vĐồng tin tức tài chính 365

Đào nhậu - Những cô gái mua vui cuộc say - Kỳ cuối: Chẳng bao giờ trễ để làm lại cuộc đời

2024-03-01 13:18
ThS tâm lý VÕ HỒNG TÂM

ThS tâm lý VÕ HỒNG TÂM

Đó là chia sẻ của ThS tâm lý VÕ HỒNG TÂM sau khi đọc loạt bài "Đào nhậu - Những cô gái mua vui cuộc say" đăng trên Tuổi Trẻ.

* Chào chị, câu chuyện về đào nhậu trên Tuổi Trẻ là thực trạng mà ở đó người phụ nữ bị rẻ rúng. Là một người kiến tạo dự án về bình đẳng giới, chị có chia sẻ gì?

- Khách quan mà nói, đấu tranh bình đẳng giới trước tiên là đấu tranh cho phụ nữ. Theo thời gian, kết quả của quá trình đấu tranh này, thân phận người phụ nữ gần như được giải phóng ra khỏi góc bếp, kể cả những cô gái đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, có rất nhiều phụ nữ thành đạt là doanh nhân nổi tiếng hoặc đảm nhiệm các chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền đất nước.

Nhưng ở một diễn biến khác, tại sao trên những con phố đèn đỏ, trong những phòng karaoke, trong những quán nhậu từ xập xệ ven đường hay quán sang chảnh đều có đường dây để giới thiệu các cô gái với tên gọi "đào nhậu"?

Khoan vội tìm nguyên nhân là số phận hay tính cách của các cô gái, chúng ta sẽ thấy câu chuyện trên phản ánh sự thật về số phận của một số người phụ nữ. Bởi rõ ràng dù là gái làng chơi, bia ôm hay đào nhậu đều thể hiện rõ là cơ thể nét đẹp phụ nữ đang bị đem ra làm trò tiêu khiển, mua vui bằng nhiều hình thức, cấp độ khác nhau.

Dù là xã hội nào đi chăng nữa thì bản chất vấn đề cũng như vậy.

Vì thế, loạt phóng sự trên Tuổi Trẻ khiến tôi có cảm giác chua xót cho thân phận những cô gái mua vui cuộc say. Vậy mới thấy nghị lực và ý chí để vượt lên số phận là vô cùng quan trọng.

* Nhiều người nghĩ rằng hoàn cảnh đẩy đưa, quyết định số phận con người, kể cả nghề nghiệp, trong đó có công việc "đào nhậu". Nhưng thực tế không phải cô gái nào sa chân vào việc mua vui này cũng có hoàn cảnh nghèo khổ.

- Loạt bài đã thể hiện rõ hậu quả của một đào nhậu có khi là "cõng nợ xã hội đen để sang chảnh mua vui", rồi đến "men say, sắc đẹp trở thành hàng dạt", sức khỏe suy yếu trầm trọng. Đau lòng nhất là cô gái của kỳ 4 với biệt danh Ngân "lì". Tết về quê, phải xin tiền tiết kiệm của con để dè xẻn tiêu Tết.

Tại sao cô ấy không dừng lại? Bắt đầu lại? Việc làm lao động chân tay không phù hợp nữa? Hay một bước đã trượt dài rồi cảm thấy mình không thể quay đầu được nữa? Chua xót thay!

Đừng nói đến những "đào nhậu" bình dân, một số cô gái mà tôi vô tình quen biết được học hành đàng hoàng tử tế, vì hoàn cảnh gia đình sa cơ thất thế quá bất ngờ, theo dòng đời các cô ấy cũng trở thành "gái làng chơi cao cấp" cho những "vị đại gia".

Vậy nguyên nhân thật sự do đâu?

Trong loạt bài phóng sự vừa qua, nguyên nhân có vẻ như là hoàn cảnh gia đình, số phận đẩy đưa. Nhà nghèo, học không qua nổi cấp III, chán cảnh làm công nhân, có chút nhan sắc, vài lần ngồi bàn nhậu với các anh trai quen quen rồi được tiền boa, vậy là nghiễm nhiên trở thành "đào nhậu".

