Hồ sơ vụ án thể hiện để vay được tiền của ông Trần Quí Thanh, 4 bị hại đều phải thông qua "cò" (người môi giới - PV). Và sau mỗi giao dịch thành công, người vay phải chi một khoản không nhỏ phí môi giới (từ 3 - 6%/tổng tiền vay).
Đầu năm 2018, do gặp khó khăn về tài chính, ông Lâm Sơn Hoàng thông qua người quen gặp Nguyễn Hoàng Phú. Phú tự giới thiệu là cháu ông Trần Quí Thanh và hứa giúp Hoàng vay tiền của ông Thanh.
Sau khi xem qua giấy tờ 4 thửa đất mà ông Hoàng dùng để đảm bảo cho khoản vay, Phú thông báo cho ông Hoàng biết quy trình cho vay tiền của ông Trần Quí Thanh.
Theo đó, phải ký hợp đồng công chứng chuyển nhượng hết 4 thửa đất cho bà Trần Uyên Phương, sau khi sang tên xong thì mới được nhận tiền, phí môi giới là 3%/tổng tiền vay, lãi suất 3%/tháng (cắt lãi 3 tháng đầu tiên vào tiền vay).
Sau đó, Phú nhiều lần đưa ông Hoàng đến trụ sở Công ty Tân Hiệp Phát gặp ông Trần Quí Thanh để trao đổi, thỏa thuận việc vay tiền và được ông Thanh đồng ý cho vay 115 tỉ đồng.
Sau khi ông Hoàng thực vay được 104 tỉ đồng (cắt lãi, đóng thuế, phí…) thì ông còn phải trả cho Phú 3 tỉ đồng theo hợp đồng thỏa thuận trích thưởng.
Tương tự, đầu năm 2019, do cần 67 tỉ đồng trả nợ thế chấp 2 thửa đất tại ngân hàng, ông Nguyễn Huy Đông được bạn giới thiệu gặp Đoàn Nguyễn Minh Hoàng (hay còn gọi là Julia, môi giới vay tiền của ông Trần Quí Thanh).
Hoàng cũng tư vấn cách thức cho vay tiền và đưa ông Đông đến gặp ông Thanh. Tiếp đó Hoàng hỗ trợ giải chấp tài sản tại ngân hàng, công chứng sang tên cho Trần Uyên Phương, Hoàng được ông Đông trả 2,5 tỉ đồng phí môi giới sau khi vay được tiền.
Năm 2019, ông Nguyễn Văn Chung, để kiếm nguồn tiền trả nợ mua đất đã tìm gặp Nguyễn Phi Long là người môi giới vay tiền của ông Trần Quí Thanh, đặt vấn đề vay 35 tỉ đồng với tài sản cầm cố là thửa đất ở quận Bình Tân (sau này được tách ra làm 29 thửa đất).
Long đến gặp ông Trần Quí Thanh và được ông Thanh giao kiểm tra tính pháp lý, làm việc với ông Chung về cách thức cho vay cũng như lãi suất, phí môi giới và hỗ trợ thực hiện các thủ tục trong quá trình vay.
Sau đó, Nguyễn Phi Long được hưởng 700 triệu đồng từ khoản vay của ông Chung.
Còn bà Đặng Thị Kim Oanh (chủ tịch Công ty Kim Oanh Đồng Nai) để vay được 500 tỉ đồng từ ông Trần Quí Thanh đã phải chi cho "cò" Nguyễn Hoàng Phú 20 tỉ đồng phí môi giới.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định sau khi môi giới cho vay thì Phú, Hoàng, Long không biết mục đích của Trần Quí Thanh đưa ra các lý do là nhằm chiếm đoạt tài sản của người vay và không có hành vi giúp sức nên không có căn cứ xử lý hình sự.
Truy tố ông Trần Quí Thanh và hai con gái
Ông Trần Quí Thanh (cựu giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát) cùng hai con gái là Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích vừa bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, trong khoảng thời gian từ năm 2019 - 2020, cha con ông Trần Quí Thanh thông qua môi giới đã cho bốn người vay tiền với lãi suất 3%/tháng. Điều kiện cho vay được đặt ra là các chủ tài sản hoặc dự án thế chấp phải thực hiện việc ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản hoặc cổ phần của dự án để che giấu bản chất của việc cho vay.
Tuy nhiên, theo điều tra thì khi bên vay thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi theo thỏa thuận nhưng cha con ông Trần Quí Thanh lại viện ra các lý do để không trả lại tài sản.
Bằng thủ đoạn này, ông Trần Quí Thanh đã chiếm đoạt tổng cộng hơn 1.048 tỉ đồng từ 4 người vay tiền.
Sau khi làm hợp đồng giả cách chuyển tài sản cho phía ông Trần Quí Thanh để vay tiền, người vay bị cấn trừ 3 tháng tiền lãi và chịu mọi chi phí giao dịch. Đến khi người vay chuộc tài sản thì bị gây khó dễ, nhằm chiếm đoạt.