Đó là nội dung công văn Bộ Giao thông vận tải gửi UBND các tỉnh, thành phố và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về triển khai công điện số 16/CĐ-TTg ngày 21-2-2024 của Thủ tướng.
Tại công điện này, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và các địa phương đẩy nhanh nghiên cứu, triển khai đầu tư nâng cấp các tuyến đường cao tốc đang khai thác, đang đầu tư theo quy mô phân kỳ (chiều rộng 2 làn xe hoặc 4 làn xe không có dải dừng xe khẩn cấp liên tục).
Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được giao làm cơ quan chủ quản, cơ quan có thẩm quyền triển khai đầu tư các dự án đường cao tốc khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường cao tốc có quy mô phân kỳ đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường cao tốc đang quản lý khai thác theo quy mô phân kỳ.
Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp gửi kết quả về bộ trước ngày 15-3-2024 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng về phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường cao tốc đang khai thác, đầu tư theo quy mô phân kỳ đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh.
Theo Bộ Giao thông vận tải, đến nay đã đưa vào khai thác 13 tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư với tổng chiều dài 766km, chiếm hơn 40% tổng chiều dài đường cao tốc đang khai thác, bao gồm: 5 tuyến cao tốc 2 làn xe, chiều dài 371km (Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Yên Bái - Lào Cai, Hòa Lạc - Hòa Bình, Thái Nguyên - Chợ Mới) và 8 tuyến cao tốc 4 làn xe có dải dừng xe khẩn cấp không liên tục, chiều dài 395km (Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ).
Lý do là giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông khoảng 462.000 tỉ đồng nhưng được cấp thẩm quyền phân bổ 304.105 tỉ đồng (đáp ứng 66% nhu cầu), phần lớn tập trung đầu tư đường cao tốc.
Do việc đầu tư các tuyến cao tốc theo quy mô hoàn chỉnh như quy hoạch có chi phí lớn, trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, Bộ Giao thông vận tải đã nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền đầu tư phân kỳ các dự án đường cao tốc.
Bộ Giao thông vận tải đánh giá quy mô phân kỳ đầu tư đường cao tốc phù hợp với nhu cầu vận tải trong giai đoạn trước mắt khi lưu lượng giao thông chưa lớn (lưu lượng khoảng 5.000 - 6.000 xe/ngày đêm), thời gian khai thác phân kỳ từ 6 - 10 năm. Việc phân kỳ đầu tư sẽ giảm 30 - 50% tổng mức đầu tư dự án nên phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực theo từng giai đoạn.
Đường cao tốc đầu tư phân kỳ còn có một số tồn tại, hạn chế như: bề rộng mặt cắt ngang 2 làn xe, không bố trí dải phân cách giữa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; đường 4 làn xe với dải dừng xe khẩn cấp không liên tục nguy cơ gây ùn tắc trong trường hợp xảy ra sự cố khi chưa xử lý kịp thời.
Tốc độ khai thác giai đoạn phân kỳ đầu tư chưa cao, khoảng 80 - 90km/h; phân kỳ đầu tư nhiều giai đoạn có thể gây tác động, ảnh hưởng đến môi trường, cộng đồng dài hơn so với phương án đầu tư hoàn chỉnh một lần.
Nhiều nhà đầu tư tư nhân không còn mặn mà với việc làm đường cao tốc. Nguyên nhân vì sao?