Phải chăng, bên trên là nghịch cảnh đè nát cuộc đời, bên dưới là chưa đủ nghị lực, thiếu ý chí để vượt qua hoàn cảnh và số phận, chấp nhận trở thành thân bèo dạt mây trôi, mặc cho dòng đời đưa đẩy?

* Từ thực trạng và hệ lụy của phận đào nhậu, chị có lời khuyên nào cho những cô gái trẻ để họ vững bước hơn trên đường đời, tránh sa chân vào công việc nhạy cảm rồi dần đánh mất chính mình?

- Sinh ra trong cuộc đời này chúng ta không có quyền lựa chọn cha mẹ hay hoàn cảnh gia đình, đó chính là số phận. Nhưng khi trưởng thành, hàng vạn nguyên nhân tiếp tục đẩy đưa khiến chúng ta nhiều lần vô tình đẩy đời cuộc mình vào dông bão, cũng có thể nói đó là số phận.

Tuy nhiên, số phận được tạo nên từ tính cách, tính cách được hình thành bởi suy nghĩ và thói quen. Vì thế, các cô gái ấy nhất định có đủ quyền quyết định cuộc đời mình để dừng lại, bắt đầu lại, đứng lên.

Hành trình này không hề dễ dàng, như con cá bơi ngược dòng, như con chim xây lại tổ giữa mùa bão dông nhưng không gì là không thể, và chẳng bao giờ trễ cả! Chắc chắn, chẳng bao giờ trễ cả để làm lại cuộc đời!

ThS giáo dục LÊ TRƯỜNG AN (giảng viên Trường ĐH Mở TP.HCM):

Niềm vui ngắn qua đi, nỗi đau dài ở lại

Hẳn nhiều người khi đọc loạt bài về đào nhậu trên Tuổi Trẻ đều cảm thấy chua xót cho thân phận người phụ nữ.

Ai cũng cần mưu sinh nhưng công việc kiếm tiền cần chân chính để tạo ra giá trị bền vững. Còn việc này, đâu đó chỉ là những cuộc vui thoáng chốc của người say, kẻ có tiền và người có chút sắc hương.

Đào nhậu - Những cô gái mua vui cuộc say - Kỳ cuối: Chẳng bao giờ trễ để làm lại cuộc đời- Ảnh 3.

ThS giáo dục Lê Trường An

Tất cả đều chóng vánh, phù phiếm nhưng nó khiến người ta khó rút chân ra, có thể vì đắm chìm trong đó, vì mặc cảm hoặc do thói quen. Khó ai có cái nhìn thiện cảm cho những cô gái chọn nghề bán sắc buôn hương, mua vui thiên hạ trong ánh đèn xập xình, giữa cơn say bí tỉ...

Nếu có một nền tảng giáo dục tốt thì người đàn ông sẽ biết tôn trọng phụ nữ, không bao giờ trả tiền cho họ chỉ để mua vui, mua say. Cũng vậy, các cô gái khi biết tôn trọng bản thân mình cùng những phẩm hạnh đi kèm sẽ biết chọn nghề nghiệp chân chính.

Hệ lụy và cay đắng nhất là nỗi đau dài ở lại sau niềm vui ngắn nhận về. Lằn ranh mỏng manh của thân phận người phụ nữ mua vui thiên hạ bị đẩy vào đường cùng, phải đánh mất bản thân thêm nữa từ cám dỗ, cạm bẫy phía sau những cuộc nhậu.

Ông LÊ MINH TIẾN (giảng viên xã hội học):

Phải thay đổi quan niệm, ứng xử văn hóa trước tiên

Dân nhậu ở Việt Nam hay có câu "nhậu thì phải có phụ nữ mới vui". Rõ ràng đào nhậu là một dạng mua vui, rồi người ta muốn vui tới bến thì sẽ biến tướng tới con đường mà hầu như các cô đào nhậu ở Việt Nam đều phải đi qua là mại dâm trá hình.

