở Giao thông vận tải TP.HCM.
Đó là trường hợp của chị P.Y. (ở quận 1, TP.HCM) sau khi đăng ký học lái xe tại một trung tâm đào tạo tìm được trên mạng.