Theo đề án tuyển sinh vừa công bố, năm 2024 Trường đại học Thương mại tuyển 4.950 chỉ tiêu, tăng 100 chỉ tiêu so với năm ngoái.
10 chương trình đào tạo mới
Năm nay nhà trường tuyển sinh 38 chương trình đào tạo, trong đó 27 chương trình đào tạo chuẩn, 3 chương trình đào tạo định hướng nghề nghiệp, và đặc biệt có 8 chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP) bắt đầu tuyển sinh từ năm 2024.
Theo nhà trường, các chương trình IPOP có sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản trị doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng chương trình, trực tiếp đào tạo và hướng dẫn thực tế cho sinh viên.
Sinh viên theo học sẽ được trang bị những kiến thức nền tảng liên ngành trong lĩnh vực kinh doanh - quản lý, kiến thức mới về cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong kinh doanh. Ngoài ra, sinh viên còn được trang bị kiến thức chuyên sâu về ngành, chuyên ngành đào tạo, chú trọng vào thực nghiệp.
8 chương trình đào tạo IPOP bao gồm: quản trị kinh doanh (ngành quản trị kinh doanh), marketing thương mại (ngành marketing), kế toán tích hợp chứng chỉ quốc tế (ngành kế toán); logistics và xuất nhập khẩu (ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng), thương mại quốc tế (ngành kinh doanh quốc tế), tài chính - ngân hàng thương mại (ngành tài chính - ngân hàng), quản trị nhân lực doanh nghiệp (ngành quản trị nhân lực), quản trị khách sạn (ngành quản trị khách sạn).
Ngoài ra, nhà trường còn mở 2 chương trình đào tạo mới là công nghệ tài chính ngân hàng (ngành tài chính - ngân hàng) và kinh doanh số (ngành thương mại điện tử).
5 phương thức tuyển sinh
Năm 2024, Trường đại học Thương mại giữ ổn định các phương thức tuyển sinh đại học chính quy như năm 2023, có điều chỉnh kỹ thuật nhằm tạo điều kiện thuận lợi và tăng cơ hội xét tuyển cho thí sinh, cụ thể:
Phương thức 1 - Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quy định của trường (Mã phương thức xét tuyển 301).
Phương thức 2 - Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Mã phương thức xét tuyển 100).
Phương thức 3 - Xét tuyển theo kết quả học tập cấp THPT của thí sinh học 3 năm (lớp 10, 11, 12) tại trường THPT chuyên toàn quốc/trường THPT trọng điểm quốc gia, tốt nghiệp năm 2024 theo từng tổ hợp môn xét tuyển (mã phương thức xét tuyển 200).
Phương thức 4 - Xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (mã 402a), đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội (mã 402B).
Phương thức 5 - Xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế với kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (mã phương thức xét tuyển 409).
Nhà trường lưu ý thí sinh, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tính theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ được thông báo ngay sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Trong đó, các phương thức xét tuyển 100, 402a, 402b, 200, 500 ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào được xác định là tổng điểm 3 bài thi/môn thi của một trong các tổ hợp xét tuyển tương ứng với ngành/chuyên ngành đăng ký, dự kiến 20 điểm.
Các phương thức 409, 410 ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào được xác định là tổng điểm 2 bài thi/môn thi (gồm môn toán và môn ngữ văn/vật lý/hóa học) và điểm quy đổi chứng chỉ quốc tế (theo Bảng 1), dự kiến 20 điểm.
Điều kiện điểm xét tuyển tối thiểu đối với thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức 200 là đạt điểm xét tuyển từ 25,0 trở lên, 410 đạt điểm xét tuyển từ 21,0 trở lên.
Năm ngoái, điểm chuẩn trúng tuyển vào Trường đại học Thương mại xét điểm thi tốt nghiệp THPT dao động từ 24,5-27 điểm.
Ba ngành marketing thương mại, kinh doanh quốc tế và marketing số cùng lấy điểm chuẩn 27. Ngôn ngữ Trung Quốc cao thứ hai - 26,9, quản trị thương hiệu 26,8 và kinh tế quốc tế 26,7.
Những ngành lấy điểm chuẩn 24,5 là quản trị kinh doanh (tiếng Pháp thương mại), quản trị khách sạn.
Mạng xã hội đang đưa lại nhiều đề án tuyển sinh cũ, không chính xác so với quy định năm nay, thí sinh cần thận trọng. Đại diện Bộ GD-ĐT lưu ý tại Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp ở Nghệ An sáng 13-1.