Đào nhậu - Những cô gái mua vui cuộc say - Kỳ cuối: Chẳng bao giờ trễ để làm lại cuộc đời- Ảnh 4.

Giảng viên xã hội học Lê Minh Tiến

Tôi thấy vấn đề đào nhậu dường như chịu ảnh hưởng của văn hóa Á Đông, tương tự Việt Nam thì hiện tượng này còn có ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Ở Nhật Bản cũng có một dạng đào nhậu như thế nhưng cao cấp hơn, nghệ thuật hơn một chút khi các cô này chỉ tiếp rượu và đàn hát, không gắn với mại dâm, được gọi là geisha. Trong khi ở Việt Nam thì thiên về tình dục nhiều hơn.

Việc phục vụ bia rượu không phạm pháp, nhưng nó xâm phạm đạo đức xã hội và gây ra nhiều hệ lụy cho bản thân các cô gái như nợ nần, nghiện ngập, bệnh tật. Ngoài ra, các cô cũng rất khó khăn trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình như những phụ nữ bình thường khác.

Nhiều cô đào có con cái thì việc dạy dỗ con cũng bị bỏ lỏng vì khi sa vào con đường này sẽ khó giáo dục con một cách đàng hoàng, tử tế.

Nói đi cũng phải nói lại. Trong văn hóa làm ăn, kinh doanh của người Việt, nhiều khi phải "tới bến" mới giải quyết được công việc. Dạng đào nhậu này thường gắn với tầng lớp khách cao cấp hơn, bản thân các cô cũng không phải dạng đào trung bình.

Nếu làm ăn với các nước phương Tây thì chuyện này gần như không xảy ra vì khuôn mẫu văn hóa ứng xử trong kinh doanh của họ không có điều đó. Nhưng nếu hợp tác kinh doanh với người ở một số nước châu Á gần Việt Nam thì mô hình này không hiếm.

Tôi có mấy người bạn thường làm ăn với các nước này thì kiểu gì cũng có mấy vụ gọi đào nhậu. Từ đó có thể thấy hai văn hóa nhìn phụ nữ khác nhau của phương Đông và phương Tây.

Làm nhân viên phục vụ bia rượu không xấu, nếu hình thành được văn hóa đào nhậu theo kiểu geisha của Nhật thì chẳng ai ý kiến gì. Trong loạt bài cũng có thể hiện rằng đôi khi các cô gái chỉ muốn dừng ở việc ngồi uống bia cùng, nhưng nếu từ chối yêu cầu "tăng hai, tăng ba" của khách sẽ bị quản lý cắt suất phục vụ trong những lần sau.

Quan niệm về bình đẳng giới ở nước ta chưa rõ ràng. Dù tuyên truyền trên truyền thông nhiều nhưng trong thực tế không ít người vẫn xem phụ nữ như một đối tượng mua vui.

Do đó, để hạn chế kiểu đào nhậu này, tôi cho rằng trước tiên phải thay đổi từ ứng xử văn hóa, quan niệm về vai trò của phụ nữ trong xã hội.

Đào nhậu - Những cô gái mua vui cuộc say - Kỳ 6: Khi tỉnh rượu, lúc tàn canhĐào nhậu - Những cô gái mua vui cuộc say - Kỳ 6: Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh

Tỉnh giấc sau những cơn say rã rời thân xác, nhiều đào nhậu cũng muốn bỏ việc đem nhan sắc tuổi trẻ ra mua vui, nhưng con đường quay đầu của họ gập ghềnh cùng rất nhiều cạm bẫy.

Xem thêm: mth.6462320010304202-iod-couc-ial-mal-ed-ert-oig-oab-gnahc-iouc-yk-yas-couc-iuv-aum-iag-oc-gnuhn-uahn-oad/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đào nhậu - Những cô gái mua vui cuộc say - Kỳ cuối: Chẳng bao giờ trễ để làm lại cuộc đời”